Xây dựng Con đường ánh sáng Biên Hòa
Chào mừng kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, TP.Biên Hòa xây dựng kế hoạch thực hiện Con đường ánh sáng năm 2023.
Con đường ánh sáng được kỳ vọng sẽ là một công trình văn hóa - du lịch, là điểm nhấn nghệ thuật vừa lan tỏa hào khí vùng đất Biên Hòa Đồng Nai, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí của người dân, du khách.
* Công trình văn hóa - du lịch
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, là đô thị loại I, Biên Hòa có nhiều không gian văn hóa (công viên, phố đi bộ…) và là địa phương có 27 di tích được xếp hạng, hơn 200 di tích phổ thông và các di chỉ khảo cổ học qua 325 năm hình thành và phát triển. Việc khai thác các không gian văn hóa, di tích lịch sử thời gian qua được thành phố chú trọng trên nguyên tắc phát huy các giá trị, góp phần nâng cao chất lượng sống, phát triển đời sống tinh thần của người dân.
“Tuy nhiên, để tạo điểm nhấn phục vụ người dân và du khách về đêm, Phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa đã tham mưu cho UBND thành phố thiết kế Con đường ánh sáng. Con đường sẽ được thực hiện tại phố đi bộ Nguyễn Văn Trị, dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2023. Điểm mạnh của con đường là nằm sát với bờ sông, khi kết hợp khai thác tuyến du lịch đường sông sẽ trở thành điểm nhấn, thu hút người dân và du khách” - ông Thanh chia sẻ.
Ngoài xây dựng Con đường ánh sáng, để chào mừng kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, TP.Biên Hòa còn tổ chức Tuần lễ Văn hóa tại sân khấu nước công viên Biên Hùng. Dự kiến lễ kỷ niệm 325 năm sẽ tổ chức vào ngày 26-12 với sự tham gia của 1,5 ngàn người. Trong buổi lễ sẽ có diễu hành xe hoa trên các tuyến đường trung tâm của TP.Biên Hòa; dâng hương tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Văn miếu Trấn Biên, Lăng mộ Trịnh Hoài Đức; biểu diễn nghệ thuật, bắn pháo hoa…
Theo đơn vị thiết kế là Công ty TNHH Xây dựng Bách Nam (TP.HCM), Con đường ánh sáng dự kiến thực hiện ở 2 giai đoạn, được thiết kế, xây dựng từ cổng chào đường Hoàng Minh Châu đến khu vực vui chơi hiện hữu với chiều dài 450m, chiều rộng lòng đường 5m. Thiết kế gồm có đại cảnh - dấu ấn Biên Hòa (lấy biểu tượng là quả bưởi), đường phố ẩm thực, khu thả hoa đăng… Con đường đáp ứng nhu cầu thực tế về tổ chức phát triển du lịch, các khu vui chơi, giải trí, văn hóa nghệ thuật, nhu cầu sinh hoạt cho người dân trong và ngoài địa phương.
Tại buổi làm việc của UBND TP.Biên Hòa với các sở, ngành và các nhà nghiên cứu văn hóa, du lịch về xây dựng Con đường ánh sáng vào ngày 21-7, phần lớn các đại biểu đều cho rằng, đây là công trình rất ý nghĩa. Xây dựng Con đường ánh sáng là việc làm cần thiết, cần được triển khai sớm. Con đường không chỉ tạo điểm nhấn, phục vụ cho người dân và du khách mà còn xây dựng một hình ảnh rất riêng, tạo sự khác biệt của Biên Hòa về đêm, mang những dấu ấn đặc trưng bản sắc văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai trên con đường hội nhập khu vực và quốc tế, xứng tầm với lịch sử 325 năm hình thành và phát triển của vùng đất.
* Lan tỏa hào khí 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai
Về thiết kế, GS-TS Phan Thị Thu Hiền, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho hay, Con đường ánh sáng ở Biên Hòa cần nghiên cứu và xây dựng biểu trưng hướng đến hào khí của vùng đất 325 năm. Bởi nhắc đến Biên Hòa, người dân và du khách gần xa thường biết đến Văn miếu Trấn Biên được xây dựng cách đây hơn 300 năm, có nghề gốm truyền thống lâu đời, có bưởi Tân Triều… Tuy nhiên, việc chọn quả bưởi làm biểu trưng đặt tại Con đường ánh sáng chưa thực sự làm nổi bật hào khí ấy.
“Theo thiết kế, Con đường ánh sáng bên dòng Đồng Nai mới chỉ là con đường chiếu sáng, trang trí và chưa có điểm nhấn tạo sự khác biệt với các con đường ánh sáng mà nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện. Lợi thế của Con đường ánh sáng ở Biên Hòa là ven sông, có mặt nước, khi đèn chiếu sáng bật lên sẽ tạo không gian lung linh huyền ảo, giống như một phép màu. Khi thiết kế, xây dựng cần phải tính toán, nghiên cứu làm sao cho du khách khi đến Biên Hòa chắc chắn phải nán lại để xem Con đường ánh sáng về đêm” - GS-TS Phan Thị Thu Hiền nói.
TS Dương Đức Minh, Viện phó Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế và du lịch TP.HCM cho biết, ông rất thích ý tưởng xây xựng Con đường ánh sáng tại Phố đi bộ Nguyễn Văn Trị (TP.Biên Hòa). Một khi con đường đi vào hoạt động sẽ kích thích phát triển kinh tế đêm của Biên Hòa - Đồng Nai. Tuy nhiên, biểu trưng trái bưởi đặt tại con đường cần phải cân nhắc lại, có phương án thay thế. Trên con đường nên chăng xây dựng một “cây ánh sáng” (lưu giữ ý tưởng hay, câu chuyện đẹp) mà ở đó, mỗi người dân và du khách đến tham quan, vui chơi đều có thể lưu lại được một kỷ niệm.
“Biểu trưng trên Con đường ánh sáng của Biên Hòa theo tôi nên lấy câu chuyện từ gốm. Trong đó, cần xây dựng những không gian trò chuyện với gốm, những bài nhạc đồng dao của địa phương hay tiếng kèn của Thành cổ Biên Hòa… Những câu chuyện về văn hóa, lịch sử 325 năm được kể trên Con đường ánh sáng sẽ trở thành địa điểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch, góp phần lan tỏa hào khí của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai” - TS Dương Đức Minh bộc bạch.