Xây dựng đường giao thông từ nhựa tái chế đầu tiên tại Việt Nam
Ngày 1/10, Dow và Khu công nghiệp DEEP C hoàn tất xây dựng đoạn đường giao thông được gia cố bởi nhựa tái chế đầu tiên tại khu công nghiệp DEEP C, Hải Phòng.
Đây là kết quả hợp tác giữa Dow và DEEP C nhằm mang lại những giải pháp đổi mới, sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.
“Dow đang phát triển các ứng dụng mới cho rác thải nhựa sinh hoạt để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tạo giá trị cho nhựa và giảm thiểu rác thải ra môi trường. Dự án này cho thấy sự hợp tác đầy ấn tượng giữa các bên liên quan trong chuỗi giá trị, gắn kết chính quyền địa phương, các nhà đầu tư hạ tầng, nhà cung cấp asphalt, các đơn vị thu gom rác thải và ngành khoa học vật liệu cùng phối hợp với nhau để giải quyết vấn đề về rác thải nhựa tại Việt Nam”, ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám đốc Dow Việt Nam cho biết.
Tổng Giám đốc Khu công nghiệp DEEP C, ông Bruno Jaspaert thì nhấn mạnh: “Việc triển khai đoạn đường đầu tiên từ rác thải nhựa này là dấu mốc quan trọng trong tiến trình trở thành khu công nghiệp sinh thái đi đầu tại Việt Nam của DEEP C. Những con đường mới, bền hơn và an toàn hơn này không chỉ đem lại lợi ích cho DEEP C và các doanh nghiệp tại khu công nghiệp của chúng tôi mà còn phát đi thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường khi mà quản lý rác thải nhựa đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.”
Giai đoạn tiếp theo của dự án này sẽ được hoàn thành trong tháng 11 tới, với tổng chiều dài đoạn đường từ rác thải nhựa đạt 1,4 km. Đoạn đường này sẽ chuyển hóa tổng cộng 6,5 tấn bao bì nhựa dẻo thay vì trở thành rác thải hoặc bị chôn lấp trong các bãi xử lý rác – tương đương với hơn 1,7 triệu bao bì nhựa dẻo.
Nguồn rác thải nhựa sinh hoạt tái chế chủ yếu là bao bì nhựa dẻo như màng polyethylene, do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng (URENCO Hải Phòng) cung cấp. Rác thải nhựa được làm sạch, phơi khô và nghiền nhỏ trước khi trộn với nhựa đường asphalt ở nhiệt độ 150 – 1800C. Ở nhiệt độ này, nhựa bị nóng chảy hoàn toàn, hòa với nhựa đường, giúp nâng cao độ bền cho con đường.
Trước khi trải nhựa đường thực tế, Đại học Hàng hải Việt Nam đã thực hiện hai thí nghiệm với kết quả đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và an toàn của Việt Nam. Sau khi triển khai thành công dự án này, nhiều đoạn đường sử dụng rác thải nhựa tái chế hơn nữa sẽ được xây dựng trong các Khu công nghiệp DEEP C.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) khẳng định: “Dự án này là một ví dụ tiêu biểu cho sự đồng hành giữa doanh nghiệp và chính phủ trong chiến lược phát triển bền vững nói chung và là sự hưởng ứng kịp thời lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về chống rác thải nhựa nói riêng. Mô hình này nên được nhân rộng ở nhiều địa phương”.