Kon Tum: Tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum, từ năm 2022 đến cuối năm 2024, tỉnh Kon Tum đã giảm 277 biên chế, trong đó có 96 công chức và 181 viên chức thuộc khối chính quyền địa phương.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW để đánh giá kết quả thực hiện cũng như đề ra giải pháp tinh gọn bộ máy trong thời gian sắp tới. (Ảnh: Du Toán/Vietnam+)

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW để đánh giá kết quả thực hiện cũng như đề ra giải pháp tinh gọn bộ máy trong thời gian sắp tới. (Ảnh: Du Toán/Vietnam+)

Thực hiện công tác tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW, Nghị quyết 39-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, những năm qua, tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh việc sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp với công việc; đồng thời tiết giảm một số nhân sự, vị trí.

Qua đó, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, là tiền đề để tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy cho giai đoạn tiếp theo, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Theo ông Võ Sỹ Chung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum, từ năm 2022 đến cuối năm 2024, tỉnh Kon Tum đã giảm 277 biên chế, trong đó có 96 công chức và 181 viên chức thuộc khối chính quyền địa phương.

Tỉnh đã sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; hợp nhất Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh thành Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; bố trí bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn; tổ chức lại Văn phòng Tỉnh ủy.

10/10 huyện, thành phố có trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Chính trị cấp huyện; 9/10 huyện có trưởng Ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện; bố trí Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, 4/10 bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân; thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tại Đảng bộ xã Đăk Pét (huyện Đăk Glei) và thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô).

Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức lại 19/20 cơ quan chuyên môn, giảm 43 đơn vị trực thuộc, 32 cấp trưởng, 37 cấp phó, 56 phòng chuyên môn; thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh. Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 117 đơn vị thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh; sáp nhập còn 756 thôn, tổ dân phố, giảm 118 thôn, tổ dân phố.

Riêng trong năm 2024, tiếp tục tổ chức lại 3 cơ quan để phù hợp với các quy định mới của Trung ương và đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Đối với đơn vị sự nghiệp, sau khi sắp xếp đã giảm 35 đơn vị; chuyển 1 đơn vị sự nghiệp thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

 Việc đưa công việc tiếp nhận và trả hồ sơ của các đơn vị tập trung về Trung tâm dịch vụ hành chính công giúp Kon Tum tinh giản biên chế. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Việc đưa công việc tiếp nhận và trả hồ sơ của các đơn vị tập trung về Trung tâm dịch vụ hành chính công giúp Kon Tum tinh giản biên chế. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

“Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã mang lại những tín hiệu tích cực. Sau sắp xếp, bộ máy ngày càng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ; việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc rà soát, bố trí công chức, viên chức cho phù hợp với vị trí việc làm,” ông Võ Sỹ Chung đánh giá.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum cũng cho biết, trong quá trình sắp xếp, do Trung ương thường xuyên ban hành văn bản để hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, các đơn vị, địa phương đồng thuận trong việc thực hiện nên việc sắp xếp, tinh gọn gặp nhiều thuận lợi.

Tuy nhiên, không phủ nhận quá trình sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn còn gặp nhiều khó khăn. Điển hình là một số ngành, lĩnh vực chưa được Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản thiết yếu, sử dụng ngân sách Nhà nước nên việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh nên việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết 19-NQ/TW còn mang tính cơ học, sau khi sắp xếp nhiều đơn vị còn gặp khó khăn về biên chế để thực hiện nhiệm vụ; các đơn vị địa phương lập hồ sơ đề nghị tinh giản biên chế chủ yếu là theo hình thức tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các mục tiêu về tự chủ tài chính trong đơn vị sự nghiệp công lập gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với tỉnh có điều kiện kinh tế, xã hội, thu nhập của nhân dân còn khó khăn như tỉnh Kon Tum. Điều này khiến khả năng xã hội hóa, huy động, khai thác nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập không được thuận lợi như các tỉnh vùng đồng bằng và các tỉnh có tiềm lực, lợi thế phát triển kinh tế, thu nhập cao.

Ngoài ra, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên và tập trung ở lĩnh vực giáo dục và đào tạo, có chức năng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu theo yêu cầu bảo đảm đủ ngân sách để thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

Theo ông Võ Sỹ Chung, trong năm 2025, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục chỉ đạo và thực hiện có lộ trình công tác tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 theo đúng quy định tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 79-KH/TU ngày 13/1/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quản lý và sử dụng biên chế giai đoạn 2023-2026.

“Tỉnh Kon Tum xác định, đến năm 2026, toàn hệ thống chính trị tỉnh tiếp tục tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức, tương đương với giảm 96 biên chế và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tương đương với 1.426 biên chế. Trong nhiệm kỳ 2025-2030, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiện việc tinh giản biên chế theo chỉ đạo, hướng dẫn của cấp có thẩm quyền để tiếp tục cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức cho phù hợp với nhu cầu và tình hình mới,” Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum khẳng định.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 8, Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum khóa XII, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang Năm phát biểu, 2025 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2020-2025, khối lượng công việc mà các đơn vị, địa phương phải thực hiện là rất lớn. Cùng với việc làm tốt công tác chỉ đạo, chuẩn bị mọi điều kiện, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu mà đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra, tỉnh cần phải thực hiện hai nhiệm vụ rất quan trọng là sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị và xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh...

 Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang đặc biệt yêu cầu các cấp, ban ngành của tỉnh thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy trong thời gian đến. (Ảnh: Dư Toán/Vietnam+)

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang đặc biệt yêu cầu các cấp, ban ngành của tỉnh thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy trong thời gian đến. (Ảnh: Dư Toán/Vietnam+)

“Ngay sau khi có chủ trương, chỉ đạo chính thức của Trung ương về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Tôi đề nghị các cấp, các ngành, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân, mà trước hết là các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh là thủ trưởng, người đứng đầu các địa phương, đơn vị phải quán triệt, gương mẫu triển khai thực hiện thật tốt chủ trương đặc biệt quan trọng này,” Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang nhấn mạnh.

Sáng 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.” Tại Hội nghị này, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang tiếp tục lưu ý, các cán bộ, công chức, viên chức phải xác định sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách về tinh mạng gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cần khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”; cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cấp cơ sở.

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang nhấn mạnh, phải xác định việc đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả là hết sức cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế sâu sắc góp phần vào sự phát triển của tỉnh nói riêng và của đất nước nói chung; quá trình triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải bảo đảm quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/kon-tum-tinh-gian-bien-che-tinh-gon-bo-may-post1002374.vnp