Xây dựng hệ sinh thái phát triển ngành da giày TP. Hải Phòng
Chiều nay (10/8), Sở Công thương Hải Phòng phối hợp với Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) tổ chức 'Tọa đàm xây dựng hệ sinh thái phát triển ngành da giày tại TP. Hải Phòng'.
Tọa đàm xây dựng hệ sinh thái phát triển ngành da giày tại TP. Hải Phòng được tổ chức với mục tiêu duy trì, phát triển hiệu quả, bền vững ngành da giày theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tọa đàm cũng nhằm tìm kiếm giải pháp phát triển được một số thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; có vai trò quan trọng trong chiến lược xuất khẩu hàng hóa của thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu ngành da giày Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTAs).
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng khẳng định: “Ngành công nghiệp Da giày TP. Hải Phòng là một trong các ngành công nghiệp truyền thống, được xác định là nhóm sản phẩm mũi nhọn, với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm từ 10% - 15%. Hải Phòng từng được coi là thủ phủ của ngành công nghiệp giày dép, luôn tiên phong, đứng đầu cả nước về phát triển ngành Da giày, cũng như kêu gọi đầu tư FDI, với các tổ hợp sản xuất giày dép và sản phẩm được tái lập bằng yếu tố đầu tư nước ngoài”.
Trình bày thực trạng phát triển ngành da giày của Thành phố trong những năm gần đây, ông Nguyễn Công Hân, Phó Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng cho biết, ngành công nghiệp Da giầy tiếp tục duy trì nhiều việc làm cho người lao động địa phương, đóng góp lớn trong kim ngạch xuất khẩu, tạo cơ hội phát triển cho các ngành liên quan (vận tải, xây dựng, sản xuất nguyên phụ liệu, dịch vụ...).
Trong giai đoạn 2018-2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 15,8%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 10,7%/năm, đạt 1,881 tỷ USD năm 2022; Giá trị thuế đóng góp cho Thành phố tăng trưởng 14,8%/năm, đạt 174,8 tỷ đồng năm 2022 (chiếm tỷ trọng 3,3% tổng giá trị thuế toàn ngành công nghiệp);
Số lượng doanh nghiệp sản xuất dao động từ 130 - 163 doanh nghiệp, tăng trưởng ấn tượng với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10,7%/năm; Số lao động năm 2018 là 69.200 lao động, tới năm 2022 là 66.300 lao động; Thu nhập tăng trưởng bình quân 10,2%/năm;
Thị trường xuất khẩu da giầy chủ yếu của Hải Phòng là thị trường Hồng Kông (chiếm 36%), Đài Loan (20%), Hoa Kỳ (10%) và EU (5,5%).
Tuy nhiên, trong bức tranh tổng thể về phát triển các nhóm ngành công nghiệp thành phố, Da giày được đánh giá nằm trong cụm ngành ít có lợi thế (do chi phí thuê mặt bằng của thành phố Hải Phòng cao hơn so với các địa phương lân cận) và kém hấp dẫn (do năng suất lao động thấp mặc dù có khả năng giải quyết tốt nhu cầu tạo việc làm cho lao động giản đơn trong ngắn hạn nhưng cũng chỉ ở công đoạn có giá trị gia tăng thấp nhất là gia công).
Đặc biệt, về công nghệ, trình độ công nghệ hiện tại của ngành Da giầy tại Việt Nam đang ở mức vừa phải, tương đối trung bình, phụ thuộc vào máy móc, thiết bị nước ngoài. Thiết bị công nghệ sản xuất của ngành da giầy chủ yếu được nhập khẩu từ Đài Loan (65,79%), Trung Quốc (23,68%) và một tỷ lệ rất nhỏ từ Nhật Bản, Đức, Ý.
Khả năng đầu tư và chuyển giao công nghệ mới phụ thuộc vào nguồn tài chính hạn hẹp. Lực lượng chuyên gia cũng như kiến thức và cập nhật công nghệ còn hạn chế và cũng chưa đạt đến nhu cầu phát triển kinh doanh.
Thêm vào đó, khả năng đàm phán để kí hợp đồng công nghệ cũng không mở rộng. Đây là một trong những lý do khiến năng suất lao động cũng như hiệu quả sản xuất của ngành này bị hạn chế về ngắn hạn lẫn dài hạn. Điều này dẫn đến nguy cơ làm giảm sự cạnh tranh của ngành giầy dép trên thị trường.
“Hiện, ngành công nghiệp Da giày đã tham gia được sâu vào trong chuỗi cung ứng toàn cầu, luôn có vai trò quan trọng trong chiến lược xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nên có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ. Thời trang Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 6 của Liên đoàn thời trang châu Á (AFF)”, ông Hân thông tin.
Bên cạnh những mặt tích cực, ngành Da giày vẫn còn những tồn tại, hạn chế như ngành da giày tuy tăng trưởng nhanh nhưng sản xuất theo phương thức gia công là chủ yếu, khâu thiết kế còn yếu và chưa được thị trường nước ngoài chấp nhận với định vị thương hiệu Việt Nam;
Đội ngũ lao động của ngành Da giày phát triển nhanh nhưng còn thiếu lao động kỹ thuật được đào tạo chuyên sâu; Trình độ công nghệ tuy đã được cải thiện những vẫn thấp so với các quốc gia sản xuất ngành Da giày trong khu vực;
Các sản phẩm hàng da giày bước đầu đạt chất lượng quốc tế nhưng còn ít chủng loại, mẫu mã còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường tiêu thụ; Cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp da giày đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế.
Tại buổi tọa đàm, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên Bộ Công Thương đã đề ra 4 giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội từ các FTA.
Đó là, lập group kết nối giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với các cơ quan liên quan, triển khai ngay sau hội nghị này; tập trung xây dựng thương hiệu và có chiến lược xây dựng bài bản, hiệu quả; xây dựng hệ sinh thái cho ngành (cơ quan tư, địa phương, hiệp hội, công ty xuất khẩu chính, công ty tư vấn, nông dân, công ty cung cấp nguyên liệu đầu vào...); tập trung nâng cao chất lượng, chú ý phát triển bền vững (đi thẳng các tiêu chuẩn như Global Gap, quan tâm lao động, môi trường...)