Xây dựng đề án về an ninh nguồn nước quốc gia
Chiều 17/5, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã họp trực tuyến với các đơn vị có liên quan về tiến độ xây dựng Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến cho biết, tiềm năng tài nguyên nước Việt Nam vào khoảng 830-840 tỷ m3, tuy nhiên, vấn đề an ninh nguồn nước ở nước ta đang đứng trước nguy cơ không được đảm bảo do phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài chảy vào (khoảng 60%). Dòng chảy phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Cửu Long (khoảng 57%), sông Hồng-Thái Bình (khoảng 16%), còn lại phân bố ở các lưu vực sông khác.
Nguồn nước mặt còn chịu tác động từ việc khai thác, sử dụng ở thượng nguồn bên ngoài biên giới, chịu tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm gia tăng. Nguồn nước dưới đất có trữ lượng khoảng 63 tỷ m3. Nguồn nước này hiện đang được khai thác phục vụ phát triển kinh tế- xã hội vào khoảng 84 tỷ m3/năm. Nhu cầu dùng nước ở nước ta tăng 32% (khoảng 111 tỷ m3/năm) vào năm 2030 và nguy cơ mất đảm bảo an ninh nguồn nước ngày càng gia tăng nếu chúng ta không kịp thời đánh giá và thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh nguồn nước.
Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến, cho đến nay, việc đánh giá an ninh nguồn nước quốc gia ở Việt Nam được thực hiện ở mức độ hạn chế. Năm 2019, trong báo cáo “Việt Nam hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn”, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chỉ ra các mối đe dọa về nước đối với Việt Nam sẽ tác động tổng thể lên GDP với ước tính giảm 5,96% hàng năm nếu không kịp thời có giải pháp. Năm 2020, báo cáo giám sát an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập của Ủy ban Khoa học của Quốc hội cũng đã chỉ ra một số thách thức ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước tại Việt Nam như: chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng nguồn nước; chưa đảm bảo về cấp nước, an toàn hồ chứa, phụ thuộc nguồn nước ở nước ngoài, ô nhiễm, xâm nhập mặn...
Việc xây dựng Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từng bước nâng cao sự bảo đảm an ninh nguồn nước cho các trụ cột an ninh nguồn nước như: môi trường; ứng phó với các rủi ro (hạn hán thiếu nước, lũ lụt); ngành kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng...); thông qua các hoạt động chủ yếu về hoàn thiện, bổ sung thể chế, chính sách; quản trị ngành nước; các biện pháp công trình, phi công trình cụ thể cho từng giai đoạn...
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã góp ý để hoàn thiện cấu trúc, nội dung Đề án. Theo đó, các đại biểu tập trung trao đổi để thống nhất về quan điểm, mục tiêu, đối tượng, phạm vi và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị, Cục Quản lý tài nguyên nước cần tiếp thu các ý kiến, tiếp tục rà soát, bổ sung các nội dung vào dự thảo Đề án cho phù hợp.
Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, xây dựng Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia phải thể hiện được nội dung bao quát, toàn diện về bức tranh tài nguyên nước tại Việt Nam nhằm xác định những nguy cơ về an ninh nguồn nước và các vấn đề, nhiệm vụ, giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản của an ninh nguồn nước quốc gia.