Xây dựng hệ sinh thái số ngành Bảo hiểm xã hội
Kết quả đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương năm 2019 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố mới đây cho thấy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong khối các cơ quan thuộc Chính phủ. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đứng đầu về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin kể từ năm 2017 đến nay.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ, hiện đại hóa ngành, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Bảo hiểm xã hội Việt Nam chú trọng trong thời gian qua. Đặc biệt, với việc triển khai ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số vừa qua đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn để làm rõ thêm về vấn đề này.
Minh bạch, công khai hóa
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố kết quả đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương năm 2019. Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu trong khối các cơ quan thuộc Chính phủ. Ông có thể chia sẻ thêm về kết quả này?
Trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả nhiệm vụ của ngành, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp và ngay cả với cơ quan bảo hiểm xã hội. Thông qua việc tích hợp các phần mềm nghiệp vụ, công bố các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4, cũng như phối hợp với các ngân hàng tạo nên một hệ thống thanh toán điện tử hóa quá trình thu, chi, cung cấp những tiện ích đa phương tiện, đa kênh thanh toán cho người bệnh…, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tạo điều kiện cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn quá trình đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục liên quan.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại hiệu quả rõ rệt trên cả ba mục tiêu mà chúng tôi đặt ra, đó là minh bạch, công khai hóa, nâng cao hiệu quả quản lý các hoạt động nghiệp vụ của ngành; đảm bảo nâng cao năng lực phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp và hướng tới xây dựng một hình ảnh Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đại, thân thiện, đáp ứng được sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Xây dựng hệ sinh thái số
Thời gian qua, Chính phủ luôn quan tâm thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số. Nhà nước cũng khuyến khích đầu tư phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để quản lý, thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Xin ông cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục ứng dụng và phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin như thế nào để hình thành hệ sinh thái số, đáp ứng các yêu cầu Chính phủ đặt ra?
Chúng tôi đang tập trung vào 6 nhóm việc để ngày càng hoàn thiện hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành bảo hiểm xã hội. Thứ nhất là đảm bảo sự ổn định và duy trì hoạt động của cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm - một trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia, được Chính phủ giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng, quản lý, vận hành. Đồng thời, chúng tôi đảm bảo hạ tầng kỹ thuật cho việc ứng dụng công nghệ thông tin thông suốt trên phạm vi cả nước.
Vấn đề thứ hai là chúng tôi đảm bảo việc cập nhật, khai thác và kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng, quản lý với các bộ, ngành và địa phương, để chia sẻ cơ sở dữ liệu, giúp cho không những ngành bảo hiểm xã hội mà các bộ, ngành, cũng như các địa phương được thuận lợi hơn trong quá trình phục vụ người dân, đặc biệt là đảm bảo an sinh xã hội.
Thứ ba, chúng tôi hoàn thiện và vận hành hệ thống phần mềm nghiệp vụ để nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, điều hành, cũng như phục vụ người dân được tốt hơn.
Thứ tư là chúng tôi tiếp tục triển khai hệ sinh thái, trong đó triển khai VssID - bảo hiểm xã hội số trên hệ thống điện thoại thông minh được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để mang lại tiện ích nhiều hơn cho người dân, cho doanh nghiệp khi đăng ký tham gia cũng như theo dõi, giám sát, thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Việc tiếp nữa là chúng tôi thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của ngành bảo hiểm xã hội và Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân khi có nhu cầu tham gia, thụ hưởng chính sách được thuận tiện nhất. Thực tế cho thấy, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã chứng minh thời gian giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện rất rõ rệt trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng xây dựng và tham gia cùng với Chính phủ để xây dựng Chính phủ điện tử, liên kết với các đơn vị khác để hoàn thiện hơn nữa kiến trúc Chính phủ điện tử ở Bảo hiểm xã hội Việt Nam, như tôi đã nói ở trên, là xây dựng một hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam thân thiện, hiện đại và đáp ứng sự hài lòng của người dân.
Vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã khai trương ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số, người sử dụng có thể kỳ vọng gì vào ứng dụng này, thưa ông?
Những tiện ích của VssID có thể kể đến, thứ nhất là giúp cho người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội có thể tra cứu được những thông tin cơ bản của mình như mã số bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội nơi họ đăng ký tham gia; các cơ sở khám, chữa bệnh khi người tham gia bảo hiểm y tế cần đến khám, chữa bệnh; các đại lý thu, điểm thu để người dân giao dịch. Đồng thời, VssID cũng giúp cho người dân có thể tra cứu toàn bộ quá trình thu đóng bảo hiểm xã hội, giúp người dân làm các thủ tục để thụ hưởng các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Đó là những tiện ích bước đầu chúng tôi đang cung cấp và sẽ ngày càng hoàn thiện thêm để VssID thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu, gắn bó với người dân, tạo nên sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Trong thời gian thí điểm bước đầu, người dân phải kê khai, gửi ảnh chân dung và đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để xác thực. Chúng tôi đang làm việc với Bưu điện Việt Nam và một số tổ chức khác để thông qua việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 của các cơ quan này, người dân đang ngồi nhà hoặc ở bất kỳ chỗ nào, lúc nào cũng có thể đăng nhập và kê khai, sử dụng VssID.
Nhiều người vẫn băn khoăn về câu chuyện bảo mật thông tin khi sử dụng các ứng dụng cung cấp trên mạng, ông nghĩ sao?
Với việc triển khai ứng dụng VssID, chúng tôi đang cố gắng tạo ra sự thuận lợi nhất, đơn giản nhất, tiện ích nhất và cũng là bảo mật nhất. Người dân muốn sử dụng ứng dụng VssID chỉ cần có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng người dân có thể hoàn toàn yên tâm khi sử dụng ứng dụng. Toàn bộ thông tin cá nhân, đặc biệt là những thông tin cần bảo mật, chúng tôi áp dụng theo quy định của Nhà nước và có các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo những thông tin chỉ có chính người đó mới có thể sửa đổi, đăng nhập được và được giám sát bởi mật khẩu, mã OTP. Mặt khác, khi đã thực hiện việc cài đặt VssID trên điện thoại thông minh thì chỉ cho phép cập nhật trên một thiết bị. Nếu chuyển sang thiết bị thứ hai, ứng dụng đó sẽ bị loại bỏ hoàn toàn trên thiết bị thứ nhất và phải thông qua mã OTP, mật khẩu mới xác thực được, để đảm bảo tính duy nhất, tính bảo mật cũng như an toàn, tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp khi sử dụng ứng dụng này.
Trân trọng cảm ơn ông.