Xây dựng đội ngũ người làm báo Thủ đô giỏi về chuyên môn, vững về phẩm chất

Trong xã hội mà thông tin được đặt ra như một nhu cầu không thể thiếu, thì báo chí, với tư cách là phương tiện truyền thông đại chúng và là nguồn cung thông tin, luôn có vai trò hết sức trọng yếu. Với những người làm báo, đặc biệt là người làm báo Thủ đô, bên cạnh tạo ra những tác phẩm báo chí có tính phát hiện thì nhiệm vụ đặt ra hiện tại là phải luôn vững về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, hoàn thành sứ mệnh cao cả là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng. Đây là một trong những chia sẻ của ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023).

Phóng viên: Thưa ông, trong nghề báo, có lẽ khó nhất và giá trị nhất là tạo ra những tác phẩm báo chí có tính phát hiện - phát hiện những cái hay, cái mới, cái lạ, cái có giá trị... và để làm được những điều này, yếu tố khoa học công nghệ là không thể tách rời. Là nhà báo đi trước, ông nhận xét như thế nào về quan điểm người làm báo hiện tại đã và đang có những điều kiện tốt hơn so với các bậc cha, chú trước kia?

Ông Kiều Thanh Hùng: Qua quan sát của tôi, đất nước, Thủ đô đã và đang có bước phát triển khá và toàn diện về mọi mặt. Đây là tiền đề, nền tảng rất tốt cho báo chí Thủ đô nói riêng và đội ngũ người làm báo nói chung.

Bởi xét tổng thể, với xu thế chung, khi hội nhập sâu rộng thì công nghệ càng phát triển thì báo chí càng hưởng lợi. Không như những lĩnh vực khác, báo chí phải tiên phong “bắt nhịp” với xu hướng công nghệ trên thế giới và phải hội nhập.

Ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội trong buổi tập huấn về kỹ năng trình bày tác phẩm báo chí hiện đại.

Ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội trong buổi tập huấn về kỹ năng trình bày tác phẩm báo chí hiện đại.

Với đội ngũ phóng viên, nhà báo trẻ, tôi cho rằng họ đang có nhiều lợi thế hơn các thế hệ người làm báo thời điểm chúng tôi. Lợi thế dễ thấy nhất là tuổi trẻ. Ở những nhà báo trẻ hiện nay, họ luôn thể hiện được tinh thần xung kích, sáng tạo, ham đổi mới, ham học hỏi, khám phá để khẳng định bản thân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, trong xu thế hội nhập như hiện nay, nhà báo trẻ sẽ có điều kiện phát triển hơn, có cơ hội tiếp cận gần hơn với thế giới. Họ có thêm “chìa khóa” mở cửa thế giới đó là công nghệ thông tin, là ngoại ngữ, là khoa học công nghệ, là sự tìm hiểu những thay đổi của thế giới.

Phóng viên: Những điều kiện thuận lợi như ông vừa đề cập liệu có phải là thách thức với những người làm báo trẻ?

Ông Kiều Thanh Hùng: Dĩ nhiên rồi, trong bối cảnh nhiều điều kiện thuận lợi như tôi nói song đó cũng là thách thức. Nhà báo hoàn toàn có thể bị tụt hậu nếu cứ cứng nhắc, không tự thay đổi và không tự hoàn thiện để theo kịp đời sống thực tế.

Ví dụ như mạng xã hội, nếu như không có sự kiểm soát thông tin thì hoàn toàn có thể bị mạng xã hội cuốn đi. Trên mạng xã hội, mỗi người hoàn toàn có thể là một Tổng Biên tập, một phóng viên hay rộng hơn là một tòa soạn. Họ có thể làm tất cả mọi thứ.

Thế nhưng, về bản chất, mạng xã hội là nguồn thông tin khổng lồ để các nhà báo nắm bắt tình hình nhưng nó không thể thay thế được thực tiễn. Cuộc sống thực vẫn là nguồn chất liệu, dữ liệu cho các nhà báo tìm hiểu, khai thác và viết bài hay làm chương trình. Những tác phẩm báo chí đích thực không thể tách rời hiện thực cuộc sống được.

Phóng viên: Ông có lời khuyên nào giúp các nhà báo trẻ càng thêm trân quý và có động lực để yêu và “say” nghề?

Ông Kiều Thanh Hùng: Tôi phải khẳng định, đội ngũ nhà báo trẻ đang làm rất tốt. Tuy nhiên, trong quá trình thể hiện và phát huy năng lực, sức trẻ, những nhà báo trẻ rất cần sự chậm lại.

Nhà báo trẻ cần chậm lại một chút để có thể trau dồi bản lĩnh, học hỏi kinh nghiệm của lớp đàn anh. Sự chậm lại này sẽ lắng về chất, giúp nhà báo trẻ có thời gian để tự rèn luyện, nâng cao và có sự vững chắc hơn trong nghề.

Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội cùng đoàn phóng viên báo chí trong một chuyến công tác.

Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội cùng đoàn phóng viên báo chí trong một chuyến công tác.

Lời khuyên tôi giành cho những người làm báo trẻ là cần luôn luôn học hỏi. Nghề báo là nghề nghiệp đặc thù, bởi vậy cần học hỏi không ngừng. Trong làm báo, yếu tố quan trọng là tính Đảng. Nhà báo trẻ cần nắm vững điều này để rèn luyện lập trường và phải biết đặt lợi ích của Đảng, dân tộc, hòa bình tổ quốc lên trên hết. Phải luôn tu dưỡng, tự hoàn thiện trở thành nhà báo có văn hóa.

Phóng viên: Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông có gửi gắm điều gì đến đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Lao động Thủ đô nói riêng, các cơ quan báo chí Thủ đô nói chung?

Ông Kiều Thanh Hùng: Báo chí đã và đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới một cách toàn diện, sâu sắc. Bên cạnh các yêu cầu nhanh, chính xác, khách quan, trung thực thì độc giả cũng yêu cầu cao về sự tin cậy, thực sự có tâm của những người làm nghề. Nguồn thông tin phải kịp thời, tích hợp cao, có nhiều loại hình trong một sản phẩm.

Báo Lao động Thủ đô đã và đang tiếp cận tốt với những sản phẩm báo chí đa phương tiện, là tờ báo mạnh của Thủ đô và có vị trí riêng trong bản đồ báo chí cả nước. Đây là ưu thế và tôi rất hi vọng Báo sẽ tiếp tục phát huy những ưu thế này để không phụ lòng tin yêu của bạn đọc cũng như công chúng báo chí cả nước.

Tôi cũng mong muốn các cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo chí Thủ đô luôn là người lính xung kích trên mặt trận thông tin, tư tưởng; không ngừng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, quan điểm lập trường cũng như nghiệp vụ làm báo.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xay-dung-doi-ngu-nguoi-lam-bao-thu-do-gioi-ve-chuyen-mon-vung-ve-pham-chat-157311.html