Xây dựng Đại học Huế trở thành cơ sở đào tạo nguồn nhân lực báo chí hiện đại
Đại học Huế cần tiếp tục phát huy truyền thống, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, hướng đến mục tiêu trở thành cơ sở đào tạo trọng yếu nguồn nhân lực báo chí, truyền thông với tinh thần 'tâm sáng, lòng son, bút sắc'. Đây là phát biểu chỉ đạo của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại buổi làm việc với Đại học Huế chiều 13/11.
Đại học Huế là Đại học 2 cấp, tiền thân là Viện Đại học Huế được thành lập vào năm 1957. Trải qua 66 năm xây dựng và phát triển, Đại học Huế có 149 ngành đào tạo đại học, 108 ngành đào tạo thạc sĩ và 55 ngành đào tạo tiến sĩ; 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II; 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú. Quy mô đào tạo trên 45.000 sinh viên hệ chính quy, gần 5.000 học viên sau đại học, nghiên cứu sinh, gần 2.000 bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ nội trú. Đại học Huế hiện đang đào tạo 17 chuyên ngành tiến sĩ, 25 chuyên ngành thạc sĩ, 24 ngành đào tạo bậc đại học và THPT khối chuyên Toán, Văn, Hóa, Sinh, Vật lý. Tổng số nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên, học sinh hiện nay khoảng 6.000 người; quy mô tuyển sinh hàng năm khoảng 1.000 sinh viên chính quy, 300 sinh viên hệ vừa làm vừa học, 500 học viên cao học và nghiên cứu sinh...
Mục tiêu đến năm 2030, Đại học Huế trở thành trường đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực tiêu biểu ở miền Trung - Tây Nguyên, là cơ sở đào tạo có uy tín ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Đại học Huế hiện có 2 đơn vị đào tạo báo chí, truyền thông là Khoa Báo chí và Truyền thông thuộc Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế và Khoa Quốc tế - Đại học Huế.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao những nỗ lực của Đại học Huế trong thời gian qua, đặc biệt là trong việc đào tạo nguồn nhân lực báo chí, truyền thông hiện đại. Đại học Huế đã chú trọng đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bám sát nhu cầu của thực tiễn và yêu cầu của công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Đại học Huế tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua; nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, sứ mệnh của đào tạo khoa học, xã hội nhân văn, trong đó, có đào tạo đội ngũ cán bộ báo chí, truyền thông của khu vực miền Trung - Tây nguyên và cả nước.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn Đại học Huế tập trung xây dựng ngôi trường này trở thành cơ sở đào tạo trọng yếu về nguồn nhân lực báo chí, truyền thông hiện đại với tinh thần “tâm sáng, lòng son, bút sắc”.
“Chúng ta thống nhất với nhau, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng vừa đáp ứng theo yêu cầu, mục tiêu xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đồng thời vừa đáp ứng yêu cầu theo hướng hiện đại, bám sát thực tiễn và yêu cầu của truyền thông quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Nếu không chúng ta sẽ bị tụt hậu trên lĩnh vực này”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.