Xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển
Hiện nay hệ giá trị văn hóa Việt Nam đang có những biến chuyển phức tạp trước sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cũng như những tác động khó lường của bối cảnh trong nước và quốc tế.
Giá trị là một khái niệm có độ bao quát rộng, được sử dụng trong nhiều ngành khoa học khác nhau: triết học, toán học, kinh tế học, xã hội học, tâm lý học, văn hóa học, giáo dục học... Do vậy, cũng có nhiều quan niệm, cách hiểu, định nghĩa khác nhau. Từ góc độ của văn hóa học, giá trị được hiểu là hệ thống những đánh giá về các hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những gì có ích, có ý nghĩa đối với sự tồn tại và phát triển của cộng đồng. Nói một cách ngắn gọn, “giá trị là những gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp, hay chính là những giá trị chân, thiện, mỹ giúp khẳng định và nâng cao bản chất người”(1). Cách hiểu như vậy hoàn toàn khác với cách hiểu triết học cho rằng mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ đều đồng thời chứa đựng cả mặt tích cực lẫn tiêu cực và hai mặt này đều là những giá trị, từ đó có những giá trị tích cực và giá trị tiêu cực (W.Leibniz, N.O. Losski…). Trong bài viết này khái niệm giá trị chỉ biểu đạt những phương diện tích cực, còn những gì tiêu cực sẽ được coi là phản giá trị hay phi giá trị. Nhiều giá trị có mối quan hệ hữu cơ liên kết với nhau sẽ tạo thành hệ giá trị. Đó là tập hợp các giá trị được cấu trúc theo những thứ bậc khác nhau, có mối liên hệ gắn kết để thực hiện một hay một số chức năng.
Max Weber (1864-1920), nhà xã hội học nổi tiếng người Đức cho rằng trụ cột của văn hóa là giá trị. Giá trị chính là xương sống, là cốt lõi, là những gì đặc trưng của một nền văn hóa. Giá trị văn hóa là kết quả của một lịch sử phát triển dài lâu, thậm chí thấm đẫm máu và nước mắt của các dân tộc, được củng cố qua nhiều thế hệ. Khi được định hình, chúng có vai trò to lớn trong việc định hướng mục tiêu, phương thức hành động, cách ứng xử của con người, tham gia mạnh mẽ vào sự điều tiết xã hội. Giá trị văn hóa được thấm đượm trong từng hành vi, nếp nghĩ của mỗi cá nhân cũng như trong cách tư duy, hành xử, hoạt động của cả hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội của quốc gia.
Việt Nam là đất nước ngàn năm văn hiến với một nền văn hóa có bề dầy truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) cho rằng những truyền thống tốt đẹp của văn hóa Việt Nam là: “thương nước, thương nhà, thương người, thương mình”(2). Nghị quyết số 03-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) xác định: “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (năm 2014) chỉ rõ: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam với các đặc trưng: dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”.
Tuy nhiên, hiện nay hệ giá trị văn hóa Việt Nam đang có những biến chuyển phức tạp trước sự thay đổi nhanh chóng của các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cũng như những tác động khó lường của bối cảnh trong nước và quốc tế. Từ việc tham khảo một số công trình nghiên cứu đi trước và nhận diện các yếu tố tác động liên quan, có thể đưa ra một số dự báo về xu hướng vận động của hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế như sau:
Xu hướng từ đề cao các giá trị tinh thần, đạo đức sang đề cao các giá trị vật chất, kinh tế. Đây là quá trình vận động của các giá trị gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đề cao chính đáng các giá trị vật chất và làm giàu hợp pháp.
Xu hướng coi trọng các giá trị tình cảm sang coi trọng giá trị pháp lý. Đây là kết quả tất yếu của sự chuyển đổi từ một xã hội tiểu nông sang xã hội công nghiệp, văn minh, hiện đại. Nền văn hóa Việt Nam xưa nay vốn là nền văn hóa trọng tình, “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Trong bối cảnh mới hiện nay, các nguyên tắc trọng lý đang dần dần chiếm ưu thế trước lối sống trọng tình truyền thống.
Xu hướng dựa vào tập thể, đề cao cộng đồng chuyển sang khẳng định cái tôi, giá trị tài năng cá nhân. Một đặc trưng cơ bản của văn hóa truyền thống Việt Nam là tính cộng đồng làng xã tạo nên sự cố kết trong sản xuất nông nghiệp, chống thiên tai, địa họa. Nhưng xã hội hiện đại, dân chủ ngày nay đòi hỏi một nền văn hóa coi trọng các cá nhân có năng lực và bản lĩnh, tránh tình trạng cào bằng, dựa dẫm, ỷ lại tập thể, “cha chung không ai khóc”, “xấu đều hơn tốt lỏi”.
Xu hướng tôn trọng kinh nghiệm, trọng lão sang đề cao tri thức khoa học, trọng tài năng, thực lực. Truyền thống đề cao kinh nghiệm, trọng lão, “trọng xỉ” trong nền kinh tế khép kín, tự cung tự cấp đang chuyển biến mạnh sang coi trọng trí tuệ, kiến thức khoa học kỹ thuật, tiếp thu cái mới, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.
Xu hướng trọng tĩnh chuyển sang trọng động. Trọng tĩnh, ưa ổn định là một trong những đặc trưng nổi bật của văn hóa Việt Nam, đến nay để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, đang chuyển mạnh sang trọng năng động, đổi mới và sáng tạo.
Xu hướng sống theo tôn ti, trật tự chuyển sang đòi hỏi cuộc sống dân chủ, bình đẳng. Từ một xã hội chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo đề cao tôn ti, thứ bậc, gia trưởng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, xu hướng coi trọng các giá trị mới, tiến bộ của phương Tây như dân chủ, tự do, bình đẳng, nhân quyền... ngày càng cởi mở.
Xu hướng chuyển từ thế giới quan hướng nội đến nỗ lực hướng ngoại. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, các giá trị hướng nội sẽ dần dần được bổ sung hoặc thay thế bằng các giá trị hướng ngoại.
Về quan điểm xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay có nhiều luồng ý kiến khác nhau, nhưng về cơ bản có thể quy về ba trường phái cho rằng: 1) Chỉ nên đúc kết và nhấn mạnh những giá trị văn hóa đã định hình và đang tồn tại trong thực tế. Việc xác định hệ giá trị văn hóa chính là chắt lọc, tìm ra đúng các giá trị tiêu biểu, cốt lõi, mang tính đại diện cho văn hóa Việt Nam hiện nay; 2) Đưa ra những giá trị kỳ vọng, giá trị định hướng mà nền văn hóa Việt Nam cần hướng tới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; 3) Kết hợp giữa các giá trị đang tồn tại với các giá trị định hướng nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và có tầm nhìn xa(3). Tác giả bài viết ủng hộ quan điểm thứ ba.
Về nguyên tắc xác định hệ giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và xuất phát từ thực tiễn Việt Nam có thể đưa ra một số lưu ý: Một là, nhìn chung, khó có thể bao quát hết toàn bộ các giá trị của một nền văn hóa, do vậy, việc xác định hệ giá trị văn hóa Việt Nam chỉ nên dừng lại ở các giá trị mang tính cốt lõi, trọng điểm, tiêu biểu. Hai là, hệ giá trị mới cần kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống đã được định hình lâu đời trong lịch sử Việt Nam. Trong bối cảnh đương đại, một số giá trị đã trở nên lỗi thời, bị lịch sử vượt qua, trở thành vật cản cho sự phát triển thì phải cương quyết sàng lọc, gạt bỏ. Ba là, tiếp thu, bổ sung những giá trị mới, tiến bộ của văn hóa nhân loại. Trong tương quan với các giá trị truyền thống, các giá trị ngoại sinh có thể đem tới những sức mạnh lớn lao. Đó thường là những giá trị văn minh, hiện đại mà chúng ta còn thiếu hoặc có ở mức thấp. Bốn là, bám sát các điều kiện thực tiễn của Việt Nam, gắn với trình độ phát triển của nền kinh tế, đặc điểm của thể chế chính trị, mặt bằng dân trí, nền tảng giáo dục, năng lực pháp luật và quan trọng nhất là những đặc thù về văn hóa. Năm là, cấu trúc của hệ giá trị cần cô đọng, súc tích, dễ nhớ, dễ thuộc. Kinh nghiệm của các nước cho thấy hệ giá trị thường chỉ có từ 4-5 giá trị, nếu dài hoặc khó hiểu quá, người dân sẽ khó tiếp thu, khó đi vào cuộc sống, chẳng hạn, Philippines đề xuất 9 giá trị, Thái Lan đề xuất 12 giá trị, đến nay đều không phát huy tác dụng. Các giá trị cũng không nên quá cao siêu, lý tưởng, mà phải gần gũi, thiết thực, khả thi với điều kiện sống hôm nay.
Trên cơ sở tổng kết, đúc rút kết quả nghiên cứu của một số công trình đi trước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế đồng thời bám sát quan điểm, định hướng của Đảng, kế thừa có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với bổ sung các giá trị mới của thời đại, kiểm chứng và đo lường qua điều tra xã hội học(4), chúng tôi xin đề xuất hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với 4 giá trị cốt lõi là: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, tiến bộ. Có thể diễn giải về nội hàm và căn cứ lựa chọn các giá trị nêu trên như sau:
Thứ nhất, giá trị dân tộc thể hiện một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, toát lên truyền thống văn hiến Việt Nam. Đó cũng là nền văn hóa độc lập, tự chủ, có nội lực, không bị lấn át trước văn hóa ngoại lai. Nền văn hóa đó cũng có khả năng tiếp thu, “dân tộc hóa”, “Việt hóa” những ảnh hưởng tốt đẹp của văn hóa bên ngoài, làm giàu và nâng tầm cho văn hóa dân tộc. Tính dân tộc có thể được biểu hiện qua cả nội dung và hình thức của nền văn hóa.
Trên thực tế, dân tộc là giá trị nổi bật của văn hóa Việt Nam, từ đó tạo nên bản sắc, cốt cách, tinh hoa của văn hóa Việt Nam. Đây cũng là giá trị luôn được đề cao và nhất quán trong đường lối lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của Đảng ta, từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943(5) đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII(6) và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI(7). Trong cơn lốc của toàn cầu hóa hiện nay, việc giữ gìn bản sắc dân tộc càng cần thiết hơn bao giờ hết để chúng ta “hòa nhập mà không hòa tan”. Đề cao giá trị dân tộc chính là đối trọng để giữ thế cân bằng, tạo sức đề kháng trước nguy cơ “xâm lăng văn hóa” cũng như vươn lên khẳng định văn hóa Việt Nam trên bản đồ văn hóa thế giới.
Thứ hai, giá trị dân chủ là biểu hiện của một nền văn hóa của dân, do dân và vì dân. Người dân vừa là chủ thể vừa là khách thể của văn hóa, vừa là người sáng tạo vừa là người hưởng thụ văn hóa. Một nền văn hóa dân chủ góp phần đề cao quyền tự do cá nhân, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do sáng tạo văn hóa. Mọi công dân đều được bình đẳng và tôn trọng trong phát triển văn hóa, làm đối trọng chống lại tình trạng độc tôn quyền lực, lạm dụng quyền lực, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân. Dân chủ cũng là giá trị tiến bộ của thời đại mà đa số các quốc gia văn minh đều hướng tới. Đây cũng là một trong những mục tiêu lớn mà Đảng và Nhà nước ta đang phấn đấu để “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Dân chủ cũng là một yêu cầu mà Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đã đề ra và là giá trị chúng ta còn khá yếu, cần tập trung xây dựng.
Thứ ba, giá trị nhân văn thể hiện ở nền văn hóa yêu thương con người, nhân ái, bao dung, lấy con người làm gốc. Nhân văn có nội hàm rộng hơn bác ái của phương Tây, còn có ý nghĩa tôn trọng nhân phẩm, đề cao nhân quyền, tôn trọng quyền con người.
Văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay là nền văn hóa trọng tình cảm, thương yêu con người, đề cao tình yêu thương đồng loại. Từ truyền thống “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” thời Nguyễn Trãi đến tinh thần nhân ái, vị tha “thương người như thể thương thân” ngày nay luôn thể hiện tính nhân văn sâu sắc của văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay giá trị này đang bị đe dọa trước lối sống vị kỷ, vô cảm trong cơ chế kinh tế thị trường. Vì những mục tiêu vụ lợi người ta có thể xâm hại, chà đạp, vùi dập nhân phẩm của nhau. Do vậy, rất cần khôi phục và củng cố sự tử tế, lòng nhân ái, nghĩa tình vốn sẵn có trong văn hóa Việt Nam. Nhân văn cũng là một giá trị mà Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đề ra đối với văn hóa Việt Nam.
Thứ tư, giá trị tiến bộ thể hiện một nền văn hóa ngày càng phát triển theo chiều hướng đi lên, tốt hơn trước, phù hợp với xu thế thời đại và nhân loại. Tiến bộ đối lập với thụt lùi, trì trệ, bảo thủ, chậm tiến. Giá trị tiến bộ sẽ khắc phục những biểu hiện cổ hủ, lạc hậu, phản khoa học trong văn hóa.
Đối chiếu với Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng về yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam với 4 đặc trưng: dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, chúng tôi đề nghị nên thay thế đặc trưng khoa học bằng giá trị tiến bộ với những căn cứ sau:
Về nguồn gốc sâu xa, tính khoa học của nền văn hóa được kế thừa từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, là một trong 3 nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam: dân tộc hóa, khoa học hóa, đại chúng hóa. Ba nguyên tắc này là sự vận dụng sáng tạo từ quan điểm của Mao Trạch Đông về tính chất của nền văn hóa mới Trung Quốc chống đế quốc, chống phong kiến của đại chúng nhân dân, một “nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng”(8). Trong hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội của đất nước ta cách đây gần 80 năm, nguyên tắc khoa học hóa với hàm nghĩa “chống tất cả những gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”(9) là hoàn toàn cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, khi văn hóa Việt Nam đã phát triển lên một tầm cao mới, những biểu hiện lạc hậu, cổ hủ gần như không còn nữa, thì giá trị “khoa học” của một nền văn hóa cần phải xem xét lại. Bản thân Trung Quốc hiện nay cũng không đưa giá trị này vào hệ giá trị hiện tại của mình(10). Tham khảo hệ giá trị của nhiều nước cũng không thấy quốc gia nào đưa ra giá trị này. Đặc biệt, qua điều tra xã hội học, giá trị khoa học ít được người dân lựa chọn (44.2%)(11).
Tựu trung, hệ giá trị văn hóa Việt Nam nêu trên đã cố gắng đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa các chiều kích: truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, ổn định và phát triển.
Việc xác định hệ giá trị văn hóa Việt Nam là một công việc vô cùng khó khăn, tuy nhiên, khó hơn nữa là việc triển khai thực thi những giá trị đó trong đời sống thực tiễn. Còn rất nhiều công việc chúng ta phải làm để có thể xây dựng một nền văn hóa vừa giàu truyền thống lịch sử, mang đậm bản sắc dân tộc, vừa bắt kịp với bước tiến của nhân loại và mang hơi thở của thời đại./.
GS. TS. TỪ THỊ LOAN
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam
____________________
(1) Ngô Đức Thịnh: Hệ giá trị văn hóa Việt Nam, Nxb. Tri thức, H, 2019, tr.25.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI, Nxb. Sự thật, H., 1987, tr.45.
(3) Hồ Sĩ Quý, “Mấy vấn đề về hệ giá trị Việt Nam”, in trong sách Một số vấn đề về hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, Nxb. Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2015, tr.193.
(4) (11) Kết quả điều tra của Đề tài khoa học cấp quốc gia KX-04.19 “Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (2017-2019). Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Ngọc Thiện; Thư ký đề tài: GS.TS. Từ Thị Loan.
(5) Ba nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa.
(6) Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
(7) Xây dựng nền văn hóa với các đặc trưng: dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học.
(8) Tuyển tập Mao Trạch Đông, Bàn về chủ nghĩa dân chủ mới (tháng 1/1940). Dẫn theo Đỗ Tiến Sâm (chủ biên): Xây dựng nền văn hóa tiên tiến ở Trung Quốc, Nxb. Khoa học Xã hội, H, 2010, tr.22.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.7, tr.316-321.
(10) Năm 2013, Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đã công bố “Hệ giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa mới” gồm 12 giá trị nhóm lại theo 3 lĩnh vực: Lĩnh vực quốc gia có 4 giá trị: thịnh vượng, dân chủ, văn minh, hài hòa. Lĩnh vực xã hội có 4 giá trị: tự do, bình đẳng, công bằng, pháp trị. Lĩnh vực cá nhân có 4 giá trị: yêu nước, trọng nghề, thành tín, thân thiện. (Dẫn theo Trần Ngọc Thêm (chủ biên): Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, 2016, tr.107).