Xây dựng cơ sở pháp lý cho Khu kinh tế cửa khẩu
Tại kỳ họp thứ 24 (chuyên đề) giữa tháng 11/2024, HĐND tỉnh khóa X (nhiệm kỳ 2021 - 2026) ban hành Nghị quyết 60/NQ-HĐND, thông qua nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang đến năm 2045. Đây là nghị quyết rất quan trọng, giúp 'khai mở' tiềm năng, tạo cơ sở pháp lý để quản lý đầu tư xây dựng, triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư trong Khu kinh tế cửa khẩu theo quy định.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy, tỉnh có đường biên giới chung với Campuchia dài khoảng 98km, tạo thành lợi thế cửa ngõ, trung tâm giao thương với các nước ASEAN. Từ năm 2001, An Giang xác định phát triển kinh tế cửa khẩu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang đến năm 2030 tại Quyết định 456/QĐ-TTg, ngày 22/3/2016, với tổng diện tích khoảng 30.729ha.
Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28/2/2022); Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt ngày 15/11/2023) và Công văn 1804/TTg-CN, ngày 18/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ xác định, An Giang là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Tỉnh An Giang nói chung và Khu kinh tế cửa khẩu An Giang nói riêng xuất hiện nhiều sự thay đổi, với các định hướng cấp vùng mới, thay đổi dự án động lực vùng… tạo cơ hội mới cho việc phát triển toàn diện Khu kinh tế cửa khẩu. Nếu nắm bắt tốt, toàn bộ vùng kinh tế cửa khẩu An Giang tiếp giáp với Campuchia sẽ phát huy hiệu quả thế mạnh, tiềm năng sẵn có, trở thành vùng kinh tế sôi động, hấp dẫn, lan tỏa động lực phát triển cho các vùng xung quanh, góp phần bảo vệ và giữ vững quốc phòng - an ninh khu vực biên mậu.
Tuy nhiên, việc phải cân đối nguồn vốn đầu tư cho cả 3 khu vực cửa khẩu khiến cho quá trình phát triển còn chậm, quy mô nhỏ, chưa tương xứng tiềm năng. Sự thay đổi một số cơ chế, chính sách ban đầu làm nền tảng của việc định hướng quy hoạch (điển hình như chính sách phi thuế quan) khiến cho các định hướng quy hoạch không còn phù hợp. Quyết định 01/2018/QĐ TTg, ngày 16/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ Quyết định 72/QĐ-KKT, ngày 26/11/2013 (quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu) có hiệu lực, nên Khu kinh tế cửa khẩu An Giang không còn cơ chế, chính sách ưu đãi riêng. Khi lợi thế, ưu đãi đầu tư hầu như không còn, điều kiện hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ thì việc kêu gọi, thu hút đầu tư càng khó khăn hơn. Trước tình hình đó, Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang cần được điều chỉnh, cập nhật để xác định lại mục tiêu, định hướng chiến lược phù hợp với tình hình thực tế, những động lực mới.
Quan điểm lập quy hoạch của tỉnh là xây dựng, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu An Giang phù hợp với những định hướng phát triển của tỉnh về kinh tế - xã hội, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, phù hợp với các nội dung của quy hoạch cấp quốc gia có liên quan, quy hoạch vùng ĐBSCL và Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm An Giang được kỳ vọng trở thành vùng động lực phát triển của tỉnh và khu vực, trung tâm kinh tế năng động, đầu mối giao lưu giao thương quốc tế quan trọng để mở rộng hợp tác với Campuchia, vùng Đông Nam Á. Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu gắn liền với chiến lược phát triển chung của các vùng lân cận: TX. Tịnh Biên, Tân Châu (dự kiến thành TP. Tân Châu), TP. Châu Đốc, huyện An Phú... đáp ứng yêu cầu về dân cư, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan môi trường. Quy hoạch cũng là cơ sở pháp lý để quản lý đầu tư xây dựng, triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và các dự án đầu tư trong Khu kinh tế cửa khẩu theo quy định; góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia ổn định, hòa bình, hữu nghị và phát triển kinh tế biên mậu.
Ranh giới khu kinh tế cửa khẩu đã phê duyệt và ranh giới khu kinh tế cửa khẩu theo quy hoạch tỉnh được điều chỉnh để đảm bảo đồng bộ giữa các quy hoạch. Cụ thể, khu vực Cửa khẩu Tịnh Biên (khoảng 10.079ha, thuộc một phần TX. Tịnh Biên) bao gồm các phường: Tịnh Biên, Nhà Bàng, An Phú, Nhơn Hưng và xã An Nông. Khu vực Cửa khẩu Khánh Bình (khoảng 8.131ha, thuộc một phần huyện An Phú) bao gồm thị trấn Long Bình và các xã: Khánh Bình, Khánh An, Quốc Thái, Nhơn Hội, Phú Hữu. Khu vực Cửa khẩu Vĩnh Xương (khoảng 12.524ha, thuộc một phần TX. Tân Châu) bao gồm các phường: Long Thạnh, Long Hưng, Long Châu, Long Sơn và Long Phú; các xã: Tân An, Tân Thạnh, Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa, Phú Lộc và một phần xã Long An. Quy mô lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang khoảng 30.734ha (tăng 5ha).
Theo Nghị quyết 60/NQ-HĐND, việc nghiên cứu lập quy hoạch phải đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng, rà soát quy hoạch và dự án có liên quan; rà soát, cập nhật, khớp nối, đánh giá đồ án quy hoạch, dự án, chương trình đang triển khai; nghiên cứu, phân tích mối quan hệ liên vùng, đánh giá vai trò, vị thế, tiềm năng và các động lực phát triển. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu về dự báo phát triển, lựa chọn chỉ tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng mục tiêu, tầm nhìn; xác định chiến lược phát triển; đánh giá môi trường chiến lược, ứng phó biến đổi khí hậu; yêu cầu về quốc phòng - an ninh…
Đây là khu kinh tế cửa khẩu tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị; nông, lâm, ngư nghiệp gắn với các khu vực cửa khẩu; là cực tăng trưởng để thu hút đầu tư, động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đô thị cho toàn vùng Tây Bắc tỉnh An Giang nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung. Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh cũng là đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt trong quan hệ với Campuchia; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh.