Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số (Bài 1): Chọn 'hạt giống đỏ'

Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở là người dân tộc thiểu số 'vừa hồng, vừa chuyên' góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, từ đó đưa các chương trình, dự án, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào, thúc đẩy kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Bí thư Đảng ủy xã Thành Tiến Bùi Thị Phúc (ngoài cùng bên phải) cùng HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Tiến, xã Thành Tiến (Thạch Thành) thăm cánh đồng lúa vụ thu mùa 2024. Ảnh: Ngọc Huấn

Bí thư Đảng ủy xã Thành Tiến Bùi Thị Phúc (ngoài cùng bên phải) cùng HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoàng Tiến, xã Thành Tiến (Thạch Thành) thăm cánh đồng lúa vụ thu mùa 2024. Ảnh: Ngọc Huấn

Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện, 174 xã, thị trấn, với diện tích gần 8.000km2 - chiếm 2/3 diện tích cả tỉnh; dân số trên 1,1 triệu người, trong đó có 701.000 người DTTS là người Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú, chiếm hơn 18% dân số cả tỉnh và hơn 70% dân số toàn miền núi. Chính họ là một phần trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh, tuy nhiên, để bức tranh nguyên sơ ấy trở nên hài hòa, cân đối và đẹp hơn thì vấn đề đầu tiên phải bắt đầu từ yếu tố con người.

Thêm đảng viên là thêm sức mạnh

Vàng Thanh Hóa vừa tròn 24 tuổi, em là quần chúng ưu tú của bản Cá Giáng, xã Trung Lý (Mường Lát) vừa hoàn thành hồ sơ để chuẩn bị kết nạp đảng trong thời gian tới. Quê gốc Vàng Thanh Hóa ở Sơn La, sau khi gia đình di cư vào đây, sinh em ra nên tên em cũng là tên vùng đất này. Vàng Thanh Hóa cho biết: Gia đình em có 2 người anh là Vàng A Pó và Vàng Thanh Di đều là đảng viên. Vàng A Pó tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam và đang làm việc tại Hà Nội, còn Vàng Thanh Di hiện là trưởng bản Cá Giáng. Nhìn từ tấm gương của 2 người anh mà Vàng Thanh Hóa luôn khao khát được đứng trong hàng ngũ của đảng.

Đi cùng tôi đến nhà Vàng Thanh Hóa là Bí thư chi bộ bản Cá Giáng - Vàng Giống Của. Của sinh ra ở Sơn La, cùng hơn 20 hộ gia đình trong dòng họ di cư đến Thanh Hóa năm 1997. “Chúng tôi là những cư dân đầu tiên chứng kiến việc thành lập bản. Lúc đó cả bản có 59 hộ với hơn 350 nhân khẩu, đều là dân di cư từ các tỉnh phía Bắc đến sinh sống. Bản nằm cách bờ sông Mã và hồ thủy điện Trung Sơn khoảng 1km, có suối Kiết chảy qua giữa bản, thuận lợi cho việc đánh bắt thủy sản, phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân bản Cá Giáng. Chỉ cần xuống suối Kiết, mò tay là có cá ăn". Cái tên “Cá Giáng” cũng mang ý nghĩa đó.

Sống ở mảnh đất di cư, Vàng Giống Của càng phải nỗ lực nhiều hơn. Anh vinh dự là người đầu tiên của bản được kết nạp đảng. Nhớ lại cảm xúc khi vào đảng, Của cho biết: "Khi Kết luận số 50-KL/TU, ngày 20/4/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển đảng viên và chi bộ, thôn, bản vùng sâu, vùng xa được ban hành, thì không lâu sau đó, ngày 28/12/2010, tôi được kết nạp đảng. Vui và tự hào lắm. Khi ấy tôi là tấm gương sáng cho cả bản và dòng họ đấy!”.

Thấu hiểu việc di cư của chính mình và những người trong dòng họ là do đời sống kinh tế khó khăn và tình trạng thiếu đất sinh hoạt, từ khi vào đảng, Vàng Giống Của không chỉ nỗ lực cho bản thân, gia đình mà còn phải cố gắng vì cuộc sống của bà con. Ở bản Cá Giáng, bất kỳ việc gì cũng đến tay Của, nhà ai có việc cũng gọi Của giải quyết.

2 năm sau, tức năm 2012, bản Cá Giáng lại có thêm Sùng A Thìn được kết nạp đảng, tiếp theo đó là Vàng Gia Ngách, Vàng Thanh Di... Đến nay bản Cá Giáng đã có 118 hộ với 578 nhân khẩu, trong đó có 18 đảng viên (16 đảng viên là người của bản, còn 2 đảng viên là cán bộ tăng cường). “Thêm một đảng viên là bản có thêm sức mạnh. Sức mạnh của niềm tin, của tiếng nói, của sự đoàn kết”, Vàng Giống Của khẳng định. Chỉ cần so sánh trước năm 2023, bản 100% là hộ nghèo, nhưng đến nay, bản đã có 20 hộ thoát nghèo và 20 hộ cận nghèo. Nhiều gia đình đã có xe máy, điện thoại, tivi... đời sống đổi thay hằng ngày.

Theo Bí thư chi bộ Vàng Giống Của, “ngoài nhu cầu của người dân, sự phát triển của đời sống xã hội còn có vai trò không nhỏ của các đảng viên. Không có sự chủ động, tinh thần xung kích gương mẫu đi đầu của đảng viên, nói suông là bà con không tin, tuyên truyền tai phải lại ra tai trái”.

Quả thật, nhìn căn nhà của Bí thư chi bộ Vàng Giống Của mới bị sập trong đợt mưa lũ do cơn bão số 3 gây ra vừa qua, càng thấu hiểu sự gương mẫu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của các đảng viên ở bản Cá Giáng. Khi 6 người trong gia đình anh phải ở tạm căn bếp chừng 6m2 thì Của cùng một số đảng viên đang đi tháo dỡ, dựng lại nhà cho 3 hộ khác trong bản. Cái lý của Vàng Giống Của rất đơn giản: Làm giúp họ thì mấy hôm nữa họ giúp mình. Bản Cá Giáng tuy nghèo do đất đai khô cằn, trình độ dân trí còn thấp nhưng chúng tôi giàu tình, giàu nghĩa.

“Tôi chỉ mong năm nào chi bộ cũng kết nạp được 1 đảng viên để bản có thêm nhiều người tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, ngoài ra còn có thêm nguồn cán bộ. Vàng Thanh Hóa sau khi được kết nạp đảng, nếu thể hiện tốt tinh thần trách nhiệm gương mẫu, chúng tôi sẽ xây dựng và tạo nguồn cán bộ cho bản” - Bí thư Của chia sẻ thêm.

Chọn đúng người, đúng việc

Thành Tiến vốn được coi là rốn lũ, chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn của huyện Thạch Thành, lại có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống (chiếm 49%). Bởi thế, kinh tế kém phát triển là câu chuyện đương nhiên, được mặc định trong mỗi cá nhân và tập thể.

14 năm công tác trên địa bàn xã, bà Bùi Thị Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Thành Tiến cho biết: Từ thực tế và kinh nghiệm, tôi nhận thấy yếu tố con người mà cụ thể hơn là việc xây dựng đội ngũ cán bộ có ý nghĩa quyết định.

Thành Tiến có tỷ lệ người dân tộc Kinh và Mường là ngang nhau (chỉ có 2% dân số là đồng bào dân tộc khác). Vì thế việc xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở là người DTTS khá thuận lợi. Là người dân tộc, sinh ra lớn lên ở địa phương, yếu tố thuận lợi nhiều hơn hẳn những điểm hạn chế. Đó là lợi thế về ngôn ngữ, phong tục tập quán, sự thấu hiểu và nắm bắt tâm lý đồng bào, đặc biệt là thông thạo địa bàn.

So với những nhiệm kỳ trước, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Thành Tiến có 2 người là DTTS thì nhiệm kỳ này là 3 người. Việc lựa chọn “hạt giống đỏ” được xem xét kỹ lưỡng từ các tiêu chí cụ thể về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị. Vì thế đến nay, ở xã Thành Tiến, 100% cán bộ có trình độ đại học và trình độ trung cấp lý luận chính trị. Công tác cán bộ từ trình độ đến nhận thức thay đổi tạo điều kiện cho việc chỉ đạo, thực hiện được khoa học, xuyên suốt, góp phần thay đổi đời sống của cán bộ và Nhân dân, thay đổi diện mạo NTM.

Có nghị quyết chỉ đường, người dân xã Thanh Xuân (Như Xuân) đã mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Có nghị quyết chỉ đường, người dân xã Thanh Xuân (Như Xuân) đã mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Năm 2024, xã Thành Tiến được Huyện ủy giao về đích NTM, đến nay đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Có được điều đó là do việc tìm “hạt giống”, hay nói đúng hơn là chọn nguồn, sắp xếp đưa vào quy hoạch để phù hợp với năng lực trình độ, uy tín, sở trường của từng người. “Thực tế từ địa phương tôi, có người khi đặt ở vị trí này thì làm không tốt nhưng khi sang vị trí khác lại phát huy hết khả năng. Trường hợp của chị Phạm Thị Thái hiện là Bí thư, Trưởng thôn Vân Lương là ví dụ. Khi đang làm cán bộ bán chuyên trách (Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã), chị chưa có cơ hội thể hiện hết vai trò trách nhiệm, nhưng được xã giới thiệu về tham gia Ban Chấp hành chi bộ thôn, chỉ định chức danh bí thư, giới thiệu để Nhân dân bầu trưởng thôn thì trong thời gian ngắn với sự chỉ đạo của chị Thái, thôn Vân Lương đã khang trang, sạch đẹp, bà con đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển".

Đưa cán bộ người DTTS từ huyện về xã

Ngày 7/3/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 275/QĐ-TTg phê duyệt Như Xuân ra khỏi huyện nghèo giai đoạn 2018-2020. Đây là kết quả quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của huyện Như Xuân trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững.

Tuy nhiên để thực sự thoát nghèo, vấn đề đầu tiên vẫn là thay đổi nhận thức và hành động của người dân. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Như Xuân lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt vấn đề nâng cao năng lực, tạo chuyển biến rõ nét trong hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở là một trong các chương trình trọng tâm. Đến nay đã bố trí, sắp xếp 15/16 xã, thị trấn có Bí thư đảng ủy không phải là người địa phương (đạt tỷ lệ 94%); 12/16 xã, thị trấn có chủ tịch UBND không phải là người địa phương (đạt tỷ lệ 69%). Trong đó, việc luân chuyển, điều động bố trí cán bộ từ huyện về xã, từ xã này sang xã khác đã tạo ra những bước chuyển lớn.

Đặc biệt với khu vực nghèo nhất “6 Thanh” gồm các xã Thanh Xuân, Thanh Quân, Thanh Phong, Thanh Hòa, Thanh Lâm và Thanh Sơn, huyện Như Xuân đã rất quyết liệt trong việc điều động, luân chuyển cán bộ DTTS từ huyện về cơ sở.

Anh Lê Tuấn Anh, người dân tộc Thổ, được điều động từ huyện về làm Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xuân năm 2020. Thanh Xuân là xã duy nhất ở “6 Thanh” thuộc khu vực II theo Quyết định số 861 ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, song vẫn có 5/6 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. “4 năm trước thôi, thực sự tôi cũng không tin có ngày hôm nay”, đó là lời của anh Lê Tuấn Anh. Bởi ở đây, địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, sông suối; kết cấu hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ; chất lượng lao động còn thấp; tiềm năng, lợi thế của xã chưa được khai thác để phục vụ cho phát triển kinh tế; sản xuất nông nghiệp chủ yếu là các cây trồng truyền thống, giá trị kinh tế thấp, tập quán canh tác còn lạc hậu, nhỏ, lẻ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết; đời sống của Nhân dân vô cùng khó khăn...

Nhận thức được những khó khăn, hạn chế đó, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành Nghị quyết số 32 ngày 24/12/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn xã Thanh Xuân, giai đoạn 2022-2025. Có nghị quyết chỉ đường, có sự đồng thuận của cấp ủy, sự quyết tâm thực hiện của người dân, trong những năm qua, Thanh Xuân mạnh dạn chuyển đổi các loại cây trồng có giá trị kinh tế vào sản xuất, như: cam, bưởi, cao su...

Trăn trở về diện tích các loại cây trồng còn khá khiêm tốn, Bí thư Đảng ủy xã Lê Tuấn Anh cho biết: Thanh Xuân hiện có khoảng 3.000 nhân khẩu với 646 hộ, trong đó hơn 90% là đồng bào dân tộc Thái. Hiện xã vẫn còn 15,7% hộ nghèo và 29,61% hộ cận nghèo. Để giảm thấp tỷ lệ này là khá khó khăn nhưng không thể không làm được.

Về Lâm Chính - thôn NTM đầu tiên của vùng “6 Thanh”, chúng tôi được Bí thư kiêm trưởng thôn Vi Văn Vững chia sẻ: “Chỉ 3 năm sau Quyết định số 275/QĐ-TTg phê duyệt Như Xuân ra khỏi huyện nghèo giai đoạn 2018-2020, nhờ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, tuyên truyền về tinh thần “tự lực cánh sinh”, không trông chờ ỷ lại của các tổ chức đoàn thể, bà con đã sớm chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng lúa sang trồng nhiều loại cây khác có năng suất và thu nhập tốt hơn. Đến nay, bình quân thu nhập của người dân trong thôn đạt trên 40 triệu đồng/người/năm.

Nghĩ về những đảng viên là người DTTS ấy, tôi chợt liên tưởng tới hình ảnh về việc gieo hạt giống trên những mảnh đất khô cằn. Có khó khăn, thất bại nhưng chỉ cần đó là hạt giống tốt, lại có thêm sự tưới mát, chăm sóc tất sẽ nảy mầm sinh trưởng nhanh chóng. Như Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Như Xuân, ông Nguyễn Văn Ân khẳng định: “Khi có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy và chính quyền địa phương về phát triển kinh tế, cùng với sự đồng lòng của người dân, thì việc xóa đói, giảm nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình, không phải là chuyện quá khó và quá xa vời”.

Kiều Huyền - Ngọc Huấn

Bài 2: Cán bộ người DTTS ở các huyện vùng cao biên giới.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-doi-ngu-can-bo-co-so-la-nguoi-dan-toc-thieu-so-bai-1-chon-hat-giong-do-226282.htm