Xây dựng dữ liệu, công khai các giao dịch phải công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật
Vừa qua, nêu quan điểm tại Hội thảo 'Góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)' do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân tán thành không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng đồng thời bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc xây dựng dữ liệu và công bố về các giao dịch phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) có 79 điều, trong đó đã sửa đổi, bổ sung 72 điều; giữ nguyên 06 điều; bổ sung 01 điều 36a; vì vậy, số lượng điều tăng lên 01 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội. Việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng.
Không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng
Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị giữ nguyên quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật như dự thảo Luật Chính phủ trình. Theo đó, kế thừa luật hiện hành sẽ không quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng. Như vậy, đảm bảo phù hợp với tính chất của Luật công chứng là luật hình thức và tập trung quy định về trình tự, thủ tục công chứng, không điều chỉnh loại giao dịch nào phải công chứng để tránh chồng lấn với luật nội dung.
Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, hiện nay các loại giao dịch phải công chứng đang được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, chưa có quy định cụ thể loại giao dịch nào phải công chứng và loại giao dịch nào không phải công chứng. Thực tế này cũng gây khó khăn cho người dân cũng như các tổ chức trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Vì vậy, đại biểu nhất trí việc bổ sung điểm c, khoản 2 điều 71 giao Bộ Tư pháp có trách nhiệm trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để xây dựng, cập nhật công bố các giao dịch phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Quy định này sẽ tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính và đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập hiện nay.
Quy định rõ lộ trình thực hiện công chứng điện tử
Liên quan tới quy định về công chứng điện tử, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, việc bổ sung công chứng điện tử quy định tại mục 3 chương V dự thảo Luật là cần thiết nhằm ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực công chứng. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ quy định những vấn đề rất cơ bản về công chứng điện tử như khái niệm, giá trị pháp lý,… đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết những vấn đề liên quan như điều kiện cung cấp dịch vụ công chứng điện tử, văn bản công chứng điện tử, quy trình thủ tục công chứng điện tử;
Nhấn mạnh đây là nội dung mới, khi lấy ý kiến nhiều văn phòng công chứng bày tỏ băn khoăn khi triển khai trên thực tế, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị cân nhắc hết sức thận trọng, xây dựng khung pháp lý đầy đủ cho công chứng điện tử. Đồng thời, yêu cầu phải có hệ thống cơ sở dữ liệu đủ lớn làm căn cứ cho công chứng viên xác thực trong quá trình công chứng điện tử như dữ liệu về tài sản, nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin về biện pháp ngăn chặn đối với tài sản,… “Dữ liệu về công chứng là vấn đề lớn, phức tạp liên quan đến tài sản quốc gia, quyền về nhân thân, tài sản và các tài liệu liên quan đên bí mật đời tư, gia đình cần dc bảo vệ. Vì vậy, đòi hỏi hạ tầng cơ sở thông tin, chi phí quản lý vận hành cao, do đó để khả thi kiến nghị thực hiện thí điểm đối với một số giao dịch đơn giản như giấy ủy quyền, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, và có quy định rõ lộ trình thực hiện đảm bảo hoàn thiện các dữ liệu và các yếu tố có liên quan.”, đại biểu Trần Thị Vân đề xuất.
Bổ sung loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân
Về mô hình văn phòng công chứng, đây là vấn đề hiện nay vẫn có quan điểm khác nhau. Theo đó, một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về mô hình của Văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Một số ý kiến đề nghị các phương án như sau: Một là, văn phòng công chứng được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; Hai là, doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với văn phòng công chứng thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh.
Nêu quan điểm, đại biểu tỉnh Bắc Ninh đề nghị, bổ sung vào dự thảo Luật loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh theo hướng: Loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với văn phòng công chứng thành lập tại các địa bàn cấp huyện vùng sâu, vùng xa theo quy định của Chính phủ; đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đáp ứng nhu cầu yêu cầu công chứng của người dân nhất là người dân vùng sâu, vùng xa; mở rộng sự lựa chọn của công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng;... Đồng thời, lưu ý nếu quyết định lựa chọn theo phương án này, việc thiết kế các điều khoản có liên quan như điều 21, 22, 29, 31, 32, 35 cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong dự thảo Luật./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=89247