Xây dựng cửa khẩu thông minh, thúc đẩy giao thương hàng hóa xuất nhập khẩu
Đề án cửa khẩu thông minh đang được UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Là một trong nhiều lực lượng tham gia cửa khẩu thông minh, ngành Hải quan đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng để mô hình này phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Nâng cao năng lực và hiệu suất thông quan
Đề án cửa khẩu thông minh đang được UBND tỉnh Lạng Sơn chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cửa khẩu thông minh là việc hai nước Việt Nam - Trung Quốc cùng phối hợp xây dựng tuyến đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa độc lập, tách biệt với đường vận chuyển hàng hóa hiện nay. Quá trình giao nhận hàng hóa thông qua hình thức vận chuyển không người lái theo tuyến đường cố định 24/7 giữa hai nước. Kết hợp với các thiết bị cẩu container tự động hóa trên cơ sở định hình vệ tinh và công nghệ 5G.
Gần 8.000 tỷ đồng triển khai đề án
Lạng Sơn đang dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án cửa khẩu thông minh là 7.966 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 kinh phí thực hiện là 2.485 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 5.481 tỷ đồng. Dự kiến từ tháng 1/2026 đến tháng 12/2028 sẽ bắt đầu triển khai thử nghiệm mô hình cửa khẩu thông minh nhằm đánh giá công nghệ và hạ tầng, trong đó sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo, xe tự hành không người lái, hệ thống quản lý kho có sử dụng camera thông minh.
Cơ quan hải quan với khối lượng công việc chiếm 70 - 80% trong quản lý xuất nhập khẩu tại cửa khẩu biên giới đường bộ, giữ vai trò quan trọng trong việc triển khai. Để thực hiện thành công Đề án, ngành Hải quan đã có những bước đầu tiên nghiên cứu triển khai xây dựng và đề xuất các giải pháp quản lý phù hợp với thực tiễn và các quy định của pháp luật hiện hành.
Hiệu quả khi triển khai thực hiện mô hình được nhận định sẽ đảm bảo duy trì hình thức giao nhận hàng hóa truyền thống kết hợp với hình thức giao nhận hàng hóa qua cửa khẩu thông minh góp phần nâng cao năng lực và hiệu suất thông quan, giải quyết hiệu quả vấn đề ùn ứ tại khu vực cửa khẩu. Hai cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, Tân Thanh - Pò Chài ở Lạng Sơn được chọn làm thí điểm.
Theo ông Nguyễn Anh Tài - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, với mô hình cửa khẩu thông minh, cơ quan quản lý có thể giám sát được hàng hóa chặt chẽ hơn nhờ sự phối hợp giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc trong việc trao đổi dữ liệu của các lô hàng qua lại giữa hai bên. Đồng thời giúp ngăn chặn hiệu quả hơn những lô hàng bất hợp pháp đưa vào Việt Nam theo các mô hình truyền thống.
“Khi ứng dụng các trang thiết bị hiện đại vào cửa khẩu thông minh thì 100% các lô hàng được soi chiếu. Mô hình này sẽ mang đến những lợi ích rất lớn, đặc biệt là trong công tác phân luồng hàng hóa” - ông Tài nhấn mạnh.
Rà soát kỹ các quy trình, thủ tục
Đến nay, Đề án đã được UBND tỉnh Lạng Sơn trình Chính phủ và chờ thông qua. Tham gia vào Đề án, Tổng cục Hải quan đã nhiều lần làm việc với Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) để học hỏi kinh nghiệm trước khi áp dụng thí điểm tại Lạng Sơn.
Ông Đào Duy Tám - Phó Cục trưởng Cục Giám sát, quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, hai bên đã tổ chức các cuộc họp trực tuyến để nghiên cứu, nắm bắt tiến độ xây dựng dự án và tiến độ triển khai các cơ sở hạ tầng của hai bên. Về Đề án đang được UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng, Tổng cục Hải quan cũng đã hai lần tham mưu cho Bộ Tài chính có văn bản tham gia ý kiến với UBND tỉnh Lạng Sơn để hoàn thiện Đề án. Trong đó có nội dung liên quan đến quy trình giao nhận hàng hóa giữa hai bên. Theo đó, kiến nghị với UBND tỉnh Lạng Sơn cần có kế hoạch đầu tư trang thiết bị phù hợp cho cơ quan hải quan đóng tại cửa khẩu để đưa vào Đề án, đồng thời nêu rõ những nội dung cần có sự phối hợp, hay cần sửa đổi quy định pháp lý nào để có thể thực hiện được đối với những phần liên quan đến quản lý hải quan.
Bộ Tài chính cũng đề nghị giao Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn trao đổi với Trung Quốc, thống nhất mô hình vận hành, trao đổi thông tin dữ liệu để rà soát các quy trình, thủ tục hải quan có liên quan. “Chúng tôi đã đề xuất rà soát các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, những nghị định, thông tư để kiến nghị sửa đổi quy trình về quản lý nghiệp vụ hải quan đối với các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh thực hiện qua cửa khẩu thông minh giữa hai nước. Cùng với đó là phải nâng cấp Cổng thông tin một cửa quốc gia để phục vụ việc tiếp nhận, trao đổi dữ liệu tờ khai hải quan giữa hai bên” - ông Đào Duy Tám chia sẻ.
Để cụ thể hóa việc sẵn sàng tham gia cửa khẩu thông minh, dự kiến cuối năm 2024, Tổng cục Hải quan sẽ hoàn thiện Đề án kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa làm tiền đề áp dụng mô hình này trong tương lai.
Cần một quy trình giám sát đặc thù
Cục Hải quan Lạng Sơn xác định, việc triển khai Đề án thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời cũng là thời cơ để tranh thủ sự ủng hộ, nguồn lực của chính quyền địa phương vào công tác triển khai các nội dung cải cách hiện đại hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan; đặc biệt đối với Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa Cục Hải quan Lạng Sơn đến năm 2025.
Với vai trò giúp việc triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh, Cục Hải quan Lạng Sơn đã tích cực triển khai các công việc liên quan, tham gia đóng góp ý kiến đối với các nội dung, dự thảo.
Ngoài ra, cục đã triển khai thỏa thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh; xem xét đề cương Đề án triển khai thực hiện thí điểm cửa khẩu thông minh; thống nhất nội dung hoàn thiện dự thảo Đề án triển khai thực hiện thí điểm cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Tân Thanh; công tác xây dựng cửa khẩu thông minh và khảo sát thực địa các cửa khẩu thông minh tại Trung Quốc; trao đổi, thống nhất các nội dung chuẩn bị cho lễ khởi công dự án thí điểm cửa khẩu thông minh Việt Nam - Trung Quốc với Văn phòng cửa khẩu khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc...
Để nâng cao hiệu quả triển khai sau khi Đề án thí điểm xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh khi được Chính phủ phê duyệt, Hải quan Lạng Sơn đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét thành lập đoàn công tác phối hợp với Hải quan Lạng Sơn khảo sát thực tế địa điểm bố trí, việc trang bị các trang thiết bị kiểm tra, giám sát phương tiện vận chuyển hàng hóa không người lái (máy soi container, cân điện tử, hệ thống nhận diện, camera giám sát...).
Ngoài ra, việc xây dựng mô hình cửa khẩu thông minh là một vấn đề mới, chưa có tiền lệ, còn thiếu cơ sở pháp lý. Do đó, việc cần quan tâm là hướng dẫn chia sẻ, kết nối dữ liệu với phía Trung Quốc để thống nhất với quá trình triển khai hải quan số với mô hình Hải quan thông minh đang triển khai xây dựng của Tổng cục Hải quan. Đồng thời, xây dựng quy trình giám sát đặc thù đối với phương tiện vận chuyển không người lái do quy trình giám sát này phát sinh lần đầu tiên, chưa có tiền lệ.