Xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn đồng bộ
ĐBP - Những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn với mục tiêu bê tông hóa, nhựa hóa, hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường nối liền từ trung tâm các huyện, thị xã, thành phố đến tận các thôn, bản nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Từ đó hàng nghìn ki lô mét đường giao thông nông thôn đã được đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa, mang lại sức sống mới, diện mạo mới cho nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa; tăng cường năng lực vận tải, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất.
Tuyến đường giao thông nông thôn bản Noong Chứn, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Vui mừng, phấn khởi là tâm trạng chung của 53 hộ dân tộc Si La, bản Nậm Sin, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) khi tuyến đường kết nối từ quốc lộ 4H vào trung tâm bản Nậm Sin với tổng chiều dài 9,3km được cải tạo, nâng cấp từ đường cấp phối thành đường bê tông. Công trình được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp và vốn cân đối ngân sách địa phương. Dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Dự án phục vụ lưu thông hàng hóa, sản xuất nông nghiệp và đi lại giao thương của đồng bào dân tộc Si La, bản Nậm Sin và người dân khu vực dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới xã Chung Chải. Đồng thời đáp ứng mục tiêu chung của Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Si La, tỉnh Điện Biên.
Ông Lỳ Hồng Sơn, Trưởng bản Nậm Sin, xã Chung Chải cho biết: Trước kia là đường đất mưa lầy lội, nắng bụi mù. Từ khi đường được bê tông hóa, bà con trong bản rất vui mừng, phấn khởi bởi giao thông thông suốt, thương lái tới tận nơi để thu mua nông sản, thu nhập của người dân cũng tăng lên.
Dự án đầu tư tuyến đường giao thông Mường Toong - Nậm Xả (huyện Mường Nhé) có chiều dài hơn 11km, kết nối quốc lộ 4H với các bản Ngã Ba, bản Yên, bản Nậm Xả (xã Mường Toong) và huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Trước đây, vào mùa mưa thường xuyên bị sạt lở gây ách tắc. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến vấn đề phát triển sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn xã Mường Toong. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Nhà nước, cuối năm 2020, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Đề án Sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tuyến đường được đầu tư xây dựng mới. Tuyến đường sẽ kết nối các điểm, cụm dân cư, các thôn bản thuộc xã Mường Toong; đồng thời kết nối huyện Mường Nhé với huyện Mường Tè (Lai Châu) phục vụ giao thương đi lại, phát triển kinh tế - xã hội của xã Mường Toong nói riêng và huyện Mường Nhé nói chung.
Không chỉ 2 dự án trên, trong thời gian qua, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, sửa chữa, như: Tuyến đường Phiêng Hoa - Khua Chá, xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo); đường Đèo Gió - Vàng Chua đến Km2 đường Trung Thu - Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa); tuyến đường Phì Nhừ - Phình Giàng (huyện Điện Biên Đông)...
Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, phong trào làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã huy động người dân góp công sức, tiền của để hoàn thành các tuyến đường, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn. Qua đó góp phần tích cực thay đổi diện mạo của các xã, từng bước tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Trong giai đoạn 2008 - 2021, tỉnh ta đã dành hơn 2.861 tỷ đồng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách địa phương là hơn 238 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hơn 2.418 tỷ đồng, vốn đóng góp của nhân dân gần 37 tỷ đồng, nguồn vốn khác hơn 166 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, tổng số đường giao thông nông thôn (đường huyện, xã, thôn xóm) được đầu tư xây dựng mới hơn 1.844km; nâng cấp, cải tạo hơn 3.048km. Riêng năm 2021 đã triển khai thực hiện 80 công trình. Trong đó làm mới 53,065km; nâng cấp, sửa chữa 105,47km, với tổng kinh phí 365,69 tỷ đồng. Đến nay toàn tỉnh có hơn 9.605km đường giao thông các loại; trong đó trên 4.000km đường giao thông nông thôn; toàn tỉnh có 62 xã đạt tiêu chí về giao thông.
Những con đường đất được thay thế bởi những con đường bê tông rộng rãi. Người dân có ý thức giữ gìn, bảo vệ đường giao thông. Giao thông làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở ra cơ hội cho người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn như: Địa hình dốc, kinh phí đầu tư lớn. Một số địa phương chưa kịp thời trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất nên việc giải phóng mặt bằng còn vướng mắc. Thời gian tới, để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại và sản xuất, lưu thông hàng hóa của người dân, tỉnh đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia, vận động nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn.