Xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Đắk Nông

Qua 10 năm, Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã được cấp ủy, chính quyền tỉnh Đắk Nông triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả khả quan.

Xây dựng con người phát triển toàn diện

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định, nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển con người toàn diện.

Các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm đầu tư cơ sở vật chất giáo dục thể chất trong các trường học; đồng thời tổ chức nhiều giải thể thao truyền thống thu hút đông đảo người dân tham gia. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được triển khai rộng khắp.

Đến năm 2023, số người tham gia tập luyện thể thao thường xuyên là 30% (tăng 8% so với năm 2014). Tỷ lệ gia đình luyện tập thể dục, thể thao là 21,5% (tăng 9,1% so với năm 2014).

Công tác khám, chữa bệnh, nâng cao sức khỏe Nhân dân được chú trọng. Đến nay, 71/71 xã, phường có trạm y tế (40 trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã, đạt tỷ lệ 56,34%), 100% trạm y tế có bác sĩ và thôn, buôn, bon, bản có cán bộ y tế. Toàn tỉnh có 475 bác sĩ, đạt tỷ lệ 7,5 bác sĩ/vạn dân, trong đó có 2 bác sĩ chuyên khoa II, 23 thạc sĩ, 80 bác sĩ chuyên khoa I, 2 dược sĩ chuyên khoa I).

Công tác khám, chữa bệnh, nâng cao sức khỏe Nhân dân ngày càng được chú trọng nhằm phát triển toàn diện con người Đắk Nông

Công tác khám, chữa bệnh, nâng cao sức khỏe Nhân dân ngày càng được chú trọng nhằm phát triển toàn diện con người Đắk Nông

Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với học tập và làm theo Bác, phát huy lối sống vì cộng đồng... của cán bộ, đảng viên. Nhiều mô hình vì cộng đồng, người nghèo, hoàn cảnh khó khăn được nhân rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Điển hình như “Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức gắn liền với một địa chỉ nhân đạo” Hội Chữ thập đỏ tỉnh; “Nuôi heo đất vì nghĩa tình biên giới, hải đảo” Đảng bộ, Bộ Chỉ Quân sự tỉnh; “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ống tiền tiết kiệm”, “Nuôi heo đất” Hội LHPN tỉnh; “Mái ấm tình thương” Liên đoàn Lao động tỉnh; “Quỹ vì đồng đội”, Hội Cựu chiến binh tỉnh...

Các hoạt động văn hóa luôn được quan tâm nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân

Các hoạt động văn hóa luôn được quan tâm nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân

Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống cũng được chú trọng. Các thôn, bon, buôn, bản xây dựng hương ước, quy ước, phát huy tốt vai trò tự quản của cộng đồng; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp. MTTQ các xã, phường, thị trấn thường xuyên biểu dương gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa tiêu biểu…

Đến nay, toàn tỉnh có 135.771/152.086 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa (đạt 89,27%), 670/713 thôn, bon, buôn, bản đạt chuẩn văn hóa (đạt 93,96%), 54/60 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa (đạt 90%); 59/60 xã đạt tiêu chí số 16 về văn hóa (đạt 98,3%).

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa

Thực hiện Nghị quyết số 33, Đắk Nông triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc với phát triển kinh tế - xã hội. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh được chú trọng.

Các hoạt động văn hóa luôn được quan tâm nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân (Ảnh: Hồ Mai)

Các hoạt động văn hóa luôn được quan tâm nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân (Ảnh: Hồ Mai)

Đến tháng 3/2024, Đắk Nông có 2 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh; 18 di tích được xếp hạng gồm: 1 cấp Quốc gia đặc biệt, 10 di tích cấp Quốc gia và 7 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, Đắk Nông có 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ nhân Y Lanh, bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R'lấp (bên trái) còn lưu giữ nhiều hiện vật của dân tộc M'nông

Nghệ nhân Y Lanh, bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R'lấp (bên trái) còn lưu giữ nhiều hiện vật của dân tộc M'nông

Công tác nghiên cứu sưu tầm hiện vật, hoàn chỉnh hồ sơ các hiện vật lịch sử, văn hóa đã sưu tầm được chú trọng. Bảo tàng tỉnh hiện đang lưu giữ 44.500 tài liệu, hiện vật. Tỉnh thực hiện nhiều chính sách tôn vinh các nghệ nhân, những người có công gìn giữ và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Toàn tỉnh hiện có 4 nghệ nhân Nhân dân và 51 nghệ nhân ưu tú được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng.

Di sản văn hóa các dân tộc thiểu số được quan tâm, giữ gìn và phát huy thông qua việc phục dựng bảo tồn các lễ hội, tái hiện các nghi lễ của các dân tộc thiểu số tại chỗ, truyền dạy kỹ năng dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ truyền thống, duy trì ngày hội văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh…

Đoàn xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng để tập hợp thanh niên dân tộc thiểu số có cùng đam mê nhằm lưu giữ văn hóa dân tộc M'nông

Đoàn xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng để tập hợp thanh niên dân tộc thiểu số có cùng đam mê nhằm lưu giữ văn hóa dân tộc M'nông

Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức phục dựng 22 lễ hội cấp tỉnh, 30 lễ hội cấp huyện và 30 lễ hội cấp xã… Hiện nay, Đắk Nông đang đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của Nhân dân.

Văn hóa là nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực phát triển

Phát biểu Kết luận tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33 được Tỉnh ủy xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phấn đấu xây dựng Đắk Nông thành "tỉnh mạnh - dân giàu - thiên nhiên tươi đẹp - xã hội nhân ái, nghĩa tình”.

Hiện thực hóa mục tiêu này, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất nhận thức “xây dựng và phát triển văn hóa, con người” là nhiệm vụ chiến lược, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và mỗi người dân.

Các cấp, ngành, địa phương nhất quán quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững” trong quá trình xây dựng văn kiện đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030; hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh, nhất là việc xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Khẩn trương nghiên cứu xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Đắk Nông, trước hết là thực hiện nghiêm Quy định số 144 của Bộ Chính trị về “chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững tỉnh nhà. Khơi dậy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển trong mỗi công dân Đắk Nông, nhất là thế hệ trẻ”, đồng chí Lưu Văn Trung yêu cầu.

Hoàng Trọng

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/xay-dung-he-gia-tri-van-hoa-va-chuan-muc-con-nguoi-dak-nong-221066.html