Xây dựng 'hệ sinh thái số' trong bồi dưỡng lý luận chính trị
Xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới, ứng dụng công nghệ trong công tác bồi dưỡng lý luận chính trị.
Tháng 9/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương đã khai trương hệ thống thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet (trang web https://lyluanchinhtri.dcs.vn/vn). Đây được coi là giải pháp đột phá nhằm xây dựng một hệ sinh thái số lưu trữ nguồn tư liệu về lý luận chính trị một cách khoa học, có hệ thống…
Theo số liệu của Ban Tổ chức đề án, sau hơn 3 tháng triển khai, đến nay, hệ thống đã có 14.539 lượt người truy cập và đã cập nhật 357 bài học, 10 bài kiểm tra với gần 1.000 câu hỏi trắc nghiệm. Hệ thống đã thu hút 7.554 người dùng, trong đó có 1.336 người dùng tham gia bài học (chiếm 18%), 2.694 người dùng tham gia bài kiểm tra (chiếm 36%).
Một số bài học có giá trị sâu sắc thu hút lượng lớn người tham gia như: "Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", phim tài liệu "Sáng ngời đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh", "Những nội dung cốt lõi của đạo đức Hồ Chí Minh"… Một số bài kiểm tra có đông đảo người tham gia, như: "Bài kiểm tra 5 môn lý luận chính trị", "Tư tưởng Hồ Chí Minh", "Bài kiểm tra các nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chuyên đề toàn khóa"…
Trao đổi với PV Báo CAND, GS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Đề án khẳng định, việc Ban Tuyên giáo Trung ương đưa vào sử dụng "Hệ thống thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet" là sự cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo của Đảng về đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị, bảo đảm kịp thời cung cấp những tri thức lý luận chính trị sâu rộng, nhanh chóng, thuận tiện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn Đảng, đặc biệt là cán bộ, đảng viên ở cơ sở.
Theo GS Phùng Hữu Phú, hệ thống được thiết kế một cách khoa học, bài bản, với các nội dung sinh động, hấp dẫn đã đáp ứng được yêu cầu phổ biến những tri thức lý luận cơ bản, vừa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời cung cấp những tri thức, thông tin lý luận chính trị mới và gợi mở những vấn đề cốt lõi để người đọc có thể trao đổi hoặc tự trả lời. "Bắt nhịp được sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hệ thống đã tạo ra "luồng gió mới" trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần chữa "bệnh" lười học, ngại học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên", GS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.
Theo Đề án thí điểm, Ban Tuyên giáo Trung ương đã lựa chọn 12 địa phương, cơ quan, đơn vị tham gia đề án thí điểm là Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bình Dương và Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương.
Tại Thái Nguyên, sau khi nhận được văn bản của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Tỉnh ủy đã quán triệt, tổ chức triển khai tới 16 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Từ khi khai trương đến nay, Thái Nguyên có 205 người dùng, trong đó có 50 người tham gia bài học, 74 người tham gia bài kiểm tra. Theo đồng chí Nguyễn Xuân Quang, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên, Hệ thống rất hữu ích, nội dung đa dạng, phong phú, cách trình bày sinh động, hấp dẫn. Cán bộ, đảng viên có thể học tập, nghiên cứu lý luận một cách dễ dàng, thuận tiện.
Ngày 26/10/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành công văn số 6961 về việc tham gia Hệ thống thí điểm phổ biến, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet, mở rộng phạm vi thí điểm tới 55 tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương. TS Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức đề án khẳng định, kết quả thí điểm sẽ là cơ sở để đề án sớm được triển khai trên phạm vi cả nước, để cấp ủy các cấp lấy kết quả học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị là một tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng đảng viên.
Khi triển khai thực hiện rộng rãi trên cả nước sẽ góp phần hiệu quả trong đổi mới phương pháp học tập, bồi dưỡng kiến thức, lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống.