Xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Đổi mới công tác bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận, đáp ứng yêu cầu công việc là nhiệm vụ quan trọng, tác động tích cực đến chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận. Trong tình hình hiện nay, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng quan trọng, trách nhiệm ngày càng cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ Mặt trận phải có trình độ chuyên môn tốt, tác phong làm việc chuyên nghiệp, phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả. Điều đó đang đặt ra cho Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận yêu cầu phải tập trung đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ trong công tác bồi dưỡng cán bộ, làm tốt vai trò là cơ sở bồi dưỡng cán bộ đầu ngành của hệ thống Mặt trận.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao 50 căn nhà, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng ủng hộ Chương trình xây dựng nhà cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An và trao tặng 200 triệu đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh tại diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói Mặt trận cơ sở”, tháng 10/2023. Ảnh: Thành Cường

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao 50 căn nhà, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng ủng hộ Chương trình xây dựng nhà cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An và trao tặng 200 triệu đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh tại diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói Mặt trận cơ sở”, tháng 10/2023. Ảnh: Thành Cường

Thực trạng đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên trách hiện nay

Năm 2022, đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên trách có 15.789 người, trong đó cấp Trung ương là 131 người (0,8%); cấp tỉnh 1.387 người (8,8%); cấp huyện 3.672 người (23,3%), cấp xã là 10.599 người (67,1%).

Về tổ chức bộ máy ở cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm Ban Thường trực và 9 ban, đơn vị chuyên môn. Trong số 131 cán bộ Mặt trận chuyên trách của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 6 cán bộ trong Ban Thường trực, 42 lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, 89 cán bộ chuyên môn.

Tổ chức bộ máy cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và cấp huyện được thực hiện Quy định số 212-QĐ/TW ngày 30/12/2019 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện.

Theo đó, Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh quyết định tổ chức các bộ phận tham mưu, giúp việc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh phù hợp với tình hình, đặc điểm và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng địa phương theo nguyên tắc: Bảo đảm cho các tổ chức thực hiện được chức năng, nhiệm vụ theo Điều lệ của tổ chức đó và quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan; tối thiểu có 5 người mới lập một đầu mối trực thuộc (gọi chung là ban); Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể nhiều hơn nhưng không quá 2 ban; tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An không quá 1 ban. Ban có dưới 10 người được bố trí gồm trưởng ban và 1 phó trưởng ban; có từ 10 người trở lên được bố trí không quá 2 phó ban.

Đối với cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, theo Quy định số 212-QĐ/TW không thành lập các đầu mối trực thuộc. Ban Thường trực lãnh đạo, chỉ đạo việc phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức cơ quan.

Tính đến tháng 12/2022, có 61/63 cơ quan chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh đã triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo Quy định 212-QĐ/TW; có 1 tỉnh đang chờ phê duyệt đề án (Bạc Liêu); Thành phố Hồ Chí Minh triển khai theo Đề án tổ chức bộ máy của cấp ủy địa phương. Số lượng đầu mối ban, đơn vị của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh thành lập được 229 đầu mối ban, đơn vị.

Trong tổng số 1.389 cán bộ Mặt trận chuyên trách cấp tỉnh có 490 người trong Ban Thường trực, 450 cán bộ lãnh đạo cấp phòng trực thuộc. Trung bình mỗi cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh có hơn 22 người, trong đó 7, 8 người trong Ban Thường trực, 14,2 người là lãnh đạo các ban không trong Ban Thường trực và cán bộ chuyên môn.

705 cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, trong tổng số 3.672 cán bộ Mặt trận chuyên trách cấp huyện có 2.752 người trong Ban Thường trực, 920 người là cán bộ chuyên môn. Trung bình mỗi cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện có 5,2 ngươì1, trong đó có 3,9 người trong Ban Thường trực, 1,3 cán bộ chuyên môn.

10.599 cán bộ Mặt trận chuyên trách cấp xã là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn.

Về trình độ cán bộ Mặt trận chuyên trách, trong số 131 cán bộ Mặt trận ở cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì: 53 người có trình độ đại học, 78 người có trình độ trên đại học. Về trình độ lý luận chính trị: 21 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị, 76 người cao cấp và cử nhân lý luận chính trị. Về ngạch 59 chuyên viên và tương đương, 43 chuyên viên chính và tương đương, 29 chuyên viên cao cấp và tương đương.

Về trình độ học vấn cán bộ Mặt trận chuyên trách cấp tỉnh, có 4 tiến sĩ, 327 thạc sĩ, 1.005 tốt nghiệp đại học, 7 tốt nghiệp cao đẳng, 44 tốt nghiệp trung cấp. Về trình độ lý luận chính trị: 656 cao cấp; 71 cử nhân, 436 trung cấp.

Về trình độ học vấn cán bộ Mặt trận chuyên trách cấp huyện, có 5 tiến sĩ, 509 thạc sĩ, 3.038 tốt nghiệp đại học, 34 tốt nghiệp cao đẳng, 103 tốt nghiệp trung cấp. Về trình độ lý luận chính trị: 1.517 cao cấp, 79 cử nhân, 883 trung cấp2.

Hiện nay chưa có thống kê về trình độ cán bộ Mặt trận chuyên trách cấp xã.

Những vấn đề đặt ra đối với công tác bồi dưỡng cán bộ Mặt trận các cấp

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam đến năm 2030" ngày 27/11/2023 - Ảnh minh họa

Đến nay, chưa có cơ sở giáo dục nào có chương trình đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học và trên đại học mã ngành công tác Mặt trận. Đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên trách hiện nay được đào tạo từ nhiều chuyên ngành khác nhau. Mặc dù mỗi chuyên ngành có thế mạnh riêng, song không có chuyên ngành nào bao quát được hết các khâu công tác Mặt trận. Để làm việc, cán bộ phải tự học hỏi qua cán bộ cấp trên, đồng nghiệp, sách, báo, tài liệu và từ thực tiễn công việc. Do đó, hầu hết cán bộ chưa qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đều chưa nắm chắc hệ thống lý luận và kiến thức nghiệp vụ công tác Mặt trận, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả công việc. Điều này đặt ra vai trò quan trọng và tính cấp thiết của công tác bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận cho cán bộ Mặt trận.

Tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng qua quan sát nhận thấy, đội ngũ cán bộ Mặt trận thường có sự biến động do quá trình điều chuyển, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ từ cơ quan Mặt trận sang công tác tại các cơ quan ngoài Mặt trận và ngược lại. Đội ngũ cán bộ mới về cơ quan Mặt trận cần được bồi dưỡng kiến thức để bắt kịp yêu cầu nhiệm vụ.

Do chưa có chuyên ngành đào tạo về công tác Mặt trận, nên chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận không chỉ đóng vai trò cập nhật thông tin, kiến thức mới, trang bị kỹ năng hoạt động nghiệp vụ, mà còn chú trọng trang bị cả hệ thống kiến thức lý luận về đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, xây dựng nhà nước pháp quyền và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, kiến thức cơ bản về dân tộc, tôn giáo, đối ngoại nhân dân. Đồng thời, trang bị cho cán bộ Mặt trận chuyên trách kỹ năng tổng kết thực tiễn, giúp cho mỗi cán bộ có thể tự đúc rút kinh nghiệm từ thực tế, làm phong phú vốn kiến thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Ở mỗi vị trí công tác đòi hỏi về kiến thức và năng lực của cán bộ Mặt trận có những yêu cầu riêng. Nếu xác định yêu cầu nổi trội của cán bộ Mặt trận theo phân cấp hành chính một cách tương đối thì: cán bộ Mặt trận Trung ương phải có năng lực hoạch định chiến lược; cán bộ Mặt trận cấp tỉnh phải có năng lực chỉ đạo; cán bộ Mặt trận cấp huyện phải có năng lực hướng dẫn; cán bộ Mặt trận cấp cơ sở phải có năng lực tổ chức thực hiện.

Nếu xác định theo chức vụ công tác và vị trí việc làm thì cán bộ Mặt trận là thành viên trong Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải có năng lực quy tụ quần chúng, bao quát và điều hành toàn bộ hoạt động của cơ quan và phạm vi công tác; cán bộ chuyên môn phải có kiến thức chuyên sâu, năng lực tham mưu và triển khai thực hiện những vấn đề thuộc phạm vi được phân công phụ trách như: tổ chức - cán bộ, văn phòng, tuyên giáo, phong trào, dân chủ, pháp luật, dân tộc, tôn giáo, đối ngoại, kiều bào,…

Nếu xác định theo đặc thù địa bàn công tác thì cán bộ Mặt trận ở các thành phố phải có khả năng phát hiện và xử lý các vấn đề đặt ra từ cuộc sống đô thị; cán bộ ở vùng nông thôn phải có khả năng phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh từ cuộc sống của nông thôn, nông nghiệp, nông dân; cán bộ ở vùng miền núi, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì phải có năng lực phát hiện và xử lý những vấn đề về dân tộc, miền núi; cán bộ ở vùng có nhiều đồng bào theo đạo thì phải có năng lực phát hiện và xử lý những vấn đề về tôn giáo,…

Tính chất đặc thù của từng loại vị trí công tác đó đòi hỏi việc thiết kế chương trình, phương pháp, hình thức bồi dưỡng phải dựa trên cơ sở xác định được yêu cầu của từng đối tượng học viên cụ thể. Chương trình bồi dưỡng nên có 2 nội dung chính: (1) Kiến thức cơ bản về công tác Mặt trận dành cho tất cả cán bộ Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở. (2) Kiến thức chuyên sâu, nâng cao cho từng loại chức vụ, vị trí việc làm.

Tình hình công tác bồi dưỡng cán bộ Mặt trận

Từ năm 2013 đến năm 2022, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức được 15 lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản cho tổng số 2.146 học viên. Trong đó có 3 năm không mở được lớp, do 2 năm đầu (2013 và 2014) mới thành lập chưa tổ chức được, và năm 2021 đại dịch Covid-19 bùng phát nên phải dừng. Các học viên chủ yếu là cán bộ Mặt trận chuyên trách cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp Trung ương, tỉnh và huyện.

Giai đoạn 2015 - 2020, việc tổ chức lớp bồi dưỡng hằng năm được chia thành 2 khu vực: lớp dành cho các học viên các tỉnh phía Bắc từ Quảng Trị trở ra; lớp dành cho học viên các tỉnh phía Nam từ Thừa Thiên Huế trở vào. Các tỉnh phía Bắc được tổ chức tại Hà Nội, còn lớp dành cho các tỉnh phía Nam được tổ chức tại các tỉnh như: Thành phố Hồ Chí Minh (2016, 2017, 2019), Bà Rịa - Vũng Tàu (2018), An Giang (2020). Năm 2022 đến nay các lớp bồi dưỡng không phân chia theo khu vực và được tổ chức tập trung tại trụ sở Trung tâm ở huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Thời gian tổ chức lớp bồi dưỡng là 10 ngày, bao gồm cả thời gian học 12 chuyên đề trên lớp và đi nghiên cứu thực tế tại địa phương (1 ngày). Ngoài các lớp bồi dưỡng theo kế hoạch của cơ quan, Trung tâm còn phối hợp với cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận của địa phương.

Mặc dù số lượng lớp, số lượng học viên còn hạn chế, nhưng công tác bồi dưỡng cán bộ đã góp phần tích cực trong việc trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về công tác Mặt trận cho đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, nhất là cán bộ Mặt trận cấp tỉnh, cấp huyện. Nội dung, chương trình, tài liệu được biên soạn và cập nhật, chỉnh sửa đã chuyển tải được tương đối có hệ thống và toàn diện khối kiến thức và kỹ năng về công tác Mặt trận. Đã xây dựng được đội ngũ giảng viên thỉnh giảng có kiến thức lý luận là các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam,... kết hợp với các cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn về công tác Mặt trận là các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, đơn vị chuyên môn của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Phương pháp dạy và học có sự chuyển biến tích cực. Đã kết hợp giữa việc truyền đạt kiến thức của giáo viên với các hoạt động trao đổi, thảo luận của học viên; giữa học trên giảng đường với đi nghiên cứu thực tế và các hoạt động ngoại khóa. Việc đánh giá chất lượng khóa học được duy trì thường xuyên làm cơ sở để Trung tâm rút kinh nghiệm, hoàn thiện khâu tổ chức và đổi mới phương pháp giảng dạy.

Bên cạnh kết quả đó cần phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế cần khắc phục. Trước hết, quy mô hoạt động bồi dưỡng cán bộ của Trung tâm chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận. Trung bình mỗi năm Trung tâm chỉ mở được 2 lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản với khoảng 214,6 học viên chiếm 4,1% tổng số cán bộ chuyên trách cấp Trung ương, tỉnh, huyện, 1,6% tổng số cán bộ chuyên trách trong hệ thống từ Trung ương đến cơ sở. Còn thiếu nội dung, chương trình, tài liệu bồi dưỡng chuyên sâu theo từng vị trí việc làm và lĩnh vực công tác, theo chức danh lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng nâng cao và cập nhật kiến thức, thông tin mới định kỳ.

Tính thiết thực trong nội dung chương trình bồi dưỡng chưa cao. Việc tổ chức lớp học tập trung toàn thời gian trong vòng 10 ngày là chưa phù hợp với đặc điểm công việc của một số vị trí công tác phải xử lý công việc thường xuyên, nhất là các Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận cấp tỉnh, huyện. Hình thức tổ chức lớp bồi dưỡng chưa linh hoạt và đa dạng. Cho đến nay, Trung tâm chưa có đội ngũ giảng viên cơ hữu. Phương pháp giảng dạy còn chậm đổi mới.

Những hạn chế đó có nguyên nhân từ việc chưa quan tâm đúng mức tới công tác xây dựng, bồi dưỡng cán bộ. Các nguồn lực của Trung tâm như đội ngũ cán bộ giảng dạy, kính phí, cơ sở vật chất dành cho hoạt động bồi dưỡng cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu. Thiếu cơ chế tạo động lực và chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Trung tâm.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ của Trung tâm

Một là, đổi mới công tác xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ Mặt trận. Việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho cán bộ Mặt trận phải được thực hiện theo từng nhiệm kỳ Đại hội. Sau Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiệm kỳ 2024 - 2029 (sẽ diễn ra vào tháng 10/2024), cần có sự khảo sát, thống kê, phân tích sơ bộ về tình hình đội ngũ cán bộ Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở nhằm đánh giá thực trạng và xác định được số cán bộ mới được tuyển dụng, điều chuyển, bổ nhiệm trong hệ thống Mặt trận các cấp và số cán bộ Mặt trận cũ chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Mặt trận để lên kế hoạch bồi dưỡng cho từng đối tượng cụ thể trong 5 năm (2024 - 2029).

Trên cơ sở đó, xác định chỉ tiêu, xây dựng và triển khai kế hoạch, chương trình bồi dưỡng cán bộ Mặt trận giai đoạn 2024 - 2029 và từng năm. Việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ phải căn cứ vào yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận, chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Đại hội X thông qua, các điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên,… và quan trọng là yêu cầu của học viên và các cơ quan, đơn vị có cán bộ cử đi học.

Hai là, xây dựng và ban hành thống nhất bộ chương trình, tài liệu bồi dưỡng cho cán bộ Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ Mặt trận phải đáp ứng được các yêu cầu: (1) Phù hợp tiêu chuẩn chung của cán bộ Mặt trận, vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ, các định hướng về công tác cán bộ trong Văn kiện Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; (2) Bảo đảm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn; kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thực hành; tích hợp, lồng ghép các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng; không được trùng lặp. Chương trình, tài liệu phải thường xuyên được bổ sung, cập nhật, nâng cao phù hợp với tình hình thực tế; (3) Thời lượng mỗi chương trình tối đa không quá 1 tuần (5 ngày)3.

Đối với lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thì phải phù hợp với Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Ba là, xây dựng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên của Trung tâm. Nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trước mắt là cần tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu. Trong bối cảnh chưa có đội ngũ giảng viên chuyên trách theo vị trí việc làm, cần huy động tối đa nguồn lực của Trung tâm tham gia công tác giảng dạy. Có quy định việc tham gia giảng dạy đối với các đồng chí trong ban lãnh đạo Trung tâm, cán bộ Phòng Bồi dưỡng cán bộ và Phòng Nghiên cứu khoa học, coi đây là một nhiệm vụ và tiêu chí đánh giá, xếp loại lao động, bình xét các danh hiệu thi đua hằng năm.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ giảng viên thỉnh giảng. Để chủ động về kế hoạch bồi dưỡng và khả năng mở rộng quy mô, mỗi chuyên đề bồi dưỡng cần có từ 3 đến 5 giảng viên thỉnh giảng. Chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên thỉnh giảng. Thông tin đầy đủ những ý kiến đánh giá, nhận xét có cơ sở của học viên để giảng viên phát huy những ưu điểm và khắc phục thiếu sót.

Hằng năm, tổ chức tổng kết, đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên, đưa ra khỏi danh mục giảng viên thỉnh giảng những người không đáp ứng được yêu cầu, đồng thời bổ sung những nhân tố mới. Có chính sách khen thưởng, tri ân những giảng viên có nhiều đóng góp cho công tác bồi dưỡng cán bộ Mặt trận, qua đó gắn bó quan hệ của giảng viên với Trung tâm.

Bốn là, đổi mới phương pháp dạy và học. Nghiên cứu, áp dụng phương pháp dạy và học tích cực trong bồi dưỡng cán bộ Mặt trận, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên. Thay vì truyền đạt kiến thức một chiều bằng phương pháp thuyết trình, giảng viên phải là người tổ chức và điều khiển các hoạt động nhận thức của học viên để đạt được mục tiêu bồi dưỡng. Thay vì thụ động nghe giảng, các học viên được tổ chức các hoạt động tìm tòi, khám phá, phát hiện và xử lý thông tin, hình thành kiến thức, phát triển năng lực và phẩm chất thông qua hoạt động học tập, dưới sự hướng dẫn của giảng viên.

Năm là, đổi mới công tác tổ chức lớp bồi dưỡng. Đa dạng hóa hình thức tổ chức lớp, kết hợp tổ chức lớp học tập trung tại Trung tâm như hiện nay với các lớp mở tại địa phương, theo nhu cầu của địa phương, giữa học tập trung và học bán thời gian, giữa học trực tiếp và học trực tuyến.

Sáu là, tăng cường công tác liên kết đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ Mặt trận trong hệ thống. Xây dựng và tổ chức thực hiện đề án liên doanh, liên kết đào tạo nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất được giao, nâng cao năng lực quản lý, tạo nguồn thu, góp phần thực hiện cơ chế tự chủ về kinh phí trong các hoạt động của đơn vị. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tổ chức theo hình thức liên doanh, liên kết được thực hiện theo cơ chế tự cân đối thu chi, các chi phí được tính đúng, tính đủ và người học phải chi trả các chi phí.

Bảy là, đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bồi dưỡng. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi số trong công tác bồi dưỡng cán bộ Mặt trận. Đề án cần đưa ra giải pháp tổng thể, đồng bộ nhằm ứng dụng công nghệ số trong hoạt động bồi dưỡng.

Tổ chức số hóa văn bản, sách, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác Mặt trận, sản xuất bài giảng điện tử,… để cung cấp trực tuyến cho cán bộ Mặt trận. Tạo diễn đàn trực tuyến trao đổi, thảo luận, giải đáp và hướng dẫn nghiệp vụ công tác Mặt trận, tiếp nhận các góp ý của cán bộ Mặt trận. Nghiên cứu, ứng dụng các phần mềm thiết kế bài giảng điện tử, tổ chức dạy và học trực tuyến, điều tra nhu cầu bồi dưỡng trực tuyến.

Chú thích:

1,2. ThS. Nguyễn Bắc Bình và các cộng sự: Báo cáo tổng hợp Đề tài khoa học cấp Bộ, Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đề tài khoa học cấp Bộ, Ban Tổ chức - Cán bộ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 2023.

3. Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

CHU VĂN KHÁNH - Thạc sĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ

và Nghiên cứu khoa học Mặt trận

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/xay-dung-doi-ngu-can-bo-mat-tran-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-trong-tinh-hinh-moi-57736.html