Xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS: Cách làm hay, xây trụ cột
PTĐT - Là tỉnh miền núi có trên 1,46 triệu người với 50 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó DTTS có khoảng 250 nghìn người, chiếm 17% dân số toàn tỉnh, Phú Thọ thường xuyên chú trọng công tác dân tộc...
PTĐT - Với cách làm hay, sáng tạo, những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều chủ trương, chính sách và động thái thiết thực nhằm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức (CB,CC) người dân tộc thiểu số (DTTS), từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nhân tố tích cực, có sức cuốn hút, lan tỏa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa nói riêng ngày càng phát triển.
Kỳ I:Hiện thực hóa chủ trương
Là tỉnh miền núi có trên 1,46 triệu người với 50 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó DTTS có khoảng 250 nghìn người, chiếm 17% dân số toàn tỉnh, Phú Thọ thường xuyên chú trọng công tác dân tộc, đẩy mạnh hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS, tạo cơ hội, điều kiện để đồng bào DTTS tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là công tác lãnh đạo, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, QP - AN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, từng bước hòa nhịp vào bước tiến chung của cộng đồng các dân tộc trên quê hương Đất Tổ.
Thống nhất trong nhận thức và hành động
Trong bản đồ cư dân của tỉnh Phú Thọ, đồng bào các DTTS phân bố chủ yếu tại 64 xã, thị trấn của 5 huyện: Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy, Đoan Hùng, trong số này có 4 DTTS sống tập trung thành làng bản với bản sắc văn hóa và phong tục tập quán riêng đậm nét là dân tộc Mường (chiếm 84% dân số là người DTTS và 14,3% dân số toàn tỉnh), Dao, Cao Lan, Mông. Để thấu suốt và thống nhất trong quan điểm chỉ đạo, thống nhất trong nhận thức và hành động, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc như Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, Kết luận số 57-KL/TW, ngày 3/11/2009 của Bộ Chính trị về công tác dân tộc, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/11/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc, Nghị quyết số 52/NQ-CP, ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển đội ngũ CB,CC,VC người DTTS thời kỳ đổi mới, Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BNV-UBDT ngày 11/9/2014 của Ủy Ban dân tộc và Bộ Nội vụ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chính sách CB,CC,VC người DTTS...
Cùng với tăng cường công tác quán triệt, phổ biến, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tạo cơ sở pháp lý và định hướng chỉ đạo thống nhất cho tổ chức thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh về công tác dân tộc, đề ra những giải pháp đồng bộ, thiết thực, khả thi, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, cấp ủy, chính quyền địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác dân tộc một cách thiết thực, cụ thể, sát với tình hình thực tiễn của địa phương, nhất là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, xây dựng, phát triển đội ngũ CB,CC, phát triển nguồn nhân lực là người DTTS, xác định nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền về công tác vận động và phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng các DTTS, coi đây là cầu nối giữa Đảng, chính quyền các cấp với đồng bào các dân tộc, là mắt xích quan trọng trong xây dựng thế trận ANND, là chất keo kết dính để thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, là chỗ dựa trong việc triển khai, tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.Đặc biệt, mới đây, tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XIV về Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030, Đoàn ĐBQH tỉnh do đồng chí Bùi Minh Châu- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có nhiều ý kiến xác đáng, đóng góp thiết thực cho Quốc hội, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến tình hình kinh tế - xã hội, chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS.Theo đồng chí Nguyễn Hữu Điền- nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, việc hoạch định các chủ trương, chính sách và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác dân tộc, xây dựng, phát triển đội ngũ CB,CC người DTTS không chỉ thể hiện tầm nhìn, tư duy khoa học mà còn tạo ra một “cơ chế vận hành” đồng bộ, thống nhất trong nhận thức và hành động, mở ra một bước mới trong thực thi chính sách đồng thời tạo ra cơ hội mới để đồng bào DTTS nói chung, đội ngũ CB,CC nói riêng phát huy khả năng, trí tuệ, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, nhân lên niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh.Linh hoạt trong triển khai thực hiện
Dưới góc nhìn định tính và định lượng, có thể thấy rằng, nhờ vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, đặc biệt là việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, xây dựng, phát triển đội ngũ CB,CC người DTTS, những năm qua, công tác này ở Phú Thọ đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, việc thực hiện chính sách đối với đội ngũ CB,CC người DTTS đảm bảo tính thống nhất, thiết thực, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Công tác cán bộ và quy hoạch cán bộ được cấp ủy, chính quyền quan tâm thường xuyên, liên tục, mang tính kế thừa. Cơ cấu cán bộ được bố trí hợp lý, đảm bảo thành phần dân tộc được tham gia trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh, huyện đến cơ sở.Theo số liệu từ Sở Nội vụ, toàn tỉnh hiện có 6.522 CB, CC,VC, trong đó số cán bộ người DTTS trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý, chuyên môn ở các ngành giữ chức vụ từ phó trưởng phòng trở lên là 184 người, đạt 2,24%; trên 70% cấp ủy viên là người DTTS, 75% cán bộ DTTS tham gia chính quyền (trong đó cán bộ nữ chiếm 11,3% trong hệ thống chính trị) các xã vùng đồng bào dân tộc miền núi. Đến nay, về cơ bản, CB,CC,VC người DTTS trên địa bàn tỉnh được đào tạo, phát triển đảm bảo phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn. Các cấp ủy Đảng đang tiếp tục quy hoạch, chọn cử những cán bộ trẻ người DTTS có năng lực, phẩm chất đi đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, đáp ứng yêu cầu quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ tại địa phương.
Đồng chí Nguyễn Tường Thứ- TUV, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Sự trưởng thành của đội ngũ CB,CC người DTTS là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí của tỉnh và địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ người DTTS, qua đó khắc phục dần tình trạng bị động, lúng túng về cơ cấu tuổi trẻ, cơ cấu người DTTS trong công tác cán bộ, thực hiện có hiệu quả việc đánh giá, quy hoạch cán bộ hàng năm, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, của địa phương.Tìm hiểu, khảo sát tại các xã, thị trấn thuộc các huyện có đông cán bộ là người DTTS, chúng tôi thấy rằng, cấp ủy, chính quyền đã thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ CB,CC người DTTS; có nhiều chủ trương, giải pháp linh hoạt để tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ dân tộc, trong đó ưu tiên cộng điểm khi tuyển dụng đối với những thí sinh là người DTTS; quan tâm bố trí, sắp xếp CB,CC người DTTS làm việc tại các bộ phận, phòng ban phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn được đào tạo; xây dựng kế hoạch đào đạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ưu tiên chọn cử cán bộ người DTTS gắn với quy hoạch cán bộ lâu dài nhằm khắc phục tình trạng đội ngũ cán bộ DTTS thiếu và yếu, mất cân đối; tập trung chỉ đạo thực hiện công tác bầu, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái đối với CB,CC người DTTS. Nhờ vậy, tỷ lệ CBCC người DTTS nói chung và tỷ lệ cán bộ quản lý các cấp là người DTTS nói riêng đang từng bước được nâng lên so với tỷ lệ dân số người DTTS trên địa bàn. Sau nhiều năm thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cán bộ người DTTS, đến nay Tân Sơn đã ra khỏi huyện nghèo, đội ngũ cán bộ đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Đồng chí Phạm Thanh Tùng - TUV, Bí thư Huyện ủy cho biết: Là huyện có tới 80% cán bộ là người DTTS, những năm qua, huyện đã tạo nhiều cơ hội cho cán bộ người DTTS được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị nên hiện nay trình độ của đội ngũ CB,CC đã cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. BCH Đảng bộ huyện hiện có 50% là người DTTS, nhiều đồng chí có trình độ cao, trẻ và năng động trong quản lý, điều hành công việc. Việc nâng tầm đội ngũ cán bộ người DTTS đã góp phần không nhỏ trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Kỳ II: Phát triển số lượng, nâng cao chất lượng