Xây dựng đô thị thông minh hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện (kỳ 1)
Xây dựng Đô thị thông minh (ĐTTM) là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số phát triển không ngừng. Sau một thời gian triển khai thí điểm, mô hình ĐTTM của tỉnh ta đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục khẳng định xây dựng ĐTTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm với kỳ vọng tạo ra sự bứt phá... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Kỳ I: Một chủ trương lớn
Xây dựng Đô thị thông minh (ĐTTM) là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số phát triển không ngừng. Sau một thời gian triển khai thí điểm, mô hình ĐTTM của tỉnh ta đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục khẳng định xây dựng ĐTTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm với kỳ vọng tạo ra sự bứt phá, đưa tỉnh ta trở thành địa phương phát triển khá của cả nước vào năm 2030.
Xây dựng ĐTTM trên nền tảng chính quyền điện tử
Việc xây dựng ĐTTM được Chính phủ xác định là nền tảng, yêu cầu bắt buộc để Việt Nam chuyển mình thành quốc gia có nền kinh tế số cũng như xã hội số. Chủ trương này được thể hiện rõ nét tại Đề án “Phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030” ngày 1-8-2018 của Chính phủ với ưu tiên phát triển ĐTTM trên 6 lĩnh vực chủ yếu hướng tới phục vụ con người, lấy người dân làm trung tâm nhằm xây dựng một đô thị có chất lượng cuộc sống cao, môi trường bền vững và nền kinh tế cạnh tranh bao gồm: quy hoạch bền vững; hệ thống giao thông thông thoáng, dịch vụ giao thông thuận tiện; điện - năng lượng - chiếu sáng, cấp - thoát nước đầy đủ và ổn định; viễn thông - thông tin liên lạc thông suốt; hệ thống các dịch vụ như hành chính công, y tế, giáo dục đảm bảo; hệ thống xử lý chất thải hoàn thiện, ít ô nhiễm… Tất cả những lĩnh vực này đều có sự kết hợp giữa quản lý khai thác, phát triển không gian đô thị và ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin để đạt 3 mục tiêu: Nâng cao chất lượng cuộc sống; hiệu quả các hoạt động dịch vụ đô thị; nâng cao tính cạnh tranh của đô thị. Soi chiếu vào điều kiện tỉnh ta, thành phố Nam Định và các huyện đang từng bước được phát triển những yếu tố cơ bản để xây dựng ĐTTM trong tương lai. Theo đó cơ sở hạ tầng CNTT trong các cơ quan Nhà nước đã hình thành hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II; nền tảng sinh thái số; nền tảng chia sẻ tích hợp dùng chung (LGSP)... đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành trong các cơ quan quản lý Nhà nước, phục vụ hiệu quả việc giải quyết TTHC của người dân và doanh nghiệp. Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh ta quyết tâm triển khai xây dựng ĐTTM. Tuy nhiên để xây dựng ĐTTM theo hướng dẫn của Bộ TT và TT đòi hỏi phải có lộ trình dài và chi phí đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng rất lớn, nguồn nhân lực công nghệ thông tin… mà tỉnh khó có thể đáp ứng được. Không những thế trên toàn quốc chưa có địa phương nào xây dựng mô hình ĐTTM hoàn chỉnh để học tập. Với quyết tâm biến thách thức thành cơ hội để xây dựng tỉnh văn minh hiện đại, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người dân về chất lượng cuộc sống, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết tâm xây dựng ĐTTM trên nền tảng kết quả xây dựng Chính quyền điện tử. Cụ thể hóa chủ trương này, tại Kế hoạch số 18/KH-UBND, ngày 28-2-2020, của UBND tỉnh về việc triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM đã xác định rõ phải tiến hành triển khai thí điểm một số dịch vụ nền tảng thông minh để đánh giá sự phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từ đó từng bước xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách và giải pháp phát triển dịch vụ ĐTTM của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Đây được xem là cơ sở định hướng để triển khai nhiệm vụ xây dựng ĐTTM khi chưa có hình mẫu chuẩn để áp dụng, tránh đầu tư dàn trải lãng phí. Chọn thí điểm mô hình Trung tâm giám sát điều hành ĐTTM và triển khai các dịch vụ ĐTTM làm nòng cột cho cả lộ trình trước khi nhân ra diện rộng.
Chỉ đạo quyết liệt
Với quyết tâm triển khai thúc đẩy ĐTTM, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, căn chiếu vào thực tế của địa phương, kịp thời ban hành các chủ trương, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đúng định hướng, hiệu quả. Trong Chương trình hành động số 01-CT/TU ngày 12-10-2020, Tỉnh ủy đã xác định xây dựng ĐTTM là 1 trong 9 giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, là 1 trong 6 chương trình trọng tâm, nhằm đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa tỉnh ta là tỉnh phát triển khá của cả nước. Trong đó xác định sẽ: Ưu tiên kết hợp các nguồn lực hoàn thành xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM; thực hiện chuyển đổi số ở một số lĩnh vực trọng điểm; xây dựng hệ thống camera giám sát và quản lý ĐTTM; tăng cường cung cấp các tiện ích ĐTTM, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch. Tập trung phát triển các chức năng trụ cột là công nghiệp, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, khoa học và công nghệ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao...
Đồng chí Vũ Trọng Quế, TUV, Giám đốc Sở TT và TT cho biết: Đáng chú ý trong thực hiện chủ trương chỉ đạo của UBND tỉnh xây dựng ĐTTM là các ngành chức năng quyết liệt phối hợp nâng cao trách nhiệm triển khai xây dựng Trung tâm giám sát điều hành ĐTTM và triển khai thí điểm một số dịch vụ ĐTTM trọng tâm theo đúng hướng dẫn của Bộ TT và TT, phù hợp với thực tế địa phương, tạo nền tảng ứng dụng đầu tiên trong lộ trình xây dựng ĐTTM của tỉnh. Các địa phương đều đã tập trung triển khai những bước khởi đầu để xây dựng khung ĐTTM theo hướng dẫn của Sở TT và TT trên nền tảng chính quyền điện tử. Cả 10 huyện, thành phố đều đang từng bước được phát triển những yếu tố cơ bản nền tảng từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành; phối hợp cung cấp để Sở TT và TT cập nhật dữ liệu về điều kiện tự nhiên, đặc điểm văn hóa, xã hội, dân cư để đồng bộ với cơ sở dữ liệu toàn tỉnh. Thành phố Nam Định xác định đẩy mạnh xây dựng ĐTTM là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tập trung triển khai bước đầu thí điểm dịch vụ ĐTTM gồm: thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước; triển khai có hiệu quả việc họp trực tuyến và không giấy tờ tại các đơn vị trực thuộc tại UBND thành phố; triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại 25 phường, xã; triển khai bộ giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận chính quyền điện tử tại 2 phường Quang Trung, Thống Nhất và 4 trường tiểu học, trung học cơ sở gồm: Kim Đồng, Chu Văn An, Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Thụ.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ xây dựng ĐTTM được tỉnh khẳng định đã bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Nguyễn Hương