Xây dựng giải pháp bảo vệ người Việt Nam khi sinh sống, lao động ở nước ngoài
'Đối thoại về công tác đối với Người Việt Nam ở nước ngoài có liên quan đến TP.HCM diện chuyên gia, tu nghiệp và xuất khẩu lao động' bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến được tổ chức chiều 5/12.
Chiều 5/12, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức "Đối thoại trực tiếp, trực tuyến về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài có liên quan đến Thành phố Hồ Chí Minh diện chuyên gia, tu nghiệp và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài."
Đây là dịp để các chuyên gia, cơ quan ngoại giao, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hướng đến xây dựng mạng lưới liên kết, hệ thống hỗ trợ toàn diện, bền vững, thiết lập cơ chế hỗ trợ, bảo vệ tốt hơn cho người Việt Nam khi sinh sống, lao động ở nước ngoài.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; quảng bá hình ảnh, những giá trị tốt đẹp của đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.
Nhiều người lao động sau khi trở về nước đã tiếp tục tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động trong nước với tinh thần, ý thức trách nhiệm, năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề cao.
Tuy nhiên, bà Vũ Thị Huỳnh Mai nhận định công tác kết nối giữa cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại với cơ quan quản lý Nhà nước về xuất khẩu lao động trong nước và các công ty đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn chưa phát huy hết hiệu quả.
Công tác thông tin về văn hóa, xã hội nước sở tại cho người chuẩn bị đi chưa đầy đủ. Tình hình người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước chậm được thông tin về nước. Năng lực của một số tổ chức, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu...
Để khắc phục hạn chế, đem lại nhiều cơ hội cho người lao động, chuyên gia khi tham gia thị trường lao động ở nước, bà Vũ Thị Huỳnh Mai cho rằng cần thiết lập một kênh liên lạc hợp tác hiệu quả, bền vững giữa các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp trong việc quản lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài; nghiên cứu, tìm hiểu tình trạng của người lao động, chuyên gia Việt Nam tại nước sở tại, những khó khăn và thách thức mà họ đối mặt.
Đặc biệt, cần chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo điều kiện tốt nhất để người lao động và chuyên gia của Thành phố có thể thăng tiến, phát triển tại thị trường lao động nước ngoài; cần đổi mới, học hỏi những trải nghiệm quốc tế, tạo cơ hội để cải thiện, nâng cao chất lượng các chương trình, dự án đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các hoạt động liên quan đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Khái quát về tình hình đưa người lao động Thành phố Hồ Chí Minh đi làm việc ở nước ngoài, bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố, khẳng định lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được người sử dụng lao động đánh giá cao về tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, tiếp thu công việc nhanh, nhất là ở thị trường lao động truyền thống Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc rất thích sử dụng lao động Việt Nam bởi sự khéo léo, chăm chỉ và thích nghi nhanh. Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua không chỉ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề, tác phong làm việc, tăng thu nhập và đóng góp cho sự phát triển của thành phố và cả nước.
Cùng quan điểm, ông Đinh Vĩnh Cường, Chủ tịch Tập đoàn 365, cũng chia sẻ nhiều quốc gia trên thế giới hiện thiếu hụt lao động do dân số già hóa và giảm sút, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc đã và đang tìm nguồn cung lao động ở các ngành logistics, lái xe đường dài, đóng tàu, nông nghiệp, xây dựng, chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ an sinh xã hội…
Để nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, ông Đinh Vĩnh Cường đề xuất chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng chuyên môn, đạo đức, tác phong làm việc và văn hóa của các nước tiếp nhận cho lao động; tăng cường quản lý, giám sát, hỗ trợ lao động trong quá trình làm việc ở nước ngoài, đảm bảo quyền lợi, an toàn cho lao động.
Thành phố Hồ Chí Minh cần mở rộng, đa dạng hóa thị trường lao động, hướng đến các thị trường có thu nhập cao, có nhu cầu về lao động có trình độ cao, tiềm năng phát triển (như Nhật Bản, Hàn Quốc); tăng cường hợp tác với các nước tiếp nhận, ký kết các thỏa thuận, bản ghi nhớ về hợp tác lao động, tạo thuận lợi cho lao động Việt Nam được nhận diện, công nhận chất lượng; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung ứng lao động, xây dựng thương hiệu và uy tín…
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những thách thức, cơ hội người Việt Nam đang đối mặt khi làm việc, sinh sống ở nước ngoài; gợi mở những chính sách quản lý chuyên gia, tu nghiệp sinh, đảm bảo quyền lợi, an sinh xã hội cho người lao động Việt Nam tại nước sở tại, công tác nâng cao chất lượng đào tạo và chuẩn bị cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp cải thiện quy trình tuyển chọn, đào tạo lao động, tăng cường hỗ trợ tư pháp và tư vấn cho người lao động, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động, tạo ra môi trường công bằng và an toàn cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài..../.