Xây dựng cơ sở y tế 'An toàn - thân thiện - bệnh viện vì dân'

Thực hiện lời dạy của Bác: 'Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua', trong những năm qua, cán bộ, nhân viên ngành Y tế Nam Định luôn nỗ lực rèn luyện y đức, trau dồi chuyên môn, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng và nhân rộng mô hình cơ sở y tế với phương châm: 'An toàn - thân thiện - bệnh viện vì dân'.

Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu tổ chức Hội thi “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế áp dụng quy tắc ứng xử theo mô hình AIDET hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu tổ chức Hội thi “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế áp dụng quy tắc ứng xử theo mô hình AIDET hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

Thấm nhuần y đức “Lương y phải như từ mẫu”

Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Hải Hậu là bệnh viện hạng II, có quy mô 450 giường bệnh (thực kê 540 giường), có hơn 300 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên. Hàng năm, bệnh viện thu dung từ 250 nghìn đến 270 nghìn lượt người đến khám bệnh (trung bình từ 800-900 lượt/ngày, cao điểm có ngày lên đến 1.300 bệnh nhân đến khám, điều trị). Riêng trong 6 tháng năm 2024, bệnh viện đã khám, điều trị cho gần 158 nghìn lượt bệnh nhân, trong đó điều trị nội trú cho gần 20 nghìn người bệnh (đạt 75% kế hoạch năm), thực hiện gần 1.400 ca phẫu thuật ngoại khoa, công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 106%. Bác sĩ Hoàng Văn Chiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện cho biết: Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lao động, Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện đã tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện nghiêm quy chế bệnh viện, quy chế chuyên môn, đảm bảo an toàn trong khám, chữa bệnh (KCB). Bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh 3 phong trào thi đua: “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, không khói thuốc, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng KCB phục vụ nhân dân”; “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống lại mọi biểu hiện phiền hà, sách nhiễu người bệnh, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu bệnh viện”. Cùng với đổi mới phong cách thái độ phục vụ, bệnh viện quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn y và dược, nhất là đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa sơ bộ, cử nhân điều dưỡng. Đồng thời, bệnh viện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và KCB điều trị nội trú, ngoại trú. Tất cả các khoa, phòng đều triển khai thực hành 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng), tạo môi trường làm việc an toàn và khoa học. Năm 2023, bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong ngành Y tế, nhân viên điều dưỡng là người tiếp xúc bệnh nhân với thời gian được xác định từ khi nhập viện cho đến khi hồi phục xuất viện... đảm bảo cho quá trình thăm khám, điều trị bệnh nhân diễn ra hiệu quả. Điều dưỡng viên đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng bệnh viện. Đồng chí Dương Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh chia sẻ: Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”, những năm qua, đội ngũ điều dưỡng của tỉnh luôn nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện y đức, tâm huyết với nghề, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hội đã tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua, giáo dục truyền thống y đức - y nghiệp cho hội viên, thực hiện chuẩn đạo đức điều dưỡng viên Việt Nam gắn với đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, cải tiến chất lượng chăm sóc người bệnh, tích cực tham gia các phong trào thi đua của ngành Y tế và Hiệp Hội Điều dưỡng Việt Nam. Toàn tỉnh đã có trên 85% điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên có trình độ từ cao đẳng trở lên, trong đó tỷ lệ đại học chiếm 37,9%; sau đại học chiếm hơn 1,5%. 90% người hành nghề điều dưỡng tại các bệnh viện, trung tâm y tế (TTYT) được cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo quy định. Hội Điều dưỡng tỉnh phối hợp triển khai các lớp tập huấn, đào tạo chuẩn đạo đức điều dưỡng viên Việt Nam; quản lý và lãnh đạo điều dưỡng; kỹ năng giao tiếp ứng xử; kỹ năng truyền thông; tư vấn giáo dục sức khỏe cho người bệnh, chăm sóc người bệnh toàn diện; tiêm an toàn, sử dụng thuốc an toàn hợp lý; kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện... Qua đó góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh của đội ngũ điều dưỡng.

Bệnh viện Mắt tỉnh Nam Định là bệnh viện hạng II với quy mô 120 giường bệnh. Bác sĩ Đặng Xuân Ngọc, Giám đốc bệnh viện cho biết: Thời gian qua, đội ngũ cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng bệnh viện thực hiện hiệu quả phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; Thông tư 31/2021/TT-BYT, ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế quy định về việc hướng dẫn điều dưỡng trong công tác chăm sóc người bệnh trong bệnh viện. Tham gia các lớp tập huấn, áp dụng những kỹ thuật mới vào công tác KCB. Đẩy mạnh tốc độ mổ đục thủy tinh thể để giảm dần tỷ lệ mù lòa; tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe cho nhân dân trong lĩnh vực chăm sóc mắt. Tham gia khám bệnh về mắt kết hợp tuyên truyền, tư vấn chăm sóc, bảo vệ mắt tại cộng đồng cho hàng chục nghìn lượt người mỗi năm. Tiêu biểu là dự án “Mở rộng mô hình Childsight - Chăm sóc mắt học đường” tại các huyện: Vụ Bản, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường, Giao Thủy. Chương trình “Quản lý Glocom tại cộng đồng” ở 4 xã của các huyện Mỹ Lộc (cũ) và Trực Ninh nhằm phát hiện kịp thời các bệnh nguy hiểm về mắt như đục thủy tinh thể, glocom, mộng quặm, cận thị... giúp nhiều người được chữa trị sớm, đem lại ánh sáng và nâng cao thị lực, ngăn chặn nguy cơ mù lòa.

Đó là một số ví dụ tiêu biểu về kết quả thực hiện các phong trào thi đua, học và làm theo lời Bác vì mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành Y tế tỉnh. Từng đơn vị, cơ sở KCB phát động, tổ chức một phong trào phù hợp với đặc điểm, điều kiện của mình, tạo sự phong phú, khí thế thi đua sôi nổi trong toàn ngành.

“An toàn - thân thiện - bệnh viện vì dân”

Ngành Y tế Nam Định hiện có hơn 3.800 cán bộ y tế; tỷ lệ đạt 8,57 bác sĩ/1 vạn dân. Toàn tỉnh có 11 BVĐK và chuyên khoa. Đồng chí Khương Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Xác định “Nâng cao y đức, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” là nhiệm vụ quan trọng, đột phá của ngành, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đã tổ chức ký cam kết, thực hiện các nội dung cam kết đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Ngành đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng giao tiếp ứng xử, phong cách, thái độ phục vụ văn minh, thân thiện; công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ KCB; thành lập tổng đài chăm sóc khách hàng, thực hiện gọi điện thăm hỏi, tư vấn cho người bệnh sau khi ra viện. Qua thống kê đánh giá đổi mới, chất lượng bệnh viện so với trước đây, môi trường bệnh viện sạch sẽ hơn, cán bộ, nhân viên y tế phục vụ chu đáo, hướng dẫn tận tình, thân thiện với người bệnh hơn. Đến nay, đã có 8 bệnh viện và 9 TTYT huyện, thành phố (khối KCB) được UBND tỉnh giao triển khai phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên, gồm: BVĐK Hải Hậu, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Y học cổ truyền, BVĐK tỉnh, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Phổi và tất cả các TTYT huyện, thành phố. Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Y tế đã thành lập 2 đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện; tổ chức triển khai kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện tại các đơn vị tuyến tỉnh, tuyến huyện. Kết quả đánh giá nội dung “hướng đến người bệnh” có 23/24 bệnh viện đạt điểm trên mức 3, một bệnh viện đạt điểm dưới mức 3, không có bệnh viện ở mức 1; phần “phát triển nguồn nhân lực” có 2 đơn vị đạt mức 4, 19 đơn vị đạt mức 3, 3 đơn vị đạt mức 2; phần “hoạt động chuyên môn, hoạt động cải tiến chất lượng”, các đơn vị đều giữ mức hoặc tăng điểm so với năm 2023.

Phó Giám đốc Sở Y tế Khương Thành Vinh thông tin thêm: Thời gian qua, Sở Y tế đã phát động sâu rộng trong toàn ngành cuộc thi “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế áp dụng quy tắc ứng xử theo mô hình AIDET hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. AIDET là mô hình giao tiếp chuẩn trong ngành Y quốc tế, được triển khai tại nhiều bệnh viện lớn trên thế giới và đem lại kết quả đáng ghi nhận. Thông qua cuộc thi, góp phần nâng cao hiểu biết, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, viên chức, người lao động tại các cơ sở y tế và nhân dân trong việc xây dựng bệnh viện thân thiện; đẩy mạnh thực hiện tốt văn hóa giao tiếp, ứng xử trong các cơ sở KCB.

Đồng thời, Sở Y tế phối hợp với các ngành thực hiện tốt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Trên cơ sở tích hợp các loại giấy tờ cá nhân (bảo hiểm y tế, giấy phép hành nghề, tiêm chủng, thẻ cán bộ, công chức, viên chức...) vào thẻ Căn cước công dân (CCCD), ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) để từng bước thay thế, giảm các giấy tờ cá nhân người bệnh phải mang theo, xuất trình khi đi làm các thủ tục KCB. Toàn tỉnh đã có 288/288 cơ sở KCB bảo hiểm y tế thực hiện tiếp đón bệnh nhân bằng thẻ CCCD gắn chíp (đạt 100%). Có 647.113 người đăng ký KCB bằng CCCD được hệ thống Thông tin giám định ghi nhận thành công.

Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục tổ chức triển khai luật KCB và các văn bản hướng dẫn Luật, nâng cao năng lực điều hành, quản lý kinh tế y tế, thực hiện tốt các quy chế dân chủ, quy chế bệnh viện, các quy chế chuyên môn trong các hoạt động tại các cơ sở y tế. Tham mưu UBND tỉnh triển khai Đề án hợp tác hỗ trợ toàn diện về y tế giữa Bệnh viện Bạch Mai và UBND tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2028. Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Triển khai hoạt động của các trạm y tế xã, phường, thị trấn (tuyến xã) theo nguyên lý y học gia đình, kết nối y tế cơ sở với các phòng khám tư nhân, phòng chẩn trị đông y. Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp nhằm giáo dục, nâng cao y đức cho nhân viên y tế như: Xây dựng các tiêu chí cụ thể triển khai đến từng bệnh viện, khoa phòng, từng cá nhân; công khai đường dây nóng (hotline) của Sở Y tế và các đơn vị. Tăng cường kiểm tra, giám sát vi phạm y đức, phát hiện các hình thức lạm dụng trong KCB. Khuyến khích, nhân rộng các điển hình tiên tiến, có hình thức thi đua khen thưởng kịp thời; kỷ luật nghiêm đối với những trường hợp vi phạm y đức.

Bài và ảnh: Việt Thắng,

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202409/xay-dung-co-so-y-te-an-toan-than-thien-benh-vien-vi-dan-88b316a/