Xây dựng đội ngũ luật sư công Việt Nam: Cần trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng từ cọ xát thực tế
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc xây dựng đội ngũ luật sư công hỗ trợ Chính phủ giải quyết các tranh chấp phát sinh từ việc tham gia một số quan hệ quốc tế là rất quan trọng. Trước những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế, việc đào tạo đội ngũ luật sư công không chỉ dừng lại ở trau dồi kiến thức chuyên sâu mà còn cần rèn luyện thêm nhiều kỹ năng nhờ tăng cường cọ xát thực tế.
Chú trọng phát triển đội ngũ luật sư công
Góp ý xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi), PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu sáng tạo (Trường Đại học Ngoại thương) cho rằng, hình thành đội ngũ luật sư công cũng như tạo hành lang pháp lý cho đội ngũ luật sư công hoạt động hiệu quả là cần thiết trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay. Sự cần thiết này được xem xét từ cả các góc độ quan hệ pháp luật trong nước và quan hệ pháp luật quốc tế mà các cơ quan nhà nước tham gia.
Theo đó, từ góc độ các quan hệ pháp luật trong nước, các cơ quan nhà nước là một chủ thể pháp luật quan trọng, tham gia vào nhiều loại quan hệ pháp luật, từ hành chính đến dân sự, thương mại, trong đó có những quan hệ rất phức tạp, có thể vượt quá hiểu biết và kinh nghiệm của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tham gia. Trong nhiều hoạt động kinh tế, cơ quan nhà nước phải ký kết những hợp đồng có giá trị lớn, với nhiều điều khoản pháp lý, kỹ thuật lắt léo, không dễ hiểu. Sự tham gia của luật sư công, với các kiến thức chuyên môn sâu, tư vấn ngay từ đầu, sẽ góp phần phòng tránh, giảm thiểu những rủi ro, tranh chấp trong quá trình thực hiện.
Từ góc độ các quan hệ pháp luật quốc tế, Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước quốc tế cũng như tham gia vào các quan hệ quốc tế trong nhiều lĩnh vực, như thương mại, đầu tư, bảo vệ môi trường, phòng, chống biến đổi khí hậu, lao động, luật biển, an ninh quốc phòng, quyền con người... đều mang tính phức tạp, cần có những hiểu biết và kỹ năng chuyên biệt đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan. Chỉ riêng trong lĩnh vực về thương mại và đầu tư, quá trình thực hiện các cam kết trong hiệp định thương mại tự do, trong hiệp định đầu tư quốc tế... đã, đang và sẽ phát sinh tranh chấp giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ, nhà đầu tư nước ngoài.
Để giải quyết tốt những tranh chấp này, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, trong những vụ tranh chấp đã xảy ra, các cơ quan nhà nước có liên quan thường sử dụng luật sư tư vấn, tranh tụng của nước ngoài với chi phí không rẻ. Do đó, Việt Nam nên chú trọng phát triển đội ngũ luật sư công.
Cần nhiều cơ chế, chính sách cho luật sư công
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, có thể thấy khi đội ngũ luật sư công được xây dựng, họ sẽ có hai vai trò chính là tư vấn và tranh tụng. Về vai trò tư vấn, luật sư công có thể tư vấn cho các cơ quan nhà nước khi đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước quốc tế trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Vai trò tư vấn cũng có thể thực hiện khi ký kết, thực hiện những hợp đồng quan trọng với chủ thể nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc tranh chấp phát sinh từ việc tham gia một số quan hệ quốc tế là không thể tránh khỏi. Lấy dẫn chứng từ thực tế Việt Nam là nguyên đơn trong 05 vụ tranh chấp được đưa ra giải quyết tại Tổ chức Thương mại thế giới - WTO (trong đó có 04 vụ với Hoa Kỳ, 01 vụ với Indonesia); Chính phủ Việt Nam là bị đơn trong 13 vụ tranh chấp đầu tư quốc tế mà nhà đầu tư nước ngoài khởi xướng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà nhấn mạnh, trong tương lai, tranh chấp có thể tiếp tục phát sinh trong hai lĩnh vực quan trọng này, do đó, đội ngũ luật sư công có thể đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia tranh tụng mà không cần thuê luật sư quốc tế.
Khẳng định Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ luật sư công từ lâu, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà cho biết, ngay sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã xây dựng và triển khai đề án về phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế. Hoạt động này đến nay vẫn tiếp tục được đẩy mạnh và đã thu được những kết quả tích cực trong việc gia tăng số lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, từ đó góp phần phát triển thị trường dịch vụ pháp lý Việt Nam và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Nhà nước Việt Nam, tổ chức, công dân Việt Nam.
Tuy nhiên, để đội ngũ luật sư công hoạt động hiệu quả, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà kiến nghị cần được xem xét, bổ sung vào Luật Luật sư (sửa đổi) một số cơ chế, chính sách cho đội ngũ luật sư công như: thể chế hóa vai trò cụ thể của luật sư công cũng như các yêu cầu về trình độ, kỹ năng, ngoại ngữ của luật sư công; quy định về trình tự, thủ tục thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ luật sư công; xây dựng cơ chế tài chính phù hợp cho việc sử dụng dịch vụ pháp lý từ đội ngũ luật sư công; các cơ chế, chính sách thuận lợi cho việc đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng và trình độ ngoại ngữ của luật sư công; đạo đức nghề nghiệp của luật sư công...
Tăng cường cọ xát thực tế
Tham gia vào các quan hệ pháp luật quốc tế đòi hỏi đội ngũ luật sư công phải có hiểu biết chuyên sâu về quy định pháp luật quốc tế và quy định pháp luật của các quốc gia nước ngoài; kỹ năng tư vấn/tranh tụng ở môi trường quốc tế và trình độ ngoại ngữ. Vậy làm thế nào để đội ngũ luật sư công có kiến thức chuyên sâu về các mối quan hệ quốc tế là một trong những yêu cầu rất quan trọng để đào tạo được đội ngũ luật sư công trong bối cảnh hiện nay.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, bên cạnh việc trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ, một trong những vấn đề quan trọng để phát triển đội ngũ luật sư công đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của quốc tế là tăng cường cọ xát thực tế.
“Kinh nghiệm của một số quốc gia như Trung Quốc, Brazil cho thấy, họ đã triển khai khá thành công chiến lược “learning by doing”, cho phép đội ngũ luật sư trẻ ở trong nước tham gia các phái đoàn đại diện thường trực tại WTO, tham gia vào các công việc của phái đoàn, cũng như tham gia chuẩn bị các bản đệ trình viết hoặc nói cho những vụ tranh chấp mà những nước này tham gia với tư cách bên thứ ba tại WTO. Từ đó, Trung Quốc đã đào tạo được đội ngũ luật sư có thể hỗ trợ cho Chính phủ trong nhiều vụ việc mà ở đó Trung Quốc là nguyên đơn hay bị đơn tại WTO. Đây là kinh nghiệm mà Việt Nam có thể xem xét để áp dụng”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà cho biết.
Đối với nhiều tranh chấp thương mại quốc tế của Việt Nam, dù là nguyên đơn hay bị đơn, Việt Nam đều sử dụng đội ngũ luật sư nước ngoài, còn đội ngũ luật sư trong nước tham gia với vai trò khá hạn chế, vì vậy, việc đẩy mạnh sự tham gia của đội ngũ luật sư công có kiến thức, trình độ, ngoại ngữ... là một khía cạnh quan trọng để hỗ trợ cho Việt Nam trong tương lai giải quyết tốt những tranh chấp này.
Để tham gia vào các cuộc tố tụng quốc tế, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, việc trau dồi kiến thức và kỹ năng cần được quan tâm ở nhiều cấp độ khác nhau, từ bậc cử nhân đến kỹ năng hành nghề luật sư. Đối với đào tạo bậc cử nhân, Trường Đại học Ngoại thương hiện đang triển khai hai chương trình đào tạo cử nhân luật về luật thương mại quốc tế và luật kinh doanh quốc tế. Một trong những vị trí việc làm mà hai chương trình này hướng tới là sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể học tiếp để trở thành luật sư, trong đó có luật sư công tham gia tranh tụng quốc tế. Do đó, nhà trường rất chú trọng trong việc cung cấp các kiến thức pháp lý chuyên môn chuyên sâu cho sinh viên trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và kinh doanh quốc tế. Đây là những kiến thức rất cần thiết cho luật sư công tranh tụng quốc tế.
Ngoài ra, nhiều hoạt động thực tiễn nhằm trang bị, rèn luyện cho sinh viên cũng đã được triển khai, như các buổi đào tạo về kỹ năng tư vấn, tranh tụng; các cuộc thi diễn án giả định (như FDI moot, WTO moot, CISG moot...) được tổ chức hoặc khuyến khích sinh viên tham gia để sinh viên có cơ hội cọ xát thực tế, tăng cường cơ hội kết nối, chia sẻ, học hỏi từ luật sư có nhiều năm kinh nghiệm; các hoạt động tư vấn pháp luật cộng đồng giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề pháp lý thực tế...
Bên cạnh đó, tiếng Anh pháp lý là một trong những nội dung được nhà trường quan tâm đào tạo cho sinh viên với thời lượng lớn, từ đó, giúp cho sinh viên có cơ hội trau dồi ngôn ngữ và kỹ năng sử dụng tiếng Anh pháp lý trong tư vấn và tranh tụng.