Xây dựng hệ thống dữ liệu toàn diện, minh bạch, lấy con người làm trung tâm

Cục trưởng Cục Thống kê, Bộ Tài chính Nguyễn Thị Hương cho biết, Việt Nam đã có một bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng hệ thống dữ liệu toàn diện, minh bạch và lấy con người làm trung tâm, khi chính thức công bố Báo cáo quốc gia đầu tiên về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024.

Các diễn giả trao đổi tại Hội thảo công bố ngày 25/4. (Ảnh: HNV)

Các diễn giả trao đổi tại Hội thảo công bố ngày 25/4. (Ảnh: HNV)

Ngày 25/4, tại Hà Nội, đông đảo đại biểu đã tham dự Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân bên lề Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê nhận định, báo cáo được xây dựng trên cơ sở nguồn dữ liệu đăng ký khai sinh, khai tử và kết hôn để phân tích thực trạng đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn cũng như các chỉ tiêu thống kê quan trọng liên quan đến mức sinh, mức chết và tình trạng hôn nhân. Báo cáo này đã thể hiện một cách khách quan thực trạng hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch trong giai đoạn vừa qua, chỉ ra những tiến bộ rõ rệt đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, thách thức.

Cùng với đó, báo cáo được xây dựng trên nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm, bảo đảm mọi cá nhân, kể cả những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất đều được ghi nhận các sự kiện hộ tịch một cách bình đẳng, đầy đủ và kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê. (Ảnh: HNV)

Bà Nguyễn Thị Hương, Cục trưởng Cục Thống kê. (Ảnh: HNV)

“Đây sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng đối với Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước và người dùng tin trong các hoạt động sử dụng, quản lý và khai thác dữ liệu hộ tịch”, Cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Cũng trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam chia sẻ, báo cáo công bố ngày hôm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa dữ liệu và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý dân số tại Việt Nam. Đăng ký và thống kê hộ tịch không chỉ là một phần thiết yếu của quản lý nhà nước, mà còn là nền tảng quan trọng để các nhà hoạch định chính sách và chính quyền địa phương có thể thiết kế và cung cấp các dịch vụ công phù hợp, bao trùm và hiệu quả.

Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam. (Ảnh: HNV)

Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam. (Ảnh: HNV)

Theo ông Matt Jackson, thống kê không chỉ đơn thuần là những con số. Đó là những dữ liệu “biết nói”, phản ánh tình trạng sức khỏe, phúc lợi, cơ hội tiếp cận dịch vụ và hoàn cảnh kinh tế - xã hội của từng cá nhân. Khi được thu thập và phân tích đầy đủ, dữ liệu này giúp chúng ta hiểu rõ chính sách nào đang phát huy hiệu quả, người dân đã được hưởng lợi như thế nào từ các dịch vụ công, và quan trọng nhất là ai đang có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

“Tôi đặc biệt vui mừng khi thấy những tín hiệu tích cực từ dữ liệu: tỷ lệ đăng ký khai sinh đúng hạn (trong vòng 60 ngày kể từ ngày sinh) đã tăng từ 74,4% vào năm 2021 lên 84,9% vào năm 2024. Tỷ lệ đăng ký khai tử đúng hạn (trong vòng 15 ngày kể từ ngày tử vong) cũng được cải thiện, từ 66,4% năm 2021 lên 69,3% vào năm 2024. Đây là những tiến bộ rõ rệt, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu dân số chính xác, kịp thời và có tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và phát triển con người toàn diện”, Trưởng đại diện Matt Jackson nói.

Trong khuôn khổ hội thảo, ông Nhâm Ngọc Hiển, Phó Cục trưởng Cục Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc không chỉ đơn thuần là kho lưu trữ thông tin số hóa mà còn là thành phần hạ tầng cốt lõi, đóng vai trò nền tảng trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số tại Việt Nam.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc còn được xem là một trong những cơ sở dữ liệu gốc, cung cấp thông tin đầu vào quan trọng, chính xác và kịp thời về các sự kiện hộ tịch cơ bản của công dân, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng và quyền cơ bản của công dân.

Ông Nhâm Ngọc Hiển, Phó Cục trưởng Cục Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp

“Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc còn được xem là một trong những cơ sở dữ liệu gốc, cung cấp thông tin đầu vào quan trọng, chính xác và kịp thời về các sự kiện hộ tịch cơ bản của công dân, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng và quyền cơ bản của công dân”, ông Hiển cho biết.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Thống kê dân số và lao động, Cục Thống kê, Bộ Tài chính khẳng định: “Khi Việt Nam đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và chuẩn bị cho những thay đổi dân số trong tương lai, hệ thống đăng ký hộ tịch và thống kê dân số sẽ tiếp tục đóng vai trò nền tảng cho một nền quản trị hiệu quả, đảm bảo quyền con người và phát triển toàn diện”.

Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024 do Cục Thống kê xây dựng trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, với sự hỗ trợ hiệu quả của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế công cộng toàn cầu, trong khuôn khổ “Sáng kiến dữ liệu cho sức khỏe” của Quỹ Bloomberg Philanthropies, đưa ra bức tranh về tình hình đăng ký khai sinh, khai tử và kết hôn trên toàn quốc, cũng như một số vấn đề dân số khác, trên cơ sở đó kêu gọi hành động để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Lần đầu tiên, chúng ta có thể sử dụng dữ liệu hộ tịch hoàn chỉnh và cập nhật để thực hiện phân tích thống kê sinh, tử và kết hôn trên phạm vi cả nước. Đây là một dấu mốc rất quan trọng.

LÊ ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xay-dung-he-thong-du-lieu-toan-dien-minh-bach-lay-con-nguoi-lam-trung-tam-post875202.html