Xây dựng Cục Đối ngoại vững mạnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới

Ngày 12-4-2024, Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng) đã vinh dự được Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định số 319/QĐ-CTN tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huấn luyện, xây dựng lực lượng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước trao tặng, ghi nhận những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Cục Đối ngoại, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và trưởng thành. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Vũ Thành Văn, Cục trưởng Cục Đối ngoại nhân dịp Cục Đối ngoại kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập (28-5-1964 / 28-5-2024) và đón nhận Huân chương Quân công hạng Nhất.

Phóng viên (PV): Là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về hội nhập quốc tế (HNQT) và đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) của Quân đội, theo đồng chí, đâu là những điểm sáng của công tác này trong những năm gần đây?

 Thiếu tướng Vũ Thành Văn, Cục trưởng Cục Đối ngoại. Ảnh: BÁ HIẾU

Thiếu tướng Vũ Thành Văn, Cục trưởng Cục Đối ngoại. Ảnh: BÁ HIẾU

Thiếu tướng Vũ Thành Văn: Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 806-NQ/QUTW ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương về HNQT và ĐNQP do Bộ Quốc phòng tổ chức ngày 28-12-2023, đã kết luận: “HNQT và ĐNQP đã có bước phát triển mạnh mẽ, cả bề rộng và chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phát huy sức mạnh dân tộc, kết hợp sức mạnh của thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp, hiện thực hóa kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, tranh thủ hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài, nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam nói chung và Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng trên trường quốc tế”.

Trong thành tựu ấy, có thể kể đến những điểm sáng đáng chú ý của HNQT và ĐNQP trong những năm gần đây. Thứ nhất, với vai trò HNQT và ĐNQP là một bộ phận quan trọng trong 3 trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, Bộ Quốc phòng đã chủ động, tích cực, thường xuyên tham mưu hiệu quả cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ về những chủ trương, đường lối, quyết sách, chiến lược ngoại giao, đối ngoại trong quan hệ với các nước, trong ứng xử trước các vấn đề quốc tế, khu vực nhạy cảm, trong hoạch định chính sách, chiến lược HNQT và ĐNQP.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia chứng kiến lễ ký kết văn kiện hợp tác trong khuôn khổ Cuộc gặp thường niên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia, tháng 12-2023. Ảnh: TUẤN HUY

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia chứng kiến lễ ký kết văn kiện hợp tác trong khuôn khổ Cuộc gặp thường niên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia, tháng 12-2023. Ảnh: TUẤN HUY

Thứ hai, Việt Nam đã xây dựng, duy trì quan hệ quốc phòng tốt đẹp, hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển với tất cả các nước, các đối tác trên thế giới, qua đó góp phần ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh xung đột, đóng góp vào việc bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng với hơn 100 quốc gia, trong đó có đầy đủ 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (LHQ). Hiện Việt Nam đã mở 34 Cơ quan Tùy viên quốc phòng ở nước ngoài, kiêm nhiệm 9 nước; cử 1 Tùy viên quân sự Việt Nam tại LHQ; có 32 Cơ quan Tùy viên quốc phòng/quân sự nước ngoài đặt tại Việt Nam và 20 Cơ quan Tùy viên quốc phòng/quân sự nước ngoài kiêm nhiệm Việt Nam; sắp tới sẽ còn tiếp tục mở rộng.

Thiếu tướng Vũ Thành Văn phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng năm 2023. Ảnh: VŨ HÙNG

Thiếu tướng Vũ Thành Văn phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng năm 2023. Ảnh: VŨ HÙNG

Thứ ba, thành công của các hoạt động trao đổi đoàn lãnh đạo quốc phòng cấp cao, các cơ chế hợp tác quốc phòng song phương, nhất là đối thoại chính sách quốc phòng là nhân tố rất quan trọng, góp phần xây dựng quan hệ hợp tác quốc phòng tin cậy, thực chất với các nước. Cùng với đó, hoạt động trao đổi đoàn ở tất cả các cấp, trên toàn diện các lĩnh vực cũng diễn ra rất thường xuyên, thiết thực và hiệu quả.

Thứ tư, HNQT và ĐNQP được triển khai tích cực, chủ động, toàn diện các lĩnh vực. ĐNQP biên giới, trong đó có Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới đã góp phần quan trọng xây dựng quan hệ tốt đẹp với 3 nước láng giềng; xây dựng đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển. Hiện Việt Nam đã tổ chức giao lưu với cả 3 nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia. Với Trung Quốc, chúng ta đã thực hiện 8 lần trong 10 năm qua.

Cùng với đó, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam được Bộ Quốc phòng tổ chức lần đầu tiên rất thành công vào tháng 12-2022, đã thu hút sự tham gia đông đảo của quan chức lãnh đạo quốc phòng, quân sự, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng từ hơn 30 nước trên thế giới, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Sự kiện đã để lại dấu ấn trong lĩnh vực hợp tác công nghiệp quốc phòng, thương mại quân sự nói riêng và dấu ấn trong quan hệ hợp tác quốc phòng nói chung. Dự kiến, Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ hai sẽ diễn ra vào tháng 12-2024, đúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân với quy mô lớn hơn.

Các lĩnh vực hợp tác song phương khác như: Hải quân, cảnh sát biển, khắc phục hậu quả chiến tranh, kinh tế quốc phòng, đào tạo... cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào thành công chung của ĐNQP thời gian qua.

Thứ năm, HNQT và ĐNQP đa phương đạt nhiều thành tựu ý nghĩa, góp phần truyền tải thông điệp Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nâng cao hình ảnh, uy tín, vị thế của Việt Nam, cho thấy Việt Nam là một quốc gia yêu chuộng hòa bình.

Việt Nam đã tham gia các cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả và để lại nhiều dấu ấn, đáng chú ý là sự tham dự của lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN (ACDFM), Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM), Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, Hội nghị An ninh quốc tế Moscow, Đối thoại Shangri-La... Sáng kiến của Bộ Quốc phòng Việt Nam trong các cơ chế hợp tác đa phương cũng rất ý nghĩa.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng các tập thể tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 806-NQ/QUTW ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ảnh: MỸ HẠNH

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng các tập thể tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 806-NQ/QUTW ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ảnh: MỸ HẠNH

Đối với tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (GGHB) LHQ, Việt Nam đã triển khai từ năm 2014. Ban đầu chỉ với hai cán bộ được triển khai làm sĩ quan liên lạc tại Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan, đến nay, Việt Nam đã triển khai hơn 800 quân nhân; đã có các đơn vị GGHB riêng của Việt Nam tại các phái bộ của LHQ trong lĩnh vực quân y và công binh; hiện có cả các cán bộ được triển khai dưới hình thức cá nhân, đa dạng vị trí khác nhau. Bên cạnh lực lượng GGHB của Bộ Quốc phòng, nay có cả lực lượng của Bộ Công an cùng tham gia.

Việt Nam cũng đăng cai tổ chức rất thành công các sự kiện quốc phòng đa phương trong những năm gần đây, như: Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games), Giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”...

Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự ủng hộ, phối hợp của các đơn vị trong và ngoài Quân đội, nỗ lực của đội ngũ cán bộ chuyên môn, tôi tin tưởng chắc chắn rằng, công tác HNQT và ĐNQP sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công, làm nên nhiều điểm sáng mới trong thời gian tới.

PV: Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, khó dự báo, xin đồng chí cho biết công tác ĐNQP trong thời gian tới sẽ được Cục Đối ngoại triển khai như thế nào để bảo đảm hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao?

Thiếu tướng Vũ Thành Văn: Trước tiên, Cục Đối ngoại nhận thức rất rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác HNQT và ĐNQP trong bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến phức tạp như hiện nay. Nếu như thời chiến, đấu tranh ngoại giao là một mặt trận, cùng với đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự... để tạo nên sức mạnh tổng hợp, sao cho có thể sớm chấm dứt chiến tranh thì trong thời bình ngày nay, đối ngoại là để góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột-cũng có thể ví như “phòng còn hơn chống”; duy trì môi trường hòa bình, điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Bằng khen tặng tập thể Cục Đối ngoại vì có thành tích xuất sắc trong tham gia hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: BÁ HIẾU

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Bằng khen tặng tập thể Cục Đối ngoại vì có thành tích xuất sắc trong tham gia hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: BÁ HIẾU

Thứ hai, Cục Đối ngoại luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; kiên định chính sách quốc phòng "4 không": Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đây là nguyên tắc bất biến, "kim chỉ nam" trong tham mưu, triển khai công tác HNQT và ĐNQP. Đường lối đối ngoại, chính sách quốc phòng này đã chứng tỏ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng suốt thời gian qua.

Thứ ba, tham mưu tổ chức, triển khai thực hiện công tác HNQT và ĐNQP đồng bộ, trong tổng thể công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Điều đó có nghĩa là phải luôn quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; trực tiếp nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong tham mưu, tổ chức, triển khai thực hiện HNQT và ĐNQP.

Thứ tư, phải thường xuyên nắm bắt, nghiên cứu, đánh giá, dự báo đúng tình hình thế giới, khu vực; không để bị động, bất ngờ. Đây là tiền đề rất quan trọng để có thể tham mưu hiệu quả trong ứng xử trước các vấn đề HNQT và ĐNQP, cả song phương và đa phương.

Thứ năm, phải chủ động, tích cực, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, các cơ quan Tùy viên quốc phòng Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao, quốc phòng, quân sự nước ngoài tại Việt Nam trong nắm bắt, nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình cũng như trong triển khai các hoạt động HNQT và ĐNQP cụ thể.

Thứ sáu, thường xuyên coi trọng xây dựng Đảng bộ Cục Đối ngoại trong sạch vững mạnh, đơn vị Cục Đối ngoại vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại vừa hồng, vừa chuyên, bảo đảm có thể thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tham mưu, tổ chức, triển khai, thực hiện công tác HNQT và ĐNQP trong tình hình mới.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGỌC HƯNG - NGỌC THƯ (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/xay-dung-cuc-doi-ngoai-vung-manh-dap-ung-yeu-cau-hoi-nhap-quoc-te-va-doi-ngoai-quoc-phong-trong-tinh-hinh-moi-778689