Xây dựng dự toán ngân sách năm 2021: Sát thực tế, đúng định hướng phát triển
Hiện nay các địa phương, đơn vị trong tỉnh đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự toán ngân sách năm 2021, kế hoạch tài chính 3 năm (2021 - 2023). Đây là nhiệm vụ quan trọng, là cơ sở giúp các đơn vị, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ khác có liên quan, góp phần cùng tỉnh thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra.
Năm 2020 là năm thực hiện nhiệm vụ ngân sách có nhiều biến động, khó khăn nhất trong hàng chục năm qua đối với Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung. Chi ngân sách phát sinh lớn, song nguồn thu lại giảm mạnh, dẫn đến hầu hết các tỉnh, thành phố đều mất cân đối thu - chi.
Mới đây, Quảng Ngãi đã kiến nghị Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xin cấp bổ sung cho ngân sách 3.251 tỷ đồng, để có thể hoàn thành nhiệm vụ chi ngân sách năm 2020, do nguồn thu ngân sách bị hụt. Vì thế, việc dự toán ngân sách năm 2021 chắc chắn sẽ có những thay đổi nhất định, để sát thực tế, có tính khả thi cao, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dự toán chi đầu tư phát triển sẽ được tính toán khoa học trong năm 2021. Trong ảnh: Thi công kè chống sạt lở sông Rin, đoạn qua thị trần Di Lăng (Sơn Hà).
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng dự toán ngân sách 2021 và kế hoạch tài chính đến năm 2023. Theo đó, tỉnh yêu cầu phải đánh giá khách quan thu - chi ngân sách; chi đầu tư phát triển và một số lĩnh vực chi khác, để có cơ sở xây dựng dự toán hợp lý. Ngoài những nguyên tắc chung, UBND tỉnh đề nghị trước khi xây dựng dự toán phải đánh giá, so sánh với dự toán được giao; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc do nguyên nhân chủ quan, khách quan và bài học kinh nghiệm. Những khó khăn tựu chung là do đại dịch Covid-19, với sự đóng băng của nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là thương mại - dịch vụ. Thu ngân sách hiện đối mặt với những khó khăn chưa từng thấy, do suy thoái kinh tế nhanh, nhưng khả năng phục hồi chậm.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm bình quân từ 30 - 70%. Giá dầu thế giới giảm sâu cũng đã tác động không nhỏ đến nguồn thu từ lọc dầu. Việc dự toán thu ngân sách của các địa phương và của tỉnh năm 2020 đối với lĩnh vực thu từ đất cũng gặp nhiều khó khăn, do xây dựng chưa sát thực tế, khiến cho việc thu 2.000 tỷ đồng theo dự toán khó đạt được, khi hiện chỉ thu được khoảng 20% dự toán giao.
Đối với nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, tỉnh yêu cầu tập trung vào tình hình bố trí chi, cơ chế chính sách để có dự toán đúng, cơ chế phù hợp, tạo ra đòn bẩy phát triển mạnh mẽ từ thực hiện nhiệm vụ chi này. Công tác chi này không chỉ liên quan đến thực hiện chiến lược phát triển cho cả tỉnh trong 1 năm, mà cả giai đoạn sau. Vì thế, xây dựng dự toán khoa học, sẽ mang lại những kết quả to lớn và toàn diện. Riêng đối với chi thường xuyên năm 2020, cũng có biến động so dự toán. Theo đó, thay vì cắt giảm 10% chi thường xuyên, năm nay tiếp tục cắt giảm thêm 10% chi thường xuyên vào những tháng cuối năm; cắt giảm 70% chi phí hội nghị; cắt giảm tối đa mua sắm công, nếu chưa thực sự cần thiết.
Năm 2021, dự lường kinh tế tiếp tục còn suy giảm do hậu quả của đại dịch Covid-19. Vì thế, việc xây dựng dự toán ngân sách, đặc biệt là thu ngân sách cần có những phân tích chặt chẽ, chắc chắn sẽ có những ngoại lệ, không tuân theo "năm sau cao hơn năm trước" như lâu nay. Chi ngân sách, nhất là chi đầu tư phát triển phải đúng nguyên tắc, khi đề xuất thực hiện dự án phải đề xuất nguồn vốn. Chi thường xuyên có lẽ sẽ vẫn ưu tiên thực hiện tiếp tục cắt giảm 10%, cắt giảm những khoản không cần thiết; cắt giảm mua sắm công...