Xây dựng đội ngũ công nhân, lao động đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Cách đây 136 năm, vào ngày 1.5.1886 tại thành phố Chi-ca-gô (Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Mỹ, hơn 40 nghìn người lao động (NLĐ) đã tổ chức mít tinh, biểu tình đòi thực hiện ngày làm việc 8 giờ. Cuộc biểu tình nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của công nhân khắp nước Mỹ và châu Âu, buộc chính quyền tư sản phải ban hành quy định ngày làm việc 8 giờ. Để ghi nhận thành quả của phong trào công nhân quốc tế, tại Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, ngày 14.7.1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1.5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân, lao động toàn thế giới. Từ đó, ngày 1.5 trở thành ngày Quốc tế Lao động, là ngày lễ tại nhiều quốc gia.

Người lao động Công ty cổ phần Phú Hưng (Phù Cừ) hăng hái thi đua lao động sản xuất chào mừng ngày Quốc tế Lao động 1.5

Ở nước ta, sau khi giành được độc lập, ngày 29.4.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 56/SL quy định công nhân lao động được hưởng lương vào ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động. Vào ngày 1.5.1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm, mít tinh tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động.

Phát huy vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, đội ngũ công nhân, lao động trong tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có hơn 171 nghìn công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), luôn được các cấp, ngành, đặc biệt là tổ chức công đoàn quan tâm, tạo điều kiện để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năm 2021, toàn tỉnh có 11.644 lượt NLĐ được học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; 31.309 lượt NLĐ được tuyên truyền, giáo dục pháp luật, giúp CNVCLĐ nhận thức sâu sắc hơn về Đảng, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, về các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ. Nhờ đó, đa số CNVCLĐ trong tỉnh đều gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn giữ vững truyền thống, bản chất cách mạng của giai cấp công nhân và quê hương Hưng Yên, nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, tương thân, tương ái; hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Để tạo sự đoàn kết, khí thế thi đua sôi nổi trong lao động, sản xuất, các cấp công đoàn trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện các phong trào thi đua như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”… Đặc biệt, hưởng ứng Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, năm 2021, toàn tỉnh đã có 1.735 sáng kiến của NLĐ được ghi nhận. Nhiều sáng kiến tiêu biểu đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khen thưởng. Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Ngọc, Công ty TNHH Điện tử Canon Việt Nam (Văn Lâm) có sáng kiến: Cân bằng thời gian các công đoạn, sắp xếp lại khu vực thao tác, khung layout (khung chuyền sản xuất) đã giúp giảm 6 người thao tác tại khu vực check chức năng cụm máy in nhãn hiệu Canon, tiết kiệm cho doanh nghiệp hơn 700 triệu đồng/năm. Chị Nguyễn Thị Ngọc cho biết: Tôi và đồng nghiệp luôn tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, không ngừng tìm tòi, sáng tạo, nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật để tìm ra nhiều sáng kiến, áp dụng vào thực tế công việc nhằm nâng cao hiệu quả trong lao động sản xuất. Từ đó, không chỉ tăng thu nhập cho bản thân mà còn góp phần đưa doanh nghiệp phát triển.

Để động viên, khích lệ NLĐ hăng hái tham gia các phong trào thi đua, hàng năm, tổ chức công đoàn đã tham mưu với chuyên môn, lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức biểu dương, khen thưởng NLĐ tiêu biểu, có nhiều sáng kiến, sáng tạo mang lại hiệu quả cao. Đồng chí Đặng Văn Thưởng, Trưởng phòng kỹ thuật, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Phú Hưng (Phù Cừ) cho biết: Để phong trào thi đua phát huy hiệu quả, công ty tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ kinh phí để NLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Từ năm 2020 đến nay, công ty đã biểu dương, khen thưởng 12 lượt tập thể và 107 lượt cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua với số tiền trên 200 triệu đồng.

Các phong trào thi đua phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trong nhiều lĩnh vực, tạo động lực lôi cuốn, khích lệ, động viên CNVCLĐ đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm tìm ra các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đem lại hiệu quả cao. Nhiều điển hình tiên tiến, tấm gương xuất sắc, tiêu biểu, đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của giai cấp công nhân đã đưa ra các sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả thiết thực, được các cấp, ngành ghi nhận, biểu dương. Trong năm 2021, toàn tỉnh có 5.707 sáng kiến cải tiến trên các lĩnh vực được các cấp, ngành công nhận, làm lợi 17.285 tỷ đồng cho cơ quan, doanh nghiệp và xã hội, góp phần giảm cường độ lao động thủ công, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận cho đơn vị, doanh nghiệp.

Thời gian tới, công đoàn các cấp trong tỉnh tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ công nhân, lao động, có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần xây dựng quê hương Hưng Yên giàu đẹp, văn minh.

Hồng Ngọc

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202205/xay-dung-doi-ngu-cong-nhan-lao-dong-dap-ung-yeu-cau-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-71d083f/