Xây dựng đội ngũ nhân lực 'vừa hồng vừa chuyên' tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Tại Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là giải pháp căn cơ, quyết định đến sự phát triển bền vững của đơn vị trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi công nghệ mạnh mẽ hiện nay.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nghe báo cáo về hoạt động sản xuất kinh doanh tại NMNĐ Thái Bình 2 trong 6 tháng đầu năm 2025
Quán triệt tinh thần của các nghị quyết Trung ương và lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, Đảng bộ và Ban lãnh đạo NMNĐ Thái Bình 2 xác định, công tác đào tạo nhân sự không chỉ là quản lý con người mà còn là tổ chức, phát triển lực lượng cốt lõi quyết định sự vận hành an toàn và tin cậy của Nhà máy. Trong điều kiện sản xuất đặc thù, đòi hỏi vận hành liên tục, khép kín với sự tham gia của nhiều bộ phận và thiết bị công nghệ cao, người lao động tại NMNĐ Thái Bình 2 vừa cần có trình độ chuyên môn tốt, vừa cần phải thích ứng nhanh với các công nghệ số, tự động hóa, yêu cầu phân tích, xử lý dữ liệu trong thời đại công nghiệp 4.0.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
Sau hai năm chính thức đi vào hoạt động, đội ngũ nhân sự của NMNĐ Thái Bình 2 đã dần ổn định với gần 500 lao động, được đào tạo đa ngành phù hợp với các phân xưởng và phòng/ban chức năng.
Đối với các nhà máy cùng công suất như NMNĐ Quảng Ninh (EVN) hay BOT Mông Dương 2, NMNĐ Thái Bình 2 hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống đào tạo nội bộ, triển khai số hóa và tối ưu hóa vận hành. Tuy nhiên, việc thiếu hụt các kỹ sư chuyên sâu về phân tích dữ liệu, vận hành thông minh, bảo dưỡng dự đoán cũng là rào cản đáng kể đối với yêu cầu phát triển của ngành.
Trước thực trạng đó, NMNĐ Thái Bình 2 đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu mới của công tác vận hành và bảo dưỡng sửa chữa tại Nhà máy. Trọng tâm là thực hiện tái cơ cấu tổ chức nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp; rà soát toàn bộ đội ngũ, phân nhóm theo năng lực, sở trường, trình độ để có chiến lược đào tạo phù hợp.
Từ tháng 5/2025, tổ công tác chuyên trách tại Nhà máy đã được thành lập để rà soát cơ cấu nhân sự, hoàn tất bố trí, phân công lại lao động giữa các phòng/phân xưởng trong năm 2025. Điểm nhấn của chương trình là việc áp dụng hệ thống KPI nhằm đo lường hiệu quả công việc theo dữ liệu thực tế, từ đó vừa phục vụ quản trị nhân sự, vừa là căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo chuyên sâu hoặc đào tạo lại.
Bên cạnh đó, NMNĐ Thái Bình 2 cũng đang đẩy mạnh chuẩn hóa quy trình đào tạo nội bộ với 7 bước từ khảo sát nhu cầu đến duy trì, cập nhật chương trình. Đặc biệt, phương pháp “đào tạo tại chỗ” (On-the-job training) và mô phỏng vận hành (Simulation Training) sẽ được áp dụng rộng rãi từ năm 2026, hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực thực tế, làm chủ công nghệ và thích nghi nhanh với biến động trong sản xuất.
Những bài học quý báu từ thực tiễn hai năm vận hành cũng cho thấy việc giữ chân và phát huy đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề cần được thực hiện song hành với xây dựng văn hóa doanh nghiệp “Một đội ngũ - Một mục tiêu”; đào tạo gắn với thực tiễn; phát triển đội ngũ giảng viên nội bộ; khuyến khích cán bộ tự học nâng cao tay nghề và liên tục cập nhật những xu thế công nghệ mới trong ngành điện.

NMNĐ Thái Bình 2 đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu mới của công tác vận hành và bảo dưỡng sửa chữa tại Nhà máy.
Nhằm bảo đảm cho chiến lược phát triển nhân sự được thực hiện hiệu quả, NMNĐ Thái Bình 2 cũng đề ra một số nội dung then chốt. Trước hết là phân cấp mạnh mẽ cho Nhà máy trong việc bố trí, sắp xếp và đào tạo nhân sự theo đặc thù thực tiễn từng phòng/phân xưởng. Bên cạnh đó, cần xây dựng tiêu chí tuyển dụng mới dựa trên năng lực thay vì bằng cấp, tạo điều kiện lựa chọn ứng viên tiềm năng, phù hợp với định hướng chuyên sâu, hiện đại hóa của ngành điện.
Nhà máy cũng hướng đến liên kết với các cơ sở đào tạo lớn như Đại học Bách khoa, Đại học Công nghiệp, FPT... và các trung tâm dạy nghề uy tín, qua đó hình thành hệ sinh thái nhân lực đầu vào chất lượng cao. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tiếp cận chương trình đào tạo tiên tiến, mở rộng cơ hội phát triển nghề nghiệp cho cán bộ kỹ thuật và chuyên gia tương lai. Cùng với đó là yêu cầu cập nhật, linh hoạt hóa các chính sách tiền lương, phúc lợi, nhằm tạo môi trường làm việc hấp dẫn và giữ chân người lao động giỏi.
Xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao chính là lời giải dài hạn và bền vững nhất cho bài toán vận hành NMNĐ hiện đại trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số 4.0. Tại NMNĐ Thái Bình 2, quá trình này đang được triển khai với tinh thần cầu thị, bài bản, từng bước đi vào đời sống của CBCNV. Với quyết tâm chính trị của Đảng bộ, sự đồng hành của Ban Giám đốc và nỗ lực không ngừng của tập thể CBCNV, NMNĐ Thái Bình 2 đang tạo dựng nền tảng nhân sự vững chắc, đưa Nhà máy tiếp tục vận hành ổn định, hiệu quả, phát triển bền vững trong hành trình đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
H.N