Xây dựng Đảng 'sâu rễ bền gốc' trong đồng bào Khmer ở tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng

LTS: Khu vực Tây Nam Bộ có khoảng 1,4 triệu đồng bào Khmer sinh sống, đông nhất là tại hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Cùng với triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách và nguồn lực đầu tư của Trung ương đến với đồng bào Khmer, các địa phương ở hai tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng và đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Kỳ 3: Nhiều bài học quý đúc rút từ thực tiễn

Có nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về chất lượng đảng viên và năng lực lãnh đạo của các chi bộ khóm, ấp vùng đồng bào Khmer. Từ kết quả khảo sát thực tế cho thấy, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về nguồn phát triển Đảng, trình độ, năng lực của đội ngũ đảng viên ở các khóm, ấp còn nhiều hạn chế, tuy nhiên, các địa phương đã có nhiều cách làm hay, đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý để tạo nguồn phát triển Đảng cũng như nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng.

“Quý hồ tinh bất quý hồ đa”

Từ trung tâm TP. Sóc Trăng xuôi theo Tỉnh lộ 934B, chúng tôi về Trần Đề - một huyện ven biển của tỉnh Sóc Trăng. Từ ngày huyện được quyết định đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu, có bến thuyền du lịch và hiện đang triển khai xây dựng cụm công nghiệp, Trần Đề như được khoác lên mình “tấm áo mới” đầy màu sắc trẻ trung, năng động.

Đảng viên hỗ trợ bà con Khmer trong phát triển kinh tế ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: TRẦN THÚY

Đảng viên hỗ trợ bà con Khmer trong phát triển kinh tế ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: TRẦN THÚY

Đồng chí Nguyễn Thành Duy - Phó Bí thư Huyện ủy Trần Đề niềm nở đón tiếp chúng tôi. Trong lúc trò chuyện ngoài lề buổi làm việc, anh Duy mở lời tâm sự hết sức chân tình: “Thực tình mà nói, những năm trước đây, chất lượng đảng viên người Khmer ở địa phương có lúc chưa được như mong muốn vì phát triển theo chỉ tiêu, số lượng. Có người kết nạp rồi nhưng không tham gia sinh hoạt đảng nên buộc phải xóa tên, cũng có trường hợp đã kết nạp nhưng sau một thời gian thì tự xin ra khỏi Đảng... Nhưng đó chỉ là câu chuyện của 3 - 5 năm về trước. Hiện nay, chất lượng, số lượng đồng bào dân tộc và đảng viên người dân tộc Khmer phát triển rất xứng tầm với thực tế ở một địa phương có đông đồng bào Khmer như Trần Đề. Các nhà báo cứ tìm hiểu sẽ rõ”.

Những lời giới thiệu của Phó Bí thư Huyện ủy quả không quá. Đồng bào Khmer ở huyện Trần Đề chiếm 46,49% dân số toàn huyện, trong khi đó, quy mô, số lượng đảng viên người Khmer có 1.082 đồng chí, chiếm 35,84% đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện.

Đồng chí Nguyễn Thành Duy lý giải: “Trong nhiệm kỳ này, quan điểm của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển đảng viên nói chung và phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc nói riêng luôn phải lấy chất lượng làm đầu chứ không chạy theo số lượng. Chính vì vậy, mặc dù công tác phát triển Đảng trong đồng bào Khmer có thời điểm gặp nhiều khó khăn, nhưng về chất lượng luôn được bảo đảm. Ban Thường vụ Huyện ủy Trần Đề chỉ đạo quyết liệt các chi bộ, đảng bộ tích cực theo dõi, sàng lọc từ sớm và kiên quyết không kết nạp những người thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện để tránh việc sau này phải sàng lọc lại, đưa ra khỏi Đảng”.

Khảo sát thực tế tại nhiều khóm, ấp trên địa bàn hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các chi bộ Đảng đều gặp nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn đảng viên là người Khmer. Hàng năm, các chi bộ đều được giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên mới, nhưng không vì chỉ tiêu mà chạy theo số lượng. Ngược lại, các chi bộ đều có sự sàng lọc rất kỹ càng, có nhiều đổi mới, sáng tạo để chọn ra những hạt nhân ưu tú. Theo đó, các xã, ấp đẩy mạnh nhiều phong trào thi đua ở những tổ chức chính trị - xã hội, qua đó tuyên truyền, vận động, giáo dục hội viên. Từ những phong trào để phát hiện nhân tố có thể bồi dưỡng, giáo dục và tạo nguồn kết nạp Đảng. Bên cạnh đó, các đối tượng là nông dân, thanh niên người Khmer sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương, không những tạo nguồn phát triển Đảng mà còn được sắp xếp, bố trí đảm nhiệm các vị trí ở địa phương, như bí thư chi đoàn, chi hội trưởng chi hội nông dân, phụ nữ... các ấp.

Tấm gương những hạt nhân mang phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Đều đặn từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, dù ngày nắng hay ngày mưa, anh Kim Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) cũng luôn có mặt ở trụ sở UBND thị trấn đúng giờ làm việc. Nhất là những ngày cao điểm dịch Covid-19 bùng phát, gần như ngày nào anh Dũng và các hội viên, đảng viên trong hội cựu chiến binh cũng có mặt ở các chốt kiểm soát của địa phương để hỗ trợ lực lượng phòng, chống dịch.

Tác phong nhanh nhẹn, tinh thần không quản ngại khó khăn của anh Dũng có được từ những năm tháng khổ luyện trên thao trường khi còn là chiến sĩ của Trung đoàn 20, Sư đoàn 330 (Quân khu 9). Xuất ngũ năm 2009, anh Dũng trở về địa phương, tham gia lực lượng công an viên của thị trấn và được kết nạp Đảng năm 2011. Anh Dũng tâm sự: “Được rèn luyện, học tập trong môi trường quân đội đã giúp tôi rất nhiều trong thời gian sau khi xuất ngũ. Chính môi trường quân đội đã hình thành, bồi đắp cho tôi tinh thần cống hiến, không quản ngại hy sinh, gian khổ. Bởi vậy, khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng thì mình càng phải phát huy tinh thần ấy!”.

Diện mạo nông thôn mới vùng đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: CHANH ĐA

Diện mạo nông thôn mới vùng đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: CHANH ĐA

Những chia sẻ của anh Kim Tiến Dũng cũng là suy nghĩ chung của nhiều đảng viên người Khmer là quân nhân xuất ngũ mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện. Ở hầu hết các xã trên địa bàn hai tỉnh, đảng viên người Khmer là bộ đội xuất ngũ tham gia công tác ở xã, ấp chiếm tỷ lệ khá cao. Họ là những cựu quân nhân, từng được giáo dục, rèn luyện trong môi trường chính quy, kỷ luật, khi trở về địa phương tiếp tục tham gia các hoạt động phong trào. Nhiều địa phương, cấp ủy các cấp rất quan tâm tạo nguồn phát triển đảng viên người Khmer là bộ đội xuất ngũ và lực lượng dân quân tự vệ. Ví dụ như ở xã Đôn Châu (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), số đảng viên người Khmer là bộ đội xuất ngũ, dân quân tự vệ có khoảng 10 đồng chí...

Bên cạnh đó, không ít đảng viên người Khmer trưởng thành từ các phong trào của địa phương, được bồi dưỡng, kết nạp Đảng từ khi còn rất trẻ. Sau thời gian được giáo dục, rèn luyện trong môi trường quân ngũ, họ thực sự trưởng thành về suy nghĩ, nhận thức và chín chắn trong hành động. Thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, họ không vì mưu sinh rời bỏ quê hương đi làm ăn ở các thành phố lớn mà trở về đóng góp công sức xây dựng, kiến thiết quê hương. Như trường hợp của anh Lý Vũ Nhân, sinh năm 1988, hiện làm việc tại Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã Viên An (huyện Trần Đề). Anh Nhân được kết nạp Đảng từ năm 2007, sau đó nhập ngũ tại Trung đoàn 20, Sư đoàn 330. Hay như Lý Thanh Tuấn, sinh năm 1991, Trưởng Ban nhân dân ấp Phước Thuận, xã Phú Tân (huyện Châu Thành, Sóc Trăng). Anh Tuấn được kết nạp Đảng năm 2012 khi vừa tròn 19 tuổi và sau đó nhập ngũ tại Trung đoàn 1, Sư đoàn 330...

Đánh giá về chất lượng đảng viên đồng bào Khmer là bộ đội xuất ngũ, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng đều có chung niềm tin tưởng và khẳng định: Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp đặt rất nhiều niềm tin và đánh giá cao đội ngũ đảng viên người Khmer là bộ đội xuất ngũ. Các đồng chí đã qua rèn luyện, thử thách trong môi trường quân đội, được trang bị về lý luận và trưởng thành trong thực tiễn, nên đây là nguồn phát triển Đảng rất tốt ở các xã; do đó, các địa phương rất quan tâm đến đối tượng này. Mang trong mình phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ nên khi đứng trong hàng ngũ của Đảng, các đồng chí tiếp tục có nhiều đóng góp, cống hiến cho quê hương.

Xây mô hình, gây dựng phong trào để giữ đảng viên

“Xã Kim Sơn chúng tôi trước đây rất nghèo, giao thông đi lại khó khăn nên kinh tế chậm phát triển, cái đói, cái nghèo cứ bám riết bà con và đảng viên trong xã cũng không thể nằm ngoài “xu thế” chung ấy. Được Trung ương, tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, bà con được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước nên có nhiều điều kiện phát triển kinh tế gia đình hơn. Đặc biệt, hơn 10 năm nay, từ khi Tỉnh ủy Trà Vinh có chủ trương hỗ trợ vốn giúp đảng viên nghèo ở ấp, khóm vượt khó vươn lên, các đảng viên có hoàn cảnh khó khăn đều được vay vốn để phát triển kinh tế. Thế nên hiện nay, toàn xã Kim Sơn không còn đảng viên nghèo nữa rồi!”. Đó là những chia sẻ của đồng chí Tô Thanh Liêm - Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) trong buổi làm việc với chúng tôi.

Thực tế tại xã Kim Sơn, hộ nghèo toàn xã hiện chỉ còn hơn 5,7% và toàn xã đang nỗ lực hoàn thành một số chỉ tiêu để cuối năm nay sẽ đạt chuẩn nông thôn mới. Trong giai đoạn 2015 - 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ đảng viên nghèo vượt khó, có 10 đảng viên trong xã được vay vốn ở mức 10 triệu đồng/người trong thời gian 3 năm (không tính lãi suất vay) và đều đã thoát nghèo. Từ đầu nhiệm kỳ này, dù mới chỉ trong thời gian ngắn, nhưng 5 đảng viên của xã được vay vốn hỗ trợ để phát triển kinh tế cũng đã vượt khó, vươn lên thoát nghèo. Điển hình như đảng viên Thạch Lành ở Chi bộ ấp Soài Rùm, được vay 10 triệu đồng, anh đầu tư nuôi bò sinh sản. Sau hai năm, gia đình anh thoát nghèo, đã hoàn trả vốn vay và kinh tế ngày một khấm khá lên.

Còn tại huyện Trần Đề, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các xã xây dựng mô hình phát triển kinh tế ngay trong chính các đảng viên. Thông qua các nguồn vốn và cơ chế riêng, các xã sẽ giúp bí thư chi bộ, chi ủy viên chi bộ các cấp là người dân tộc Khmer mạnh dạn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Khi những người đứng đầu cấp ủy, chi bộ xây dựng thành công mô hình thì sẽ có tiếng nói rất quan trọng để vận động các đảng viên trong chi bộ học tập, làm theo và nhân rộng trong đồng bào, qua đó tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và những người đứng đầu các cấp.

Đồng chí Lâm Minh Đằng - Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh chia sẻ: Trên thực tế, đời sống cán bộ, đảng viên đồng bào Khmer ở các khóm, ấp của tỉnh còn rất nhiều khó khăn. Nhiều đảng viên rất tốt, rất xông xáo, nhiệt huyết trong các hoạt động, nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên phải đi làm ăn xa, không thường xuyên tham gia sinh hoạt đảng. Có không ít trường hợp dù rất tâm huyết, nhưng phải xin ra khỏi Đảng để không làm ảnh hưởng đến chất lượng chung. Từ thực tế đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương và ban hành hai công văn vào năm 2008 (đợt 1), năm 2013 (đợt 2) về việc vận động hỗ trợ vốn giúp đảng viên nghèo sinh hoạt chi bộ ấp, khóm vượt khó vươn lên. Thông qua đó nhằm tạo việc làm, ổn định cuộc sống, giảm số lượng đảng viên đi làm ăn xa, vừa thực hiện mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, vừa là cách để “giữ chân” đảng viên.

Như vậy, bằng nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, linh hoạt trong triển khai thực hiện, các địa phương đã có nhiều đổi mới sáng tạo, đúc rút được nhiều bài học hay, kinh nghiệm quý để tạo nguồn phát triển Đảng, giữ chân đảng viên cũng như nâng cao chất lượng đảng viên đồng bào Khmer. Đây là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo của các chi bộ Đảng ở khóm, ấp; qua đó phát huy vai trò của đội ngũ đảng viên người Khmer ở cơ sở trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm 2008, thực hiện cuộc vận động hỗ trợ vốn giúp đảng viên nghèo đợt 1 của Tỉnh ủy Trà Vinh, cán bộ, đảng viên toàn tỉnh đã tham gia đóng góp 1,13 tỷ đồng. 481 đảng viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn với mức 3 - 5 triệu đồng/người, thời hạn hoàn vốn 2 năm để tiếp tục hỗ trợ xoay vòng cho đảng viên khác. Tháng 7/2013, sau khi tổ chức sơ kết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức vận động vốn đợt 2 và huy động được hơn 3,497 tỷ đồng; mức hỗ trợ tăng lên từ 15 - 20 triệu đồng/đảng viên.

BÁ HIÊN - MINH MẠNH - THÚY AN

(Còn tiếp)

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xay-dung-dang/xay-dung-dang-sau-re-ben-goc-trong-dong-bao-khmer-o-tinh-tra-vinh-va-soc-trang-58599.html