Xây dựng đội ngũ giáo viên vừa 'hồng' vừa 'chuyên'
Với cô giáo Hoàng Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Bảo Yên, gần 20 năm đứng trên bục giảng, điều luôn khiến cô tự hào là được truyền dạy kiến thức cho học trò. Từ những năm đầu bước chân vào nghề, cô giáo Huyền đã bồi dưỡng thành công nhiều đội tuyển tiếng Anh tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đoạt giải cao. Năm 2012, cô giáo Hoàng Thu Huyền là 1 trong 6 giáo viên tiếng Anh đầu tiên của tỉnh Lào Cai đạt chuẩn bậc 5 dành cho giáo viên tiếng Anh cấp THPT.
Ở cương vị mới, cô tiếp tục phấn đấu, trau dồi bản thân và đạt nhiều thành tích xuất sắc. Nhiều năm liền cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đặc biệt hơn 10 năm làm cốt cán môn Tiếng Anh cấp THPT của tỉnh Lào Cai. Thế nhưng với cô, hạnh phúc lớn nhất không phải những thành tích cá nhân đạt được mà là sự yêu mến của các thế hệ học sinh, phụ huynh và niềm tin của địa phương, của ngành dành cho trong suốt thời gian qua. Cô giáo Huyền cho rằng, nghề giáo là nghề sáng tạo. Với giáo viên, không chỉ là truyền đạt thật nhiều kiến thức cho học sinh, mà còn cần hướng dẫn phương pháp học, tạo cảm hứng giúp các em khám phá, chinh phục đỉnh cao tri thức.
Nghề giáo là nghề vất vả, đặc biệt là ở địa bàn vùng xa, vùng cao. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, bằng tình yêu nghề, nhiều thầy cô giáo vẫn ngày ngày gắn bó với các trường học để truyền dạy từng con chữ, điệu múa, bài hát cho học trò.
Hơn 10 năm trước, thầy giáo Đinh Hồng Phong rời mảnh đất Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) đến “cao nguyên trắng” Bắc Hà “gieo chữ”. Từ những buổi đầu lên tận nương vận động học sinh ra lớp, đến nay học trò của thầy giáo Phong đã thích đến trường, say mê học tập và tỷ lệ huy động học sinh ra lớp do thầy phụ trách luôn ở mức cao. Để có những tiết dạy hấp dẫn, thầy giáo Phong tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu lịch sử do tỉnh và huyện tổ chức, từ đó thầy có thêm kiến thức chuyên môn và thêm yêu quê hương Bắc Hà. Những năm học gần đây, học sinh trong đội tuyển Lịch sử, Ngữ văn do thầy giáo Phong bồi dưỡng đều đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện.
Thầy giáo Đinh Hồng Phong - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tả Củ Tỷ 2 (huyện Bắc Hà) tâm sự: Những thành công của học trò là động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn. Ở những vùng có điều kiện thuận lợi, thành tích học tập của học sinh là niềm vui của mỗi thầy cô giáo, đối với vùng khó khăn thì niềm vui ấy nhân lên bội phần.
Nhiệm vụ “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đang đặt lên vai đội ngũ nhà giáo những yêu cầu mới với trách nhiệm lớn trong dạy học và giáo dục. Mỗi thầy cô giáo theo yêu cầu đổi mới không chỉ cần giỏi về chuyên môn mà còn phải là người có năng lực sư phạm, năng lực giáo dục và truyền động lực học tập, tu dưỡng đạo đức, nhân cách tới mỗi học sinh. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh xác định là khâu then chốt trong công cuộc đổi mới giáo dục.
Nhà giáo Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo các cấp tương đối đồng bộ về cơ cấu, đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị, trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt.
Để đội ngũ giáo viên đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, thời gian qua, ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp như làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi nhanh tư duy và nhận thức của đội ngũ về sự cần thiết đổi mới giáo dục và đào tạo, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học.
Bên cạnh đó, ngành rất coi trọng việc giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức nhà giáo. Căn cứ theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn các chức danh quản lý cũng như nội quy, quy chế làm việc, quy định về đạo đức nhà giáo… ngành đánh giá thường xuyên chất lượng đội ngũ với các yêu cầu cao về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng và hiệu quả công tác, có biện pháp ngăn chặn những biểu hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo. Các nhà trường vận động đội ngũ nhà giáo tích cực thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua do ngành phát động, như “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”… với mục đích khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong đội ngũ toàn ngành.
Với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tâm huyết và sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, có tình yêu dành cho học trò với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, chắc chắn sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh sẽ tiếp tục gặt hái những thành công mới.
Việc phát triển đội ngũ cốt cán có vai trò rất quan trọng. Đây là đội ngũ nòng cốt chuyên môn, thường xuyên tiếp cận đổi mới và bồi dưỡng đại trà cho giáo viên.
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thị xã Sa Pa đã cử giáo viên cốt cán tham gia các chương trình tập huấn, đào tạo, từ đó hỗ trợ tập huấn lại cho giáo viên đại trà tại địa phương, liên tục, ngay tại chỗ. Ngoài ra, trong các đợt sinh hoạt chuyên môn tại địa phương, đội ngũ cốt cán được tiếp cận trước nội dung - có vai trò hướng dẫn, đánh giá, trao đổi kinh nghiệm với giáo viên đại trà trong dạy học chương trình mới.
Cùng với việc đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá... một khâu quan trọng khác trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới quản lý, quản trị trường học. Trong bối cảnh này, ngành giáo dục và đào tạo thị xã Sa Pa đã chú trọng giải pháp để người quản lý nhà trường đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Địa phương đã xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; tập trung làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn mức cao.
Ông Trần Ngọc Cừ, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa
Để trở thành giáo viên cần rất nhiều yếu tố, như kỹ năng sư phạm, ham học hỏi… nhưng với tôi, yếu tố quan trọng nhất là lòng yêu nghề, yêu học sinh, bởi những yếu tố khác, bản thân có thể cố gắng, nỗ lực trau dồi, học hỏi, nhưng tình yêu nghề phải xuất phát từ sự chân thành, từ trái tim biết yêu thương.
Một nhà giáo có trình độ chuyên môn cao nhưng không yêu nghề thì sẽ không có được bài giảng hay, hấp dẫn học sinh. Ngược lại, có nhiều nhà giáo có trình độ chuyên môn không cao nhưng nhờ sự yêu nghề, yêu học sinh đã giúp họ thành công trong công việc. Tôi còn nhớ câu chuyện cô giáo trẻ vùng cao sáng sớm địu con chỉ vài tháng tuổi trên lưng, vội vàng lên đường cho kịp giờ dạy tại một điểm trường lẻ, tối đến lại địu con lên lớp xóa mù chữ giữa cái lạnh thấu xương. Khi tôi hỏi động lực nào giúp cô sống trọn với nghề, cô ấy chỉ cười: “Yêu nghề, mến trẻ nên tôi thấy việc dạy học là niềm vui”.
Trước những áp lực cuộc sống, thời gian qua đã có “làn sóng” giáo viên bỏ nghề. Đây là nỗi buồn của những người làm nghề giáo. Tôi cho rằng, để giáo viên yên tâm công tác, cống hiến cho ngành giáo dục thì trước hết phải đảm bảo chất lượng cuộc sống cho họ. Do đó, Nhà nước cần có những điều chỉnh hợp lý về chính sách tiền lương, trợ cấp cho giáo viên.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lào Cai
Nhớ lại trước đây, vào tiết học, giáo viên mở cuốn sách giáo khoa ghi đầu đề bài học lên tấm bảng đen rồi cầm sách vừa giảng vừa đọc cho học sinh chép. Về nhà, học sinh bỏ vở ra học thuộc làu để hôm sau thầy cô kiểm tra “miệng” hoặc kiểm tra 15 phút, các câu hỏi phần lớn thường có sau bài học.
Giáo dục nói chung và học sinh hiện nay đang có những chuyển biến nhanh chóng. Trong các tiết học, giáo viên chỉ đóng vai trò là người dẫn dắt, gợi mở, học sinh làm chủ kiến thức. Thực tế đó đòi hỏi giáo viên phải đổi mới. Nếu không có ý thức tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ từng ngày, nếu vẫn bằng lòng với kiến thức mình có, tự tin với năng lực bản thân và thâm niên công tác đã trải qua thì chắc chắn việc tụt hậu của giáo viên khi đứng trên bục giảng là khó tránh khỏi.
Là giáo viên môn Ngữ văn, tôi luôn trăn trở làm sao để môn học này không trở thành “môn học thuộc lòng”. Đặc biệt, với điều kiện giảng dạy ở vùng cao, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên thường có tâm lý ngại giao tiếp, vì thế tôi thường lồng ghép kiến thức Ngữ văn trong tổ chức các hoạt động ghi nhật ký môn học, đóng vai các nhân vật trong tác phẩm văn học để kể chuyện dân gian, đọc thơ, ca dao… Tôi còn xây dựng thêm các trò chơi nhỏ vận dụng theo từng bài học để khơi dậy sự hứng thú, tự tin của học sinh. Nhờ tích cực đổi mới, các tiết học của tôi được học sinh hưởng ứng nhiệt tình.
Cô giáo Nguyễn Thị Thủy, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Pa Cheo, huyện Bát Xát
Môi trường giáo dục hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến phản ứng của phụ huynh. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế chiều con quá mức, chưa quan tâm dạy bảo con, phó mặc cho nhà trường, nhất là trong cách ứng xử còn thiếu sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, vất vả mà giáo viên phải đối mặt. Nhiều phụ huynh sẵn sàng đến trường đe dọa, hành hung thầy cô giáo. Thay vì tìm hiểu rõ ràng, đúng - sai, tìm ra cách giải quyết tốt nhất thì họ lại quay clip, chụp ảnh đưa lên mạng xã hội với mục đích chủ yếu đả kích, phê phán…
Xưa và nay, lúc nào vị thế của người thầy cũng được xã hội trân trọng. Thế nhưng thực tế, đời sống của nhiều giáo viên còn khó khăn, áp lực. Áp lực đến từ việc giảng dạy kiến thức chuyên môn, áp lực từ sự đổi mới đòi hỏi giáo viên phải thay đổi để thích ứng. Áp lực còn đến từ phụ huynh và xã hội bởi giáo dục luôn được xã hội quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng. Những áp lực đó đè nặng lên vai các thầy cô giáo khiến không ít người “chùn chân, mỏi gối” và quyết định bỏ nghề. Cho nên, xã hội cần có cái nhìn cởi mở hơn, đồng hành và thấu hiểu các thầy cô để họ vững tâm cống hiến.
Bản thân tôi luôn chủ động liên lạc với giáo viên để nắm tình hình học tập của con cũng như các mối quan hệ của con trên lớp. Ngược lại, khi có sự việc xảy ra tại trường, giáo viên sẽ kịp thời thông tin cho gia đình để cùng tìm hướng xử lý. Tôi tin rằng mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường ngày càng khăng khít, gắn bó sẽ càng mang đến những điều tốt đẹp nhất cho con em mình.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/xay-dung-doi-ngu-giao-vien-vua-hong-vua-chuyen-post376205.html