Xây dựng gần 80 chương trình, đề án hỗ trợ cho sản xuất xanh

TP Hồ Chí Minh đang hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để hiện hóa mục tiêu này, TP hiện xây dựng khoảng gần 80 chương trình, đề án, chiến lược, chính sách hỗ trợ cho tất cả lĩnh vực sản xuất xanh.

Hoàn thiện khung chiến lược cho phát triển xanh

Trong khuôn khổ của diễn đàn “TP Hồ Chí Minh - Gỡ vướng cho kinh tế xanh” do báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức chiều 6/12, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho biết, TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, cửa ngõ giao lưu quốc tế của cả nước, địa phương tiên phong trong việc đề xuất và thực hiện các chính sách trọng điểm của quốc gia. TP đang hoàn thiện khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng và phát triển bền vững.

Cụ thể, khung chiến lược phát triển xanh này gồm 4 nội dung: phát triển nguồn lực xanh; xây dựng hạ tầng xanh; phát triển hành vi xanh; xác định ngành và lĩnh vực tiên phong.

Để thực hiện hóa mục tiêu này, chính quyền TP xác định xây dựng 3 trụ cột lớn. Đầu tiên là xây dựng khung pháp lý. Hiện TP đang xây dựng khoảng gần 80 chương trình, đề án, chiến lược, chính sách hỗ trợ cho tất cả lĩnh vực sản xuất xanh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại diễn đàn “TP Hồ Chí Minh - Gỡ vướng cho kinh tế xanh”, chiều 6/12

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại diễn đàn “TP Hồ Chí Minh - Gỡ vướng cho kinh tế xanh”, chiều 6/12

Song song đó, TP xây dựng bộ tiêu chí đo lường được. Theo đó, trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, du lịch, tất cả các hoạt động, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…., từng phân xưởng, nhà máy, gia đình, phải đo lường được phát thải để điều chỉnh.

Ngoài ra, TP sẽ xây dựng những mô hình mẫu, một địa phương xanh tại huyện Cần Giờ), xưởng sản xuất xanh, công trình, bệnh viện, trường học xanh.

“Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là lựa chọn tất yếu để vừa đáp ứng yêu cầu tăng trưởng, vừa góp phần đảm bảo cho người dân thành phố một môi trường sống lành mạnh và vì sự phát triển bền vững. Đây là chủ trương hoàn toàn phù hợp với những định hướng được Đại hội XIII của Đảng đề ra, và cũng là mục tiêu phát triển của Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI” - ông Nguyễn Văn Dũng nói.

Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, UBND TP vừa ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030 nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Với kế hoạch này, TP đưa ra 14 nhóm nhiệm vụ chính bao gồm tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối xanh, năng lượng xanh, nước sạch và tuần hoàn nước, tuần hoàn vật liệu, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, tòa nhà xanh và tiết kiệm năng lượng, khởi nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo xanh, mảng xanh đô thị và nông nghiệp xanh, và hệ sinh thái Cần Giờ xanh.

Chuyển đổi xanh là cơ hội vàng cho doanh nghiệp Việt Nam

Tại diễn đàn, Tiến sĩ Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cho biết, tín dụng xanh là yếu tố quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi xanh tại TP Hồ Chí Minh. Trên toàn cầu, xu hướng phát triển bền vững ngày càng được chú trọng. Các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển lâu dài phải thích ứng với xu hướng này. Tín dụng xanh giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh sang hướng bền vững hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng.

Các chuyên gia nhận định, tài chính xanh đóng vai trò quan trọng cho hoạt động doanh nghiệp trong việc đổi mới mô hình hoạt động, hướng đến chuyển đổi xanh

Các chuyên gia nhận định, tài chính xanh đóng vai trò quan trọng cho hoạt động doanh nghiệp trong việc đổi mới mô hình hoạt động, hướng đến chuyển đổi xanh

Tuy nhiên, ông Lịch cũng thẳng thắn chỉ ra rằng Việt Nam đã tiên phong trong việc ứng dụng tín dụng xanh từ năm 2015, khi Ngân hàng Nhà nước và IMF đồng loạt ban hành sổ tay hướng dẫn cho nhiều ngành và lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh cũng đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng tỉ trọng tín dụng xanh so với tổng dư nợ tín dụng vẫn còn khiêm tốn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội chuyển đổi mô hình kinh tế xanh để đưa sản phẩm xuất khẩu đi khắp thế giới.

Ông Lịch đề xuất các giải pháp như hoàn thiện khung pháp lý, đa dạng hóa sản phẩm tín dụng và nâng cao năng lực của các tổ chức tín dụng để mở rộng tiếp cận tín dụng xanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ở góc độ tổ chức tín dụng, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP Hồ Chí Minh cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện các khung pháp lý nhằm hỗ trợ phát triển xanh và đáp ứng nhu cầu vốn của kinh tế xanh. Chẳng hạn, ban hành các chính sách ưu đãi về lãi suất đối với các khoản vay xanh, khuyến khích ngân hàng tăng cường cho vay lĩnh vực này.

Một giải pháp nữa là xây dựng cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các dự án xanh, giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng cũng như thiết lập một hệ thống giám sát chặt chẽ để đảm bảo các khoản vay xanh được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả.

Tiểu Thúy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xay-dung-gan-80-chuong-trinh-de-an-ho-tro-cho-san-xuat-xanh.html