Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ
Phạm Khắc QuânỦy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủyĐBP - Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh 'Cán bộ là cái gốc của mọi công việc'; 'Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém'. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp ủy trong tỉnh đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Ðây được coi là giải pháp cơ bản để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị ngày càng cao của tỉnh.
Nhiệm kỳ qua, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trong ảnh: Cán bộ UBND xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) tiếp công dân. Ảnh: Gia Kiệt
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời cụ thể hóa các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, ban hành quy định về quản lý tổ chức bộ máy và phân cấp quản lý cán bộ; quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử. Ban Thường vụ Tỉnh ủy coi trọng công tác đánh giá cán bộ, trọng tâm là kết quả công tác bằng các sản phẩm cụ thể; nâng cao chất lượng kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên đảm bảo thực chất, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm về phẩm chất, năng lực, hiệu quả công tác, uy tín và triển vọng của cán bộ. Kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ là căn cứ để lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu nhân sự vào cấp ủy các cấp. Cùng với đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý; kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2018 - 2020. Trong nhiệm kỳ đã luân chuyển 11 cán bộ để đào tạo và bố trí 90% bí thư cấp ủy huyện, 70% chủ tịch UBND huyện không là người địa phương. Thông qua luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp là cán bộ trẻ có nhiệt huyết, triển vọng được đào tạo, rèn luyện, thử thách trong thực tiễn và góp phần quan trọng chủ động nguồn cán bộ cho trước mắt và lâu dài, khắc phục tình trạng cục bộ, trì trệ, bảo thủ trong công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ.
Ðể nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ sở đào tạo; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tạo điều kiện và khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cấp ủy các cấp cử 3.368 đồng chí đi đào tạo về chuyên môn; 5.764 lượt cán bộ đi đào tạo về lý luận chính trị và 85.289 lượt cán bộ bồi dưỡng chuyên ngành. Qua đào tạo, bồi dưỡng trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên và được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Ðến nay cán bộ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng (tương đương) trở lên có trình độ chuyên môn đại học và trên đại học chiếm 99%; lý luận chính trị từ trung cấp trở lên chiếm 99,7%. Cán bộ, công chức cấp xã có trình độ trung học phổ thông chiếm 77,2% (đạt 128,7% chỉ tiêu nghị quyết đại hội); 100% được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ (trong đó có trình độ từ trung cấp chiếm 93,6%, đạt 104% chỉ tiêu nghị quyết)… Nhờ làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đến nay cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị đảm bảo trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức danh. Hầu hết đội ngũ cán bộ các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, trung thành và tin tưởng tuyệt đối vào đường lối lãnh đạo của Ðảng; có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Các kế hoạch, đề án sắp xếp tổ chức, bộ máy, đề án vị trí việc làm, đề án tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức viên chức được thực hiện hiệu quả. Nhờ đó tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo quy định. Thông qua sắp xếp lại tổ chức bộ máy cơ quan khối Ðảng, đoàn thể tỉnh đã giảm 14 đầu mối cấp phòng, cơ quan chính quyền đã giảm 1 đầu mối cấp tỉnh, 6 đơn vị cấp phòng; các đơn vị sự nghiệp sau sắp xếp giảm 87 đầu mối thuộc các ngành và cấp huyện; giảm từ 1.813 thôn, bản, tổ dân phố xuống còn 1.441 thôn, bản, tổ dân phố… Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từng bước được nâng lên. Các cơ quan, đơn vị được sắp xếp, kiện toàn theo hướng thu gọn đầu mối; cơ bản khắc phục những chồng chéo, bất cập trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ. Công tác quản lý biên chế công chức, số lượng người làm việc trong cơ quan đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh được rà soát thường xuyên; công tác thi tuyển xét tuyển đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật.
Trong công tác tạo nguồn, quy hoạch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện đồng bộ, đúng, đủ các quy trình, quy định. Ðặc biệt, Tỉnh ủy chỉ đạo mở rộng phạm vi giới thiệu, đối tượng lấy ý kiến phát hiện cán bộ để đưa vào quy hoạch theo hướng “động” và “mở”, tiến hành đồng bộ cả 3 cấp và lấy quy hoạch cấp dưới làm cơ sở để xây dựng quy hoạch cán bộ cấp trên; mở rộng nguồn cán bộ từ các đơn vị sự nghiệp, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, phát huy dân chủ trong giới thiệu, phát hiện nguồn cán bộ quy hoạch, bảo đảm cơ cấu, tính kế thừa và phát triển.
Tiếp tục phát huy hiệu quả của công tác cán bộ, Ðiện Biên đã và đang tích cực triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Ðây là căn cứ, định hướng quan trọng giúp cấp ủy các cấp tiếp tục đổi mới công tác cán bộ. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý từ trưởng, phó phòng trở lên có trình độ từ đại học (trong đó 40% trở lên có trình độ trên đại học); 100% được đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng về quản lý nhà nước. Cán bộ, công chức cấp xã 100% được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ (trong đó 98% có trình độ trung cấp trở lên); 100% cán bộ chuyên trách được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (trong đó, 90% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên).
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp; đảm bảo sự kế tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo, xây dựng tỉnh Ðiện Biên ngày càng phát triển toàn diện, bền vững.