Xây dựng đội ngũ giáo viên 'vừa hồng vừa chuyên'
Trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trường Tiểu học Nam Mỹ (Nam Trực) nhiều năm liền đứng trong tốp dẫn đầu của huyện về chất lượng giáo dục toàn diện. Hàng năm, Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm đến việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục với phương châm đánh giá đúng chất lượng giảng dạy, không chạy đua thành tích; tích cực đổi mới nội dung và hình thức soạn bài, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, khai thác và sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học. Mỗi giáo viên nhà trường với niềm tự hào được dạy ở ngôi trường có chất lượng tốt đều có tinh thần vươn lên trong bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Các tổ chuyên môn chú trọng công tác bồi dưỡng, tạo điều kiện cho các thành viên phát triển năng lực qua các cuộc thi của giáo viên và học sinh do nhà trường, ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Đến nay, 2 giáo viên của trường là các thầy cô: Vũ Trường Giang, Đặng Thị Thắm đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp quốc gia, 4 cô giáo: Phạm Thị Hồng Thái, Đặng Thị Thắm, Ngô Thị Doan, Đỗ Thị Trinh đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và nhiều giáo viên giỏi cấp huyện. Đặc biệt phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm, nhà trường có 4 dự án đã được Sở Khoa học và Công nghệ công nhận sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật. Nhiều năm liền nhà trường có học sinh đoạt giải cao trong các cuộc thi phát triển năng lực, thi học sinh giỏi, đứng trong tốp đầu của huyện.
Với cô giáo trẻ Trần Thị Kim Thoa, giáo viên dạy môn Sinh học, niềm hạnh phúc lớn nhất là được về công tác tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong. Những ngày đầu đứng trên bục giảng, cô giáo trẻ còn nhiều bỡ ngỡ và gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, sự ham học, khát khao được tiếp cận với môi trường mới đã tiếp thêm nghị lực để cô vươn lên. Và, nguồn vui lớn nhất của cô là sau mỗi lần lên lớp, tích lũy thêm được những kinh nghiệm quý cho quá trình giảng dạy. Khi được hỏi về kinh nghiệm ôn luyện cho học sinh tham dự các kỳ thi học sinh giỏi cấp cụm và quốc gia, cô Thoa khiêm tốn chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng hết mình trong công tác chuyên môn, làm việc có trách nhiệm. Các bài giảng bám sát chương trình, đồng thời nâng cao kiến thức, giúp học sinh đáp ứng được yêu cầu cao trong thi đại học và thi học sinh giỏi các cấp; cải tiến phương pháp giảng dạy bằng cách phát huy trí tuệ và sự chủ động tham gia tích cực của học sinh”… Cô đổi mới cách dạy như: Ra đề thi cho học sinh tự nghiên cứu, sau đó mỗi học sinh phải trình bày vấn đề của mình; thường xuyên đưa ra nhiều câu hỏi trắc nghiệm giúp học sinh tổng hợp kiến thức; hướng dẫn học sinh cách đọc sách đúng trọng tâm, trọng điểm... Hàng năm, học sinh của cô tham gia thi học sinh giỏi quốc gia đều đạt kết quả tốt; trên 90% học sinh các lớp cô dạy đều đạt loại khá, giỏi.
Nhiệm vụ “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đang đặt lên vai đội ngũ nhà giáo trong tỉnh những yêu cầu mới với trách nhiệm lớn trong dạy học và giáo dục. Mỗi thầy cô giáo theo yêu cầu đổi mới không chỉ giỏi về chuyên môn dạy học các môn học mà còn phải là người có năng lực sư phạm, năng lực giáo dục và truyền động lực học tập, tu dưỡng đạo đức nhân cách tới mỗi học sinh. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới được ngành Giáo dục và Đào tạo xác định là khâu then chốt trong công cuộc đổi mới giáo dục. Hiện tại, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo các cấp tương đối đồng bộ về cơ cấu, đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị, trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt, đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của ngành. Điển hình là phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Nam Định xây dựng tiêu chuẩn “Nhà giáo Ưu tú Thành Nam”. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trực xây dựng 5 quy định phong cách nhà giáo: Phong cách sống: tình thương - danh dự; Phong cách làm việc: Kỷ cương - sáng tạo; Phong cách học tập: tự học - thường xuyên; Phong cách gia đình: hòa thuận - hiếu đễ; Phong cách ứng xử: tôn trọng - biết điều. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xuân Trường với khẩu hiệu: “Tâm huyết - Trí tuệ - Hiệu quả - Nghĩa tình”… Các quy định trên đã khẳng định vị thế, tôn vinh nhà giáo ở trong trường, trong gia đình, ngoài xã hội. Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với UBND tỉnh cử 162 giáo viên đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn sau đại học. Cho đến nay toàn ngành có 676 nhà giáo đã được cử đi đào tạo trình độ chuyên môn sau đại học. Tỷ lệ giáo viên có trình độ trên chuẩn trở lên khá cao. Trong đó, ở bậc học mầm non đạt 59,1%, bậc tiểu học đạt 88,6%; bậc trung học cơ sở đạt 55%; bậc trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên đạt 18,4%. Thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, Sở Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục tỉnh phối hợp chỉ đạo các cấp học triển khai đồng bộ các giải pháp: Đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; đổi mới phương pháp dạy và học; đổi mới không gian lớp học; đổi mới mô hình, phương pháp, kỹ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá nhằm tạo chuyển biến tích cực về chất lượng dạy, học trong các cơ sở giáo dục. Triển khai việc sinh hoạt chuyên môn trên trang mạng “trường học kết nối”, tổ chức các cuộc thi cho giáo viên và học sinh tham gia nhằm phát huy năng lực, sở trường, giao lưu học tập, đúc rút kinh nghiệm. Đến nay, các nhà trường đã đổi mới theo tinh thần phát huy tính năng động, chủ động và tích cực của người học; giáo viên chủ động trong việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy và quản lý, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Từ cơ quan quản lý đến các cơ sở giáo dục trong tỉnh tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ với nhiều biện pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn giáo dục của địa phương, phát huy tốt nội lực của ngành và sự ủng hộ của toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục đào tạo.
Với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tâm huyết và sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, có tình yêu với học trò bằng tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, chắc chắn sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh sẽ tiếp tục gặt hái được những thành quả mới./.
Bài và ảnh: Hồng Minh