Xây dựng định mức chi phí nội bộ phục vụ kiểm soát chi phí tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp
Trong các doanh nghiệp xây lắp, chi phí sản xuất là toàn bộ các hao phí vật chất mà doanh nghiệp chi ra để thực hiện công tác xây lắp theo hợp đồng giao nhận thầu đã ký kết.
Việc kiểm soát chi phí xây lắp có tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm xây lắp cũng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp xây lắp.
Để tồn tại và phát triển, yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp là phải kiểm soát được chi phí và đảm bảo chất lượng sản phẩm giao thầu. Do vậy, việc xây dựng hệ thống định mức chi phí nội bộ phục vụ kiểm soát chi phí tại công ty xây lắp là rất cần thiết.
Phân loại chi phí tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp
Việc phân loại chi phí trong doanh nghiệp (DN) xây dựng được chia thành 2 loại: Theo yếu tố và theo khoản mục. Cụ thể như sau:
Theo yếu tố
Theo quy định hiện hành ở Việt Nam, toàn bộ chi phí được chia thành các yếu tố:
- Chi phí nguyên liệu, vật liệu gồm: Toàn bộ giá trị nguyên vật liệu chính, vật liệu, phục tùng thay thế, công cụ dụng cụ... sử dụng cho các hoạt động sản xuất trong kỳ.
- Chí phí nhiên liệu, động lực sử dụng vào quá trình sản xuất.
- Chi phí nhân công: Tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương phải trả cho công nhân, nhân viên hoạt động sản xuất trong DN.
- Chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp trích theo tỷ lệ quy định trên tổng số tiền lương và phụ cấp phải trả cho công nhân, nhân viên hoạt động sản xuất trong DN.
- Chi phí khấu hao tài sản cố định: Tổng số khấu hao tài sản cố định phải trích trong kỳ của tất cả tài sản cố định sử dụng cho hoạt động sản xuất của DN...
Theo cách phân loại này, DN xác định được kết cấu tỷ trọng của từng loại chi phí trong tổng chi phí sản xuất để lập thuyết minh báo cáo tài chính, đồng thời, phục vụ cho nhu cầu của công tác quản trị trong DN, làm cơ sở để lập mức dự toán cho kỳ sau.
Theo khoản mục
Căn cứ vào ý nghĩa của chi phí trong tính giá thành sản phẩm và để thuận tiện cho việc tính giá thành toàn bộ, chi phí được phân theo khoản mục. Cụ thể:
- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp bao gồm: Giá trị thực tế của nguyên liệu, vật liệu chính, phụ hoặc các bộ phận rời, vật liệu luân chuyển tham gia cấu thành thực thể sản phẩm xây lắp và giúp cho việc thực hiện và hoàn thành khối lượng xây lắp (không kể vật liệu cho máy móc thi công và hoạt động sản xuất chung).
- Chi phí nhân công trực tiếp gồm: Toàn bộ tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp mang tính chất tiền lương trả cho công nhân trực tiếp xây lắp.
- Chi phí sử dụng máy thi công bao gồm: Chi phí cho các máy thi công nhằm thực hiện khối lượng xây lắp bằng máy. Máy móc thi công là loại máy trực tiếp phục vụ xây lắp công trình...
Phương pháp xây dựng định mức chi phí nội bộ trong xây lắp có thể áp dụng
Đối với những chi phí chưa có định mức tham khảo thì tiến hành xây dựng định mức mới đối với nguyên vật liệu, nhân công, máy thi công.
Xây dựng định mức mới đối với chi phí nguyên vật liệu trực tiếp
Các bước tiến hành:
- Thống kê và lên danh mục các nguyên vật liệu chính chiếm tỷ trọng lớn và thường xuyên được sử dụng trong xây lắp để tiến hành xây dựng định mức.
- Đối với từng hạng mục công việc, trước tiên lấy mẫu nguyên vật liệu để thí nghiệm và thiết kế thành phần đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật đề ra. Nội dung thiết kế thành phần sẽ chỉ rõ khối lượng từng loại nguyên vật liệu cần thiết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.
- Tiến hành làm thử, làm thí điểm trên cơ sở hồ sơ thiết kế kỹ thuật. Xác định khối lượng nguyên vật liệu đầu vào thực tế.
Xây dựng định mức mới đối với chi phí nhân công trực tiếp
Để xây dựng định mức nhân công trực tiếp của công ty cho từng công việc cần tiến hành các bước sau:
- Căn cứ vào định mức cơ bản của Nhà nước, thực hiện phân tích kỹ thuật để tính định mức giờ công cho từng thao tác kỹ thuật, từ đó nhóm các thao tác kỹ thuật tương ứng với công việc cụ thể theo phân công của công ty cho từng đối tượng lao động.
- Tổ chức việc theo dõi, thống kê theo phương pháp bấm giờ để xác định số giờ công lao động thực tế mà người lao động thực hiện các thao tác kỹ thuật của công việc tương ứng (lựa chọn người lao động có tay nghề ở mức trung bình của công ty).
- Thực hiện việc so sánh kết quả của phương pháp phân tích kỹ thuật và phương pháp bấm giờ, sau đó phân tích, đánh giá và lựa chọn định mức giờ công để áp dụng.
Xây dựng định mức mới đối với chi phí máy thi công
- Các khoản mục chi phí được tính vào giá ca máy bao gồm: Chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí nhiên liệu, năng lượng, tiền lương thợ điều khiển máy và chi phí khác của máy.
- Căn cứ vào tính kỹ thuật của từng loại máy do nhà sản xuất hướng dẫn để xác định các chi phí sủa chữa, năng lượng, nhiên liệu…
Công thức tổng quát xác định giá ca máy (CCM)
CCM = CKH + CSC + CNL + CTL + CCPK (đồng/ca)
Trong đó: CKH: Chi phí khấu hao (đồng/ca); CSC: Chi phí sửa chữa (đồng/ca); CNL: Chi phí nhiên liệu, năng lượng (đồng/ca); CTL: Chi phí tiền lương thợ điều khiển máy (đồng/ca); CCPK: Chi phí khác (đồng/ca)
Về chi phí khấu hao (CKH): Chi phí khấu hao tính trong giá ca máy là khoản chi về hao mòn của máy và thiết bị thi công trong thời gian sử dụng, được xác định theo công thức:
CKH = (Nguyên giá – Giá trị thu hồi)/số ca năm * Định mức khấu hao năm
Trong đó: Nguyên giá để tính giá ca máy được xác định theo nguyên tắc phù hợp với loại máy đưa vào thi công xây dựng công trình; Giá trị thu hồi là giá trị phần còn lại của máy và thiết bị sau khi thanh lý được tính trước khi xây dựng giá ca máy và được xác định như sau:
Định mức hao mòn năm: Là định mức về mức độ giảm giá trị bình quân của máy do hao mòn (vô hình và hữu hình) sau một năm sử dụng. Định mức khấu hao năm tính theo tỷ lệ % so với giá trị phải khấu hao (nguyên giá trừ giá trị thu hồi).
Số ca năm: Là số ca máy làm việc bình quân trong một năm được tính từ số ca máy làm việc trong cả đời máy và số năm trong đời máy.
Về chi phí sửa chữa (CSC): Chi phí sửa chữa tính trong giá ca máy bao gồm chi phí nhiên liệu, năng lượng chính và chi phí nguyên liệu, năng lượng phụ.
Công thức tính CSC:
CSC = (Nguyên giá x Định mức sửa chữa năm)/Số ca năm
Trong đó: Định mức sửa chữa năm: Được xác định theo quy đình về bảo dưỡng kỹ thuật, sữa chữa định kỳ, quy trình vận hành của từng loại máy và các quy định có liên quan tương với số ca năm. Trong định mức sữa chữa năm chưa tính chi phí thay thế các loại phụ tùng thuộc bộ phận công tác của máy và thiết bị có giá trị lớn mà sự hao mòn của chúng phụ thuộc chủ yếu vào tính chất của đối tượng công tác như cần khoan, mũi khoan.
Về chi phí nhiên liệu, năng lượng (CNL): Chi phí nhiên liệu, năng lượng tính trong giá ca máy là khoản chi phí về nhiên liệu, năng lượng tạo ra động lực cho máy hoạt động như (xăng, dầu, điện và khí nén) và các loại nhiên liệu phụ như đầu mỡ bôi trơn, nhiên liệu để điều chỉnh, nhiên liệu cho động cơ lai, dầu truyền động.
Công thức tính CNL:
CNL = CNLC + CNLF
Trong đó: CNLC: Chi phí nhiên liệu, năng lượng chính; CNLC = (Định mức nhiên liệu năng lượng) x Giá nhiên liệu năng lượng
- Định mức nhiên liệu, năng lượng (lít/ca, kWh/ca, m3/ca): Định mức tiêu hao các loại nhiên liệu, năng lượng như xăng, dầu, điện hoặc khí nén để tạo ra động lực cho máy làm việc trong một ca.
- Giá nhiên liệu, năng lượng: Giá (trước thuế) các loại xăng, dầu, điện hoặc khí nén (đ/lít, đ/kWh, đ/m3) tính theo mức giá tại thời điểm tính và khu vực xây dựng công trình.
- CNLP: Chi phí nguyên liệu, năng lượng phụ
CNLP = CNLC x KP
KP là hệ số chi phí nhiên liệu, dầu mỡ phụ cho một ca máy làm việc được quy định như sau:
Động cơ xăng: 0,03
Động cơ Diezel: 0,05
Động cơ điện: 0,07
Trường hợp xác định giá ca máy của các loại máy và thiết bị để thực hiện một số loại công tác (như khảo sát xây dựng, thí nghiệm vật liệu, thí nghiệm khấu kiện và kết cấu xây dựng…) mà chi phí nhiên liệu, năng lượng này đã tính trong định mức dự toán (hao phí vật liệu) thì không tính trong giá ca máy.
Về chi phí tiền lương điều khiển máy (CTL): Tiền lương thợ điều khiển máy trong giá ca máy được xác định phù hợp với mặt bằng giá của thị trường lao động phổ biển ở từng khu vực, theo từng loại thợ và điều kiện cụ thể của công trình; khả năng nguồn vốn, khả năng chi trả của chủ đầu tư và các yêu cầu khác.
Công thức tính CTL:
CTL = (Tiền lương cấp bậc + Các khoản lương phụ và phụ cấp lương)/ Số công một tháng
Trong đó: Tiền lương cấp bậc là tiền lương tháng của thợ điều khiển máy; Các khoản lương phụ và phụ cấp lương là tổng số các khoản lương phụ, phụ cấp lương tháng tính theo lương cấp bậc và lương tối thiểu, một số khoản chi phí có thể khoán trực tiếp cho thợ điều khiển máy; Số công một tháng là số công định mức thợ điều khiển máy phải làm việc một trong tháng.
Về chi phí khác (CPK): Chi phí khác được tính trong giá ca máy là các khoản chi đảm bảo cho máy hoạt động bình thường, có hiệu quả tại công trình.
Công thức tính CPK:
CPK = (Nguyên giá x Định mức chi phí khác năm)/Số ca năm
Trong đó: Nguyên giá, số ca năm: Như nội dung trong chi phí CKH; Định mức chi phí khác năm: Là mức chi phí có liên quan phục vụ cho các hoạt động của máy trong một năm được tính theo tỷ lệ % so với nguyên giá, bao gồm: Bảo hiểm, thiết bị trong quá trình sử dụng; Bảo quản máy và phục vụ cho công tác bảo dưỡng kỹ thuật trong bảo quản máy; Đăng kiểm các loại; Di chuyển máy trong nội bộ công trình; Các khoản chi phí khác có liên quan đến quản lý máy và sử dụng máy tại công trình.
Đối với những chi phí đã có định mức tham khảo:
Đối với từng hạng mục công việc trong xây lắp, Bộ Xây Dựng và Bộ Bưu Chính Viễn Thông đưa ra các định mức về chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí máy thi công và chi phí chung mang tính chất tham khảo cho các doanh nghiệp lập dự toán. Công ty có thể dựa vào định mức chi phí tham khảo đó cùng với các thử nghiệm thực tế tại hiện trường thi công hoặc dựa vào kinh nghiệm từ những công trình thi công tương tự để xây dựng định mức nội bộ theo từng hạng mục công việc.
Kết luận
Trong những năm qua, hoạt động xây lắp đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc xây dựng định mức chi phí nội bộ cho các DN cần điều chỉnh tiếp tục cho phù hợp với quy mô, đặc điểm hoạt động của mỗi DN. Chẳng hạn như: Việc xác định chi phí ca máy thi công cần nghiên cứu bổ sung các điều kiện để có thể thực hiện việc tính toán chi phí ca máy theo hướng tiếp cận thông lệ quốc tế.
Việc xây dựng chi phí định mức chi phí là khâu quan trọng trong việc tính toán chi phí sản xuất sản phẩm xây lắp, là cơ sở để DN lập dự toán nên việc nên đòi hỏi việc xây dựng định mức chi phí cần thực hiện một cách khoa học, tỷ mỷ sát với tình hình thực tế của DN để quản lý chi phí xây lắp DN tốt hơn.
Tài liệu tham khảo:
Bộ Xây dựng (2019), Thông tư số 09/2019/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
Bộ Xây dựng (2016), Thông tư số 06/2016/TT-BXD hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng;
Nguyễn Thị Đoan Trang (2012), Luận văn “ Kế toán quản trị chi phí tại Công ty Cổ phần và phát triển dịch vụ bưu điện Quảng Nam”, năm 2012.