Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá dịch vụ công còn gặp khó
Kinhtedothi – Ngày 5/7, HĐND TP Hà Nội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số.
Làm rõ trách nhiệm của các sở trong việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (tổ ĐB quận Tây Hồ) cho rằng, về việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá các dịch vụ công là nội dung quan trọng trong xây dựng thể chế; nhưng đến nay kết quả triển khai chậm, không đạt kế hoạch. Cho rằng, tổng số định mức kinh tế kỹ thuật mà thành phố phải xây dựng là 250, nhưng đến nay mới ban hành được khoảng 10%, đại biểu đề nghị Gíam đốc Sở VHTT, GD&ĐT, TT&TT TP Hà Nội làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân và lộ trình khắc phục thời gian tới.
Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Sở đã thực hiện quy trình xây dựng 72 danh mục, nhưng khi xây dựng các danh mục này, báo cáo UBND TP và Sở Tư pháp và lấy ý kiến của các bộ ban ngành. Trong đó, Bộ VHTT&DL đề nghị bổ sung danh mục sự nghiệp công trong lĩnh vực VH - TT-DL; bên cạnh danh mục sử dụng ngân sách thì bổ sung danh mục không sử dụng ngân sách. Đến nay, danh mục đã được hoàn thiện, dự kiến sẽ báo cáo UBND trong tháng 7 này để trình kỳ họp chuyên đề của HĐND TP vào tháng 9.
"Chúng tôi đã xây dựng xong định mức kỹ thuật, kinh tế và đơn giá dịch vụ công, dịch vụ sử dụng ngân sách cho cả 3 lĩnh vực. Tuy nhiên, còn một khúc mắc cần giải quyết liên quan đến việc Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VHTT&DL bổ sung thông tư hướng dẫn vấn đề này trong Quyết định 156"- Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết.
Đồng thời thông tin, đến nay, Sở VHTT Hà Nội đang xin ý kiến các tỉnh thành về lĩnh vực nghệ thuật, bảo tồn di tích di sản. Sở sẽ hoàn thiện để đảm bảo tiến độ mà UBND chỉ đạo, nhưng đề xuất Bộ VHTT&DL sớm ban hành các thông tư hướng dẫn để áp dụng. Trên cơ sở đó, Sở sẽ báo cáo hoạt động này vào kỳ họp sắp tới của HĐND TP.
Trả lời đại biểu, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, sở có 38 định mức kinh tế kỹ thuật phải xây dựng. Thực tế, Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố đã chỉ đạo xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để triển khai ngay từ năm 2021-2022. UBND thành phố cũng đã thành lập tổ công tác để tổ chức thực hiện. Nhưng, đây là lĩnh vực rất khó; nên ngay tại kỳ họp lần này, HĐND thành phố mới chỉ thông qua Nghị quyết quy định về giá dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để áp dụng tạm thời trong thời hạn 1 năm trong khi chờ ban hành được định mức kinh tế kỹ thuật.
“Từ sang năm, chúng tôi cố gắng quyết tâm để thành phố phê duyệt được định mức kinh tế kỹ thuật. Chúng tôi cũng xin nhận trách nhiệm vì còn để chậm, nhưng đây là vấn đề rất khó”- ông Trần Thế Cương nói.
Liên quan đến xây dựng đơn giá trong lĩnh vực thông tin-truyền thông, Giám đốc Sở TT&TT TP Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, năm 2017 danh mục dịch vụ sự nghiệp công của thành phố thống nhất có 14 danh mục sự nghiệp công. Gần đây qua rà soát UBND TP đã thống nhất chủ trương cần sửa đổi cho phù hợp.
Vừa qua, Sở TT&TT TP đã họp với các sở, ngành, cơ quan báo chí, truyền thông, các quận, huyện, thị xã để thống nhất danh mục này, dự kiến trình HĐND vào tháng 9. Dự kiến, danh mục này gồm 5-6 dịch vụ sự nghiệp công theo thực tiễn mới. Trong danh mục sự nghiệp công, hiện Sở TT&TT TP đã tham mưu ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật truyền hình; 2 lĩnh vực về xuất bản và phát thanh đã trình thành phố, dự kiến UBND TP ban hành trong tháng 7 này.
Về định mức báo in, theo quy định tại thông tư của Bộ TT&TT các định mức đơn giá cho báo in, báo điện tử sẽ do các cơ quan báo tự xây dựng và trình cấp có thẩm quyền của các cơ quan báo ban hành. Vừa qua, Sở TT&TT đã họp với các cơ quan báo chí đôn đốc việc xây dựng này. Hà Nội có 5 cơ quan báo chí (báo in báo điện tử), có 5 đơn vị đều xây dựng định mức này. Một số cơ quan báo chí đã trình cấp có thẩm quyền. Các cơ quan báo chí đều cam kết trong năm nay sẽ hoàn thiện định mức đơn giá cho báo in và báo điện tử.
Thể hiện sự minh bạch và xã hội hóa trong dịch vụ công
Cũng liên quan đến việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá giá sản phẩm, dịch vụ công, đại biểu Trần Khánh Hưng (tổ ĐB huyện Ba Vì) đặt vấn đề về việc, nhiều cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này, như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lộ trình tự chủ của các đơn vị công lập cũng như việc thanh quyết toán cho các dịch vụ công.
Đại biểu đặt câu hỏi tới Giám đốc Sở Tài chính với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND thành phố thực hiện nhiệm vụ này, đại biểu đề nghị cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp trong thời gian tới?
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu khẳng định, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật là nội dung rất quan trọng; có ý nghĩa hết sức thực tiễn thể hiện sự minh bạch nhằm xã hội hóa dịch vụ công; là cơ sở để thực hiện tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công; là căn cứ để giao ngân sách chủ động. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rất khó, từ tháng 8/2022, Chủ tịch UBND thành phố đã giao trách nhiệm rõ ràng, yêu cầu trong năm 2022, phải cơ bản xong các định mức kinh tế kỹ thuật, nhưng đến nay tiến độ thực hiện cơ bản chậm.
“Nguyên nhân khách quan là rất nhiều đơn giá phải căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật do các bộ, ngành Trung ương ban hành như lĩnh vực y tế chẳng hạn. Nhưng bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là các sở chuyên ngành chưa vào cuộc thật sự quyết liệt”- Giám đốc Sở Tài chính cho biết.
Theo Giám đốc Sở Tài chính, để khắc phục và đẩy nhanh tiến độ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, thời gian tới, Sở đề xuất tập trung thực hiện một số giải pháp mạnh như: Đề xuất đơn vị nào không xây dựng được định mức, đơn giá thì thành phố không giao dự toán ngân sách cả năm mà chỉ giao dự toán quý I để thực hiện; đưa nội dung này vào họp tập thể UBND thành phố hằng tháng; tập trung hoàn thành định mức, đơn giá những lĩnh vực cấp thiết như vận chuyển rác, xử lý rác thải, vận tải hành khách công cộng (xe buýt) ngay trong năm 2023. Đồng thời, tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ này. Cuối cùng, đối với những nơi chưa thể ban hành đơn giá, thì Sở kiến nghị cho phép ban hành đơn giá tạm thời để áp dụng như lĩnh vực giáo dục đã thông qua tại kỳ họp lần này.
Đặt câu hỏi tới Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, đại biểu Hoàng Thị Tú Anh (tổ ĐB huyện Phúc Thọ) cho hay, từ việc ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công… với vai trò là Tổ trưởng tổ công tác tham mưu các giải pháp thực hiện đẩy nhanh tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2022-2025, đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP làm rõ kết quả, tiến độ trong việc nghiên cứu, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao để thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng cho các cơ sở giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố.
Làm rõ hơn về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, việc xây dựng định mức, đơn giá có ý nghĩa rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến 2/3 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố là cải cách thế chế và nguồn nhân lực.
Do đó, quá trình tổ chức thực hiện lãnh đạo thành phố đã quan tâm, chỉ đạo bài bản, quyết liệt; nhưng khi bắt tay vào làm điểm lĩnh vực giáo dục và văn hóa - thể thao mới bộc lộ khó khăn. Ngay như người làm ở các sở cũng thiếu và yếu, nên thành phố đã thuê đơn vị tư vấn để thực hiện như làm đơn giá giáo dục. Nhưng để làm được đơn giá, phải có định mức kinh tế kỹ thuật; mà xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật rất khó khăn, nhiều nội dung phải chờ quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành. Vừa qua, thành phố đã vận dụng quy định là nếu chưa có định mức kinh tế kỹ thuật làm căn cứ thì địa phương có thể áp dụng mức bình quân 3 năm liền kề để xây dựng đơn giá tạm thời khối giáo dục.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, tại phiên làm việc ngày hôm qua (4/7) của Kỳ họp thứ 12, HĐND TP đã thông qua nội dung này làm căn cứ bước đầu làm tạm và thí điểm để chuyển sang bước xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật chính thức áp dụng chung cho toàn địa bàn TP.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cũng lưu ý rằng, vừa qua, nhận thức của lãnh đạo một số sở, ngành về xây dựng định mức, đơn giá cũng chưa đầy đủ, nên thái độ quyết tâm hành động chưa cao. “Không phải ban hành xong định mức, đơn giá thì thành phố không quan tâm, mà đây là cơ sở để nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm và nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ”- Phó Chủ tịch UBND TP cho biết.
Liên quan đến lĩnh vực VH&TT, hiện nay theo thẩm quyền có những nội dung liên quan đến định mức kinh tế kỹ thuật thuộc thẩm quyền Trung ương, có những nội dung thuộc thẩm quyền thành phố, nhưng hiện có những nội dung vẫn còn chồng chéo. Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, thành phố đang chỉ đạo các sở, ngành trong quá trình triển khai thực hiện cũng rà soát làm rõ, những nội dung nào thuộc thẩm quyền Trung ương thì báo cáo; nội dung nào phù hợp thì đề xuất Trung ương hỗ trợ, ủy quyền hoặc đưa vào luật để phân quyền. Trong quá trình xây dựng Dự án Luật Thủ đô sửa đổi, những nội dung này đang được nghiên cứu để đưa vào.
“Chúng tôi đưa ra phương châm trong tổ xác định: Nhận thức đầy đủ - tư duy sáng - giải pháp thông minh - hành động quyết liệt để đạt mục tiêu cuối cùng là phục vụ Nhân dân. Khi đã xác định nhận thức đầy đủ mới đi vào tư duy sáng tạo, giải pháp như thuê đơn vị tư vấn triển khai mục tiêu” – Phó Chủ tịch UBND TP nói.
Trên cơ sở bước đầu đánh giá TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn công tác xây dựng định mức kinh tế xã hội, xác định làm căn cứ đặt hàng vừa thu hút nguồn lực xã hội thực hiện trong phát triển kinh tế xã hội Thủ đô nói chung.