Xây dựng Đà Nẵng thành Thành phố môi trường
Nhằm xây dựng 'Thành phố môi trường', Thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án 'Xây dựng Đà Nẵng- Thành phố môi trường' giai đoạn 2021-2030, trong đó tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp trọng tâm...
Ảnh minh họa
Ngày 18/3/2022, Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) tập huấn nâng cao năng lực xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả đề án “Xây dựng Đà Nẵng- Thành phố môi trường”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)” tài trợ.
Chương trình nhằm trang bị cho các học viên những kiến thức về mục đích, yêu cầu xây dựng kế hoạch môi trường tại đô thị và triển khai đề án “Xây dựng Đà Nẵng- Thành phố môi trường”; quản lý theo mục tiêu và xây dựng kế hoạch triển khai dựa trên kết quả; các phương pháp/kỹ thuật phân tích khi xây dựng kế hoạch; xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết theo biểu mẫu thống nhất cho năm 2022, 2023 và các phương pháp/kỹ thuật triển khai kế hoạch hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Đà Nẵng cho biết, với quyết tâm xây dựng “Thành phố môi trường”, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng- Thành phố môi trường” giai đoạn 2021- 2030. Trong đó việc “Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường” là một trong bốn giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ Đề án đặt ra.
Các cán bộ công chức tham gia lớp tập huấn này sẽ là người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng kế hoạch hàng năm triển khai đề án “Xây dựng Đà Nẵng- Thành phố môi trường”; vận dụng kỹ thuật đánh giá hiện trạng, phân tích các bên tham gia trong xây dựng và triển khai kế hoạch, đánh giá năng lực đội ngũ nhân sự; xác lập được mục tiêu chung của kế hoạch và cho 4 nội dung trọng tâm của Đề án…, bà Hà nói.
Được biết, trong khuôn khổ xây dựng các hoạt động tại địa phương, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã và đang thí điểm giải quyết các vấn đề về chất lượng môi trường thông qua hành động phối hợp giữa các tổ chức trong nước, chính phủ và khu vực tư nhân.
Dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” do CECR triển khai từ 2020- 2023 nhằm hỗ trợ mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, hiệp hội và các cá nhân quan tâm đến bảo vệ nguồn nước mặt của Việt Nam. Trong đó dự án tập trung thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ nguồn nước, kiểm soát ô nhiễm nước và sử dụng nước thông minh dựa vào cộng đồng tại Đà Nẵng và Hà Nội; hỗ trợ hoàn thiện và thực thi chính sách bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm nước hiệu quả…
Tại Đà Nẵng, Dự án hướng mục tiêu nâng cao nhận thức và thúc đẩy các sáng kiến giảm thiểu ô nhiễm nước, huy động nguồn lực tham gia của các bên liên quan và cộng đồng trong ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm từ nước thải và rác thải, bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt.
Đặt biệt, trọng tâm dự án triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng- Thành phố môi trường giai đoạn 2021- 2030” với các hoạt động cốt lõi là ngăn ngừa ô nhiễm nước tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang; xây dựng mô hình khu dân cư phát triển bền vững; thúc đẩy các sáng kiến tái sử dụng nước theo tiếp cận kinh tế tuần hoàn…
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/xay-dung-da-nang-thanh-thanh-pho-moi-truong.htm