Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật để phát triển bền vững kinh tế biển
Thời gian qua, nhất là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Quảng Trị đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhiều dự án hạ tầng được hoàn thành đưa vào sử dụng, nhiều dự án trọng điểm đang được tập trung, huy động nguồn lực đầu tư, trong đó hệ thống đê, kè biển được đầu tư năm 2021 với tổng nguồn vốn 170 tỉ đồng cho 4 công trình gồm khắc phục sạt lở đê biển Vĩnh Thái; sửa chữa khẩn cấp kè biển Vịnh Mốc, Vĩnh Thạch (cũ), Vĩnh Linh; sửa chữa khẩn cấp kè Cửa Việt; nâng cấp, củng cố hệ thống đê biển tỉnh Quảng Trị và đã đưa vào sử dụng 34 km đê, kè.
Cùng với đó, tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng đường giao thông phục vụ phát triển kinh tế biển với tổng nguồn vốn lên đến 2.160 tỉ đồng cho 2 tuyến đường lớn có tính liên kết vùng để phát triển với chiều dài gần 63 km gồm dự án đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, tỉnh Quảng Trị giai đoạn 1 là 2.060 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương 1.643,612 tỉ đồng, ngân sách tỉnh 416,388 tỉ đồng; dự án đường kết nối trung tâm huyện Vĩnh Linh đến các xã ven biển, hạ tầng Khu du lịch Cửa Tùng và bãi tắm cộng đồng Vĩnh Thái, giai đoạn 1 là 110 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương 82,5 tỉ đồng, ngân sách huyện 27,5 tỉ đồng; hoàn thành thủ tục để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn tuyến qua khu vực cầu Cửa Tùng và Cửa Việt.
Bên cạnh đó, tỉnh điều chỉnh quy hoạch một số tuyến đường kết nối với khu vực ven biển, đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 một số tuyến đường như nâng cấp mở rộng đường tỉnh 582B đoạn từ Quốc lộ 1 đến cảng Mỹ Thủy đủ mặt cắt 70m, đường nối sân bay Quảng Trị đến đường ven biển tỉnh, đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, tỉnh Quảng Trị. Dự án Cảng hàng không Quảng Trị được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), quy mô sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, diện tích 316,6 ha.
Về dự án thành phần 1 giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ quan nhà nước tại cảng hàng không, trong đó dự án giải phóng mặt bằng đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND tỉnh phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 233,103 tỉ đồng. Dự án thành phần 2 xây dựng cảng hàng không đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi với tổng mức đầu tư 5.821 tỉ đồng, đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư và tổ chức lễ khởi động dự án vào ngày 15/12/2023. Việc triển khai dự án Cảng hàng không Quảng Trị và trục đường kết nối sân bay Quảng Trị - đường ven biển - Quốc lộ 9D, Quốc lộ 49C nhằm kết nối Quốc lộ 1- sân bay- Khu du lịch Cửa Tùng - Cửa Việt - cảng biển Mỹ Thủy, tạo sự kết nối và bứt phá trong phát triển KT-XH của tỉnh.
Mặt khác, tỉnh cũng đã thu hút đầu tư, xây dựng khu bến cảng biển Mỹ Thủy, khu bến cảng Cửa Việt, khu bến cảng Vịnh Mốc, đồng thời nạo vét luồng hàng hải Cửa Việt, sửa chữa nâng cấp các tuyến đường huyện đảo Cồn Cỏ, đường nối cảng Cửa Việt cũng như đề xuất nâng cấp, mở rộng cảng cá đảo Cồn Cỏ, cảng cá Cửa Tùng, cảng Đông Hà và xây dựng dự án nạo vét luồng từ cảng Đông Hà đến Cửa Việt, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư cầu cảng số 3 (cảng Cửa Việt), bến số 4 bờ Bắc, các bến bờ Nam cảng Cửa Việt, mở tuyến vận tải biển Cửa ViệtCồn Cỏ.
Hiện nay tỉnh đang tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ Ngân hàng ADB theo dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, giai đoạn II gồm 4 hợp phần: đầu tư hạ tầng du lịch bãi tắm Trung Giang; đầu tư hạ tầng du lịch bãi tắm Gio Hải; đầu tư hạ tầng du lịch bãi tắm Cửa Việt và đầu tư hạ tầng cảng du lịch Cửa Việt với tổng mức đầu tư 11,434 triệu USD.
Tỉnh đang triển khai rà soát, điều chỉnh và tích hợp vào quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch sử dụng không gian biển của tỉnh, đồng thời tổ chức lập quy hoạch khu đô thị ven biển; rà soát, điều chỉnh, xây dựng mới đồng bộ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển và hải đảo của tỉnh và các tỉnh lân cận cũng như hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến 2030, kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Các khu du lịch lớn đã được tỉnh quyết định phê duyệt quy hoạch và chỉ đạo đầu tư cơ sở hạ tầng gồm Khu dịch vụ- du lịch Cửa Việt (191,17 ha), Khu du lịch Cửa Tùng (135 ha), Khu dịch vụ- du lịch ven biển Cửa Tùng- Cửa Việt (746,17ha), Khu dịch vụ - du lịch ven biển Cửa Tùng - Địa đạo Vịnh Mốc (174,5 ha), Khu dịch vụ- du lịch Vĩnh Thái (518 ha), Khu du lịch huyện đảo Cồn Cỏ (45,49 ha), Cảng hàng không Quảng Trị (594 ha), Khu dịch vụ du lịch Triệu An - Triệu Vân (300 ha)... Nhờ kết cấu hạ tầng kỹ thuật phát triển nên rất thuận lợi trong thu hút đầu tư tại tỉnh. Đến nay, số dự án đầu tư từ nguồn xã hội hóa vào các cụm ven biển và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị là 32 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 9.500 tỉ đồng.
Để đạt được kết quả đó, ngày 24/4/2019 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 144 về việc thực hiện Nghị quyết số 36 ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; UBND tỉnh có Quyết định số 1540 ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy. Theo đó, tỉnh xác định giải pháp để phát triển các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên công nghiệp ven biển, du lịch và dịch vụ biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, năng lượng tái tạo.
UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam trên địa bàn tỉnh và ban hành kế hoạch thực hiện tổng thể, kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36 của trung ương xây dựng vùng ven bờ của tỉnh trở thành vùng phát triển kinh tế năng động, chủ động hội nhập, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng...