Xây dựng hệ thống giám sát toàn diện, minh bạch trên thị trường chứng khoán
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đang trình Quốc hội thông qua đưa ra khung pháp lý tạo cơ sở xây dựng hệ thống giám sát thị trường chứng khoán (TTCK) toàn diện, đảm bảo đủ năng lực để thực thi các mục tiêu, nhiệm vụ giám sát. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với TTCK.
Để hoàn thiện hệ thống giám sát các hoạt động trên TTCK nói chung và công tác giám sát giao dịch nói riêng, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) định hướng mục tiêu quản lý giám sát là ưu tiên phòng ngừa, ngăn chặn, đồng thời kết hợp giữa giám sát toàn diện mang tính hệ thống với giám sát đối tượng.
Theo đó, để tăng cường công tác giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các dấu hiệu, hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về chứng khoán và TTCK, Dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) tiếp tục xây dựng hệ thống giám sát thông qua kiện toàn mô hình hai cấp giám sát, tăng cường giám sát của cơ quan quản lý đối với toàn thị trường, giám sát của Sở Giao dịch chứng khoán và Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (Tổng công ty lưu ký) đối với các thành viên, tổ chức, cá nhân tham gia các thị trường giao dịch, hoạt động lưu ký... Đồng thời, luật hóa trách nhiệm giám sát công ty chứng khoán đối với giao dịch theo các tiêu chí báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán.
Về giám sát của cơ quan quản lý TTCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện phối hợp với các định chế trung gian, tổ chức phụ trợ thực hiện giám sát an toàn TTCK; giám sát hoạt động nghiệp vụ chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán, Tổng Công ty lưu ký; giám sát hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán và TTCK.
Ngoài quy định về vai trò, trách nhiệm giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán, Tổng Công ty lưu ký, công ty chứng khoán, ngân hàng giám sát, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) còn đưa ra các quy định nhằm đảm bảo cho cơ quan quản lý, các chủ thể giám sát có đủ thẩm quyền để giám sát, thu thập thông tin, xác minh, làm rõ những dấu hiệu nghi vấn, thiếu minh bạch trong hoạt động chứng khoán của tổ chức, cá nhân; quy định các cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý giám sát TTCK với cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh trong giám sát doanh nghiệp tham gia TTCK; quy định về phối hợp giám sát vi phạm chứng khoán mang tính xuyên biên giới liên quan đến TTCK Việt Nam giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và cơ quan quản lý TTCK các nước.
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã đưa nội dung quy định về giám sát an toàn TTCK nhằm xác định nguy cơ đe dọa an ninh, an toàn TTCK để cảnh báo, khắc phục, xử lý. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán, Tổng Công ty lưu ký, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các tổ chức phụ trợ thường xuyên thực hiện giám sát an toàn TTCK; xây dựng phương án ứng phó, khắc phục sự cố, sự kiện, biến động ảnh hưởng đến an toàn, ổn định và tính toàn vẹn của TTCK và triển khai phương án ứng phó, khắc phục khi xảy ra sự cố, sự kiện, biến động TTCK.
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã đưa ra khung pháp lý tạo cơ sở xây dựng hệ thống giám sát toàn diện, đảm bảo đủ năng lực để thực thi các mục tiêu, nhiệm vụ giám sát, từ đó góp phần quan trọng trong nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
Dự thảo Luật cũng luật hóa trách nhiệm giám sát của công ty chứng khoán - thành viên giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán có nghĩa vụ thực hiện giám sát giao dịch chứng khoán tại công ty theo quy định của Bộ Tài chính.
Công ty chứng khoán có nghĩa vụ giám sát giao dịch chứng khoán tại công ty chứng khoán; giám sát, ngăn ngừa những xung đột lợi ích trong nội bộ công ty và trong giao dịch với người có liên quan. Như vậy, bên cạnh các nghĩa vụ về cung cấp thông tin và giải trình theo yêu cầu, lập và gửi Sở Giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo giám sát giao dịch định kỳ thì các công ty chứng khoán có nghĩa vụ phối hợp triển khai công tác giám sát của công ty chứng khoán là thành viên giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán, thành viên bù trừ của Tổng Công ty lưu ký.
Bên cạnh việc tăng thêm vai trò giám sát của công ty chứng khoán, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã đề cập đến việc tăng thêm thẩm quyền cho cơ quan quản lý TTCK - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc yêu cầu các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin, đến làm việc để giải trình, cung cấp tài liệu cũng như việc nâng chế tài xử phạt hành vi vi phạm các quy định về giao dịch chứng khoán để ngăn ngừa và hạn chế tối đa hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về chứng khoán và TTCK.
Với việc kết hợp nhiều giải pháp khác nhau, dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã đưa ra khung pháp lý tạo cơ sở xây dựng hệ thống giám sát toàn diện, đảm bảo đủ năng lực để thực thi các mục tiêu, nhiệm vụ giám sát, từ đó góp phần quan trọng trong nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, thực thi pháp luật, đảm bảo TTCK vận hành an toàn, ổn định, lành mạnh như định hướng xây dựng luật chứng khoán thế hệ mới đã đề ra.