Xây dựng đô thị thông minh: Định vị lấy người dân làm trung tâm
Hiện nay, khu vực Đông Nam Á có khoảng 665,3 triệu người, 50% sống tại các đô thị. Dự báo tới năm 2025, có thêm khoảng 70 triệu cư dân, việc gia tăng dân số nhanh dẫn tới những thách thức trong công tác quản lý đối với chính quyền đô thị và sự hợp tác giữa các đô thị.
Trên cơ sở đó, Hội nghị mạng lưới đô thị (ASCN) ASEAN lần thứ 4 được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 30/8, đã bàn luận, thống nhất ý tưởng về cổng thông tin điện tử trực tuyến ASCN.
Tính cấp bách của cổng thông tin trực tuyến
Đại diện của Singapore chia sẻ, trong thập kỷ qua, quá trình số hóa ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Những gián đoạn do đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh xu hướng này, tạo ra động lực mới trong phát triển đô thị thông minh, đặc biệt là việc định hướng lại các ưu tiên để thích ứng với tình trạng bình thường mới. Đại dịch Covid-19 cũng làm lộ nhiều khoảng trống cần được xử lý trong phát triển đô thị và nông thôn.
Nhu cầu phát triển mới hậu Covid-19 đòi hỏi ASCN thống nhất những mối quan hệ hợp tác với ưu tiên về đô thị thông minh, xác định nhà cung cấp giải pháp cụ thể đóng góp vào việc triển khai dự án. Trong bối cảnh đó, cần thiết lập một cổng thông tin điện tử chuyên dụng làm nền tảng chung để đô thị thành viên ASCN lưu trữ thông tin dự án đô thị thông minh (SCAP), cập nhật ưu tiên, để duy trì mối quan hệ đối tác hiện tại cũng như thu hút đối tác tiềm năng nhằm phát triển đô thị thông minh.
Trên cơ sở đó, Singapore - đại diện quốc gia thành viên mạng lưới đã đưa ra ý tưởng về cổng thông tin điện tử trực tuyến bao gồm: Bài đăng từ đô thị thành viên ASCN về kế hoạch hành động SCAP, được trình bày dưới dạng bảng điều khiển (dashboard) đơn giản để người sử dụng dễ tham khảo; Cập nhật tiến độ, thông tin về sự kiện ASCN quan trọng; Danh sách chi tiết những ưu tiên của ASCN...
“Thông qua dữ liệu trên công thông tin, đối tác bên ngoài có thể tìm hiểu, cung cấp giải pháp ở cấp quốc gia. Nếu nhiều đô thị thành viên ASCN cùng quan tâm đến một số lĩnh vực nhất định, đối tác bên ngoài đề xuất hoạt động để thu hút sự tham gia rộng rãi hơn. Như vậy, cổng thông tin điện tử trực tuyến sẽ là điểm tiếp xúc chung nhằm tăng cường hợp tác, tạo thuận lợi kết nối đối tác bên ngoài với đô thị thành viên ASCN” – đại diện Singapore chia sẻ.
Cần bắt đầu từ công tác quy hoạch
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Thành Nam cho biết, ở Việt Nam, tỷ lệ tăng dân số đô thị lớn hơn nhiều tỷ lệ trung bình trên thế giới, người dân đô thị chiếm khoảng 42% tổng quy mô dân số. Với số liệu tăng trưởng tại đô thị Việt Nam, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những thiết bị thông minh, kết nối gắn liền xây dựng đô thị thông minh là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược. Chính phủ cũng mong muốn đất nước phát triển theo kịp cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đô thị phát triển theo hướng thông minh.
Tuy nhiên, định nghĩa về đô thị thông minh ở Việt Nam chưa thống nhất, muốn hướng đến xây dựng đô thị thông minh cần phải giải quyết một số vấn đề cơ bản, như: Phục vụ chính quyền – con người thông minh, giao thông - hạ tầng kỹ thuật thông minh, quy hoạch - phát triển đô thị, kiểm soát môi trường - năng lượng, nền kinh tế số tăng trưởng bền vững…
“Vấn đề cần phải xây dựng, phát triển cho đô thị thông minh, thì yếu tố thiết kế và quản lý quy hoạch phải được đặt lên hàng đầu. Giai đoạn này, rất cần đội ngũ kiến trúc sư, nhà quản lý đô thị tham gia tìm hiểu để thiết kế quy hoạch và cùng xây dựng nền tảng cho các ứng dụng của đô thị thông minh cần có” - ông Nguyễn Tuấn Anh nhìn nhận.
Đồng quan điểm, chuyên gia quy hoạch đô thị Lê Việt Hưng cho rằng, quản trị điển tử là khía cạnh quan trọng nhất của quản trị thông minh. Công cụ này có thể giúp chính quyền đô thị đạt được một số kết quả tích cực, như tạo ra một kênh tương tác thích hợp giữa chính quyền với người dân. Trong đó sự tham vấn từ người dân về các vấn đề xây dựng, quy hoạch đóng vai trò quan trọng; Nâng cao vai trò, trách nhiệm từ phía cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý, tạo sự minh bạch... Như vậy, với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, mục đích của quản trị thông minh làm cho hệ thống minh bạch hơn, từng bước xóa bỏ tình trạng “cát cứ” thông tin, giúp người dân tiếp cận được nhiều thông tin hơn.
Bốn mô hình quản trị điện tử hữu ích để thành phố thông minh cải thiện cuộc sống người dân, gồm: Chính phủ đối với công dân, Chính phủ đối với DN, Chính phủ đến Chính phủ, Chính phủ với người lao động. Chính phủ điện tử chỉ là một trong nhiều công cụ sẵn có để trợ giúp người dân trong thành phố thông minh. Một chính quyền TP được quản trị tốt thông qua hỗ trợ từ công nghệ thông tin sẽ tạo ra một đô thị thông minh.
Chuyên gia quy hoạch đô thị Lê Việt Hưng