Xây dựng đô thị thông minh: Cần sự tham gia của người dân và doanh nghiệp
Mục tiêu quan trọng khi xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến mọi tiện ích đáp ứng nhu cầu xây dựng cuộc sống của người dân an toàn, thuận lợi, các doanh nghiệp có sức sáng tạo tốt hơn và dễ dàng tiếp cận thị trường hơn. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Mục tiêu quan trọng khi xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, hướng đến mọi tiện ích đáp ứng nhu cầu xây dựng cuộc sống của người dân an toàn, thuận lợi, các doanh nghiệp có sức sáng tạo tốt hơn và dễ dàng tiếp cận thị trường hơn. Do đó, trong lộ trình xây dựng ĐTTM, UBND tỉnh đã tập trung đầu tư Trung tâm điều hành ĐTTM và cung cấp các dịch vụ tiện ích, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Đến nay, Trung tâm điều hành ĐTTM và các dịch vụ thí điểm ĐTTM của tỉnh đã hình thành, bước đầu triển khai thí điểm trên địa bàn thành phố Nam Định nhằm đáp ứng nhu cầu giao tiếp của người dân, doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước cũng như đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành và giải quyết công việc của cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các ứng dụng của mô hình ĐTTM với các hợp phần gồm: Trung tâm điều hành ĐTTM; Cổng thông tin điều hành thông minh; ứng dụng di động của công chức, ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp... Trong đó, ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp (Smart Nam Định) được tập trung đầu tư nâng cấp trên 2 nền tảng di động (android và ios) giúp cơ quan quản lý cập nhật nhiều cơ sở dữ liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; chính sách pháp luật của Nhà nước và chủ trương đầu tư cũng như phổ biến những quy định của các cấp chính quyền đối với thực tế vai trò, nhiệm vụ của từng công dân. Đồng thời cho phép người dân, doanh nghiệp giao dịch tương tác qua lại 2 chiều với cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, UBND tỉnh quyết định triển khai các dịch vụ thí điểm đô thị thông minh như: Phản ánh hiện trường, giám sát an ninh trật tự, giám sát thông tin trên môi trường mạng, giám sát an toàn thông tin, giám sát dịch vụ công, giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh và chỉ tiêu báo cáo. Trong đó, tổ chức triển khai thí điểm việc tiếp nhận, xử lý, phản hồi thông tin phản ánh kiến nghị của người dân trên địa bàn thành phố Nam Định trong 5 lĩnh vực: xây dựng, môi trường, giao thông, an ninh trật tự và những khó khăn, vướng mắc trong ứng dụng, thụ hưởng dịch vụ ĐTTM. Trên cơ sở các dữ liệu xây dựng, Sở TT và TT, Công ty AIC lắp đặt, kết nối 127 camera giám sát các lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục, du lịch, hành chính công cấp huyện để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công dân của ĐTTM, đặc biệt là những người lớn tuổi. Sở TT và TT, Công ty AIC phối hợp với Đoàn Thanh niên đến tất cả các phường, tổ dân phố, hộ gia đình trên địa bàn thành phố trực tiếp hướng dẫn người dân cài đặt, khai thác ứng dụng di động Smart Nam Định để khai thác thông tin dữ liệu phục vụ đời sống cũng như phản ánh ý kiến nghị đến cơ quan quản lý Nhà nước qua các ứng dụng truy cập, quản lý điều hành tại Trung tâm điều hành ĐTTM. Không chỉ hỗ trợ trực tiếp cho người dân, Sở TT và TT, Công ty AIC cũng hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác phần lớn thông tin, dữ liệu và các tiện ích từ các dịch vụ thông minh phục vụ công việc chuyên môn thông qua ứng dụng Smart Nam Định. Trong đó, doanh nghiệp có thể nhận thông tin từ chính quyền như: đầu tư tại địa phương, thị trường lao động, dịch vụ công phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp và nhà đầu tư và phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp đối với các cơ quan chức năng. Đây là cơ sở để doanh nghiệp nắm vững chủ trương, kế hoạch, tiềm năng của địa phương trước khi quyết định đầu tư cũng như xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất. Chỉ trong vòng 1 tháng qua, Sở TT và TT phối hợp với Công ty AIC phát hành 60 nghìn tờ rơi về ứng dụng Smart Nam Định cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay, đã có hàng chục lượt phản ánh kiến nghị gửi về Trung tâm điều hành ĐTTM của tỉnh. Trung tâm cũng đã gửi phản ánh của nhân dân đến các cơ quan quản lý Nhà nước và trả lời trực tiếp đến từng cá nhân, doanh nghiệp. Trong số đó hầu hết người dân được tiếp nhận câu trả lời đều đánh giá hài lòng về cách tiếp cận thông tin và chất lượng thông tin phản hồi của chính quyền. Ông Phan Huy Tú, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) cho biết: Tôi được Sở TT và TT, công ty truyền thông hướng dẫn cài đặt ứng dụng Smart Nam Định nên đã thực hiện một số dịch vụ thông minh ngay tại nhà mà không phải đi đến các cơ quan như trước đây. Tôi đặc biệt tâm huyết với dịch vụ phản ánh hiện trường trong cả 5 lĩnh vực xây dựng, môi trường, giao thông, an ninh trật tự… bởi đây là cách làm hiệu quả trong việc nâng cao trách nhiệm ý thức xã hội và huy động tính cộng đồng của mỗi người dân đối với công tác giám sát, quản lý các mặt hoạt động của chính quyền, xã hội.
Đồng chí Vũ Trọng Quế, TUV, Giám đốc Sở TT và TT cho biết: Lộ trình xây dựng ĐTTM tập trung vào ba mảng chính gồm: chính quyền điện tử để tăng hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ cung cấp các thông tin liên quan trực tiếp tới đời sống của người dân và xây dựng các hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung để cho phép các doanh nghiệp công nghệ tham gia cùng chính quyền trong việc phục vụ người dân. Đây chính là ba khía cạnh để phát triển toàn diện cho một xã hội có chính quyền năng động, cuộc sống của người dân an toàn, thuận lợi hơn, các doanh nghiệp có sức sáng tạo tốt hơn và dễ dàng tiếp cận thị trường hơn. Ban chỉ đạo xây dựng ĐTTM sẽ chú trọng ghi nhận, lắng nghe, tương tác với người dân, qua đó đánh giá đúng nhu cầu quan tâm của người dân, doanh nghiệp, đánh giá sự cấp thiết, mối quan tâm của người dân, doanh nghiệp để lập lộ trình, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và có những điều chỉnh hiệu quả. Theo đó các lĩnh vực đô thị có tỷ lệ người dân sử dụng nhiều dịch vụ nhất sẽ được địa phương chọn trở thành các dịch vụ ĐTTM trọng điểm. Do đó, người dân và doanh nghiệp cần tích cực, chủ động tương tác, tham gia vào quá trình vận hành xây dựng ĐTTM. Có như vậy việc quản trị đô thị sẽ dần chuyển từ trạng thái bị động sang chủ động, đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc thay vì chỉ phản ứng khi xảy ra sự cố, bức xúc của người dân./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương