Xây dựng hệ sinh thái du lịch phát triển bền vững - Bài 2: Vượt rào cản thiếu hụt nguồn nhân lực

Xác định thiếu hụt về nguồn nhân lực là khó khăn lớn nhất của ngành Du lịch. Do vậy, ngay khi dịch COVID-19 được kiểm soát, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp phát triển đào tạo nguồn nhân lực.

Đến nay, ngành Du lịch thành phố cơ bản khắc phục được sự thiếu hụt về chất lượng và số lượng nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch, đồng thời khẩn trương triển khai nhiều hoạt động liên kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước.

TP Hồ Chí Minh mở các tour tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch để từng bước khôi phục thị trường du lịch sau nhiều tháng "ngủ đông". Ảnh tư liệu: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

TP Hồ Chí Minh mở các tour tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch để từng bước khôi phục thị trường du lịch sau nhiều tháng "ngủ đông". Ảnh tư liệu: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Xã hội hóa khâu đào tạo

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hệ thống đào tạo về chuyên ngành Du lịch quy mô lớn nhất nước với khoảng 24 trường đại học, 20 trường cao đẳng và 19 trường trung cấp.... Qua đó, thành phố được đánh giá là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực phía Nam. Nhằm khôi phục và phát triển du lịch trong điều kiện mới, ngành Du lịch Thành phố đã "bắt tay" với các nhà để phát huy lợi thế trong đào tạo nguồn nhân lực hậu COVID-19, đồng thời đẩy mạnh vận động các tổ chức có liên quan hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực bằng hình thức xã hội hóa, tạo điều kiện doanh nghiệp, người lao động cập nhật, trang bị lại kỹ năng...

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng nhiều đơn vị trên địa bàn tổ chức cập nhật quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm cho cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; triển khai bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý buồng/phòng cho đội ngũ quản lý trong ngành Du lịch... Thông qua những khóa tập huấn trực tiếp tại điểm đến, ngành Du lịch Thành phố hướng đến mục tiêu đảm bảo nguồn nhân lực đạt chuẩn cho cơ sở lưu trú, khu điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Sở Du lịch kết nối với hệ thống trường đại học như Trường Đại học Văn Hiến, Trường Đại học Hoa Sen, Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn... tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản trị rủi ro trong du lịch, cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch... Nhờ vậy, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước giải quyết những thách thức về nguồn nhân lực như nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng phục vụ cho nguồn lao động tuyển dụng bổ sung nguồn nhân lực cho ngành; cải thiện đáng kể tỷ lệ nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ...

Đặc biệt, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2022 - 2024; trong đó, các bên tăng cường hoạt động nghiên cứu thị trường, thống kê du lịch, đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời chia sẻ về phương pháp và kinh nghiệm về quản lý, điều hành du lịch trong lĩnh vực du lịch... Theo ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, việc ký kết hợp tác sẽ góp phần tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển trang website, chia sẻ cơ sở dữ liệu, đào tạo nguồn nhân lực... từ đó thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch. Để hiện thực hóa những thỏa thuận hợp tác với EuroCham, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh xác định những nội dung hợp tác cần được triển khai một cách hiệu quả, thiết thực và kịp thời, theo đó các bên sẽ tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là khôi phục nguồn nhân lực du lịch.

Liên quan đến phát triển nguồn nhân lực du lịch, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một trong những thách thức lớn nhất mà thị trường du lịch Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới đang phải đối diện là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước dịch COVID-19, ngành Du lịch Thành phố trăn trở về nguồn nhân lực không đồng đều về chất lượng, tính chuyên nghiệp... Sau tác động của dịch, vấn đề đáng lo ngại là thực trạng nguồn nhân lực thiếu và yếu cả về chất lượng lẫn số lượng.

Trước thực tế này, Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò đầu tàu khu vực phía Nam sẽ chủ động phối hợp đa dạng hóa hình thức đào tạo vừa tập trung ngắn hạn, dài hạn; vừa tập huấn, bồi dưỡng đào tạo trình độ nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin... chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp, đạt trình độ quốc tế. Chiến lược đào tạo này không chỉ giải quyết được những trăn trở như nguồn nhân lực không đồng đều về chất lượng, tính chuyên nghiệp mà còn cải thiện tình trạng nguồn nhân lực thiếu và yếu cả về chất lượng, số lượng.

Hợp tác chuyên sâu

Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã khẳng định vị thế trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực lớn nhất nước với hệ thống cơ sở đào tạo nhiều nhất, những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, song số lượng hướng dẫn viên du lịch sử dụng các ngoại ngữ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha... vẫn còn khá khiêm tốn.

Trên cơ sở xác định và chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, Sở Du lịch Thành phố đã và đang đẩy mạnh hợp tác với nhiều đơn vị trong cải thiện nguồn nhân lực phục vụ du lịch trên địa bàn trong thời gian tới. Hiện nay, tổng số hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 7.340 người, trong đó có 4.360 hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Tuy nhiên, số lượng hướng dẫn viên du lịch sử dụng các ngôn ngữ hiếm như Hàn Quốc, Nhật, Đức, Tây Ban Nha… rất ít, chỉ chiếm khoảng 13% so với tổng số ngoại ngữ; cụ thể ngoại ngữ Hàn và Nhật lần lượt là 0,06% và 0,39%.

Trước thực trạng này, trong năm 2022, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết Thỏa thuận hợp tác tổ chức lớp bồi dưỡng ngoại ngữ tiếng Tây Ban Nha với Công ty cổ phần Ngôi nhà hữu nghị VECASA và Viện Trao đổi văn hóa với Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc, Trung tâm Ngôn ngữ tiếng Hàn tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng tiếng Hàn Quốc dành cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước; nhân viên, người lao động hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn; hướng dẫn viên du lịch.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị VECASA chia sẻ, tiếng Tây Ban Nha đã và đang phổ biến trên khắp thế giới, trong đó có 21 nước Mỹ Latinh dùng ngôn ngữ này như ngôn ngữ "mẹ đẻ". Tại Việt Nam, mỗi năm, hàng trăm đoàn khách từ Tây Ban Nha và Mỹ Latinh sang thăm, làm việc với kỳ vọng tìm kiếm cơ hội xúc tiếng thương mại, đầu tư... VECASA cam kết đồng hành cùng Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các bên liên quan thực hiện Thỏa thuận hợp tác tổ chức lớp bồi dưỡng ngoại ngữ tiếng Tây Ban Nha trong thời gian tới. VECASA đảm bảo mục tiêu phổ biến tiếng Tây Ban Nha trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần khai thác tiềm năng thị trường du lịch rộng lớn đến từ Tây Ban Nha và Mỹ Latinh.

Để tiếp nối những giải pháp hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực, ngay từ đầu tháng 1/2023, Sở Du lịch thành phố và Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết Thỏa thuận tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao ngoại ngữ tiếng Nhật cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước; nhân viên, người lao động hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn; hướng dẫn viên du lịch. Chương trình hướng đến mục tiêu phục vụ tốt thị trường khách Nhật Bản - một trong những thị trường trọng điểm truyền thống của du lịch Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Trong năm 2023, phát huy vai trò là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chủ động phối hợp với cơ sở đào tạo, đa dạng hóa hình thức đào tạo, thành lập thêm đa dạng khoa nghiệp vụ du lịch và chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.

Bài 3: Hợp tác tạo sức bật thị trường

Mỹ Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/xay-dung-he-sinh-thai-du-lich-phat-trien-ben-vung-bai-2-vuot-rao-can-thieu-hut-nguon-nhan-luc-20230127095342380.htm