Xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch
Ngày 1/4, đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật (CS, PL) về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình từ năm 2009 đến hết năm 2023' tại các sở: Giao thông vận tải (GTVT), Tài chính và Ban ATGT tỉnh.
Chủ trì buổi giám sát có các đồng chí: Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Thiếu tướng Nguyễn Tiến Nam, Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Các báo cáo trình bày tại buổi giám sát đã đánh giá tổng thể, toàn diện việc thực hiện CS, PL về bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh Quảng Bình từ năm 2009 đến hết năm 2023. Theo đó, việc thực hiện CS, PL về bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ đặc biệt, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, đã đạt nhiều kết quả nổi bật. 15 năm qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4.378 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm chết 1.930 người, bị thương 3.879 người; các lĩnh vực đường sắt, đường thủy và hàng hải xảy ra 14 vụ, làm chết 9 người, bị thương 4 người. Quảng Bình là tỉnh liên tục 14 năm (2010-2023) duy trì thành tích giảm tai nạn giao thông (TNGT) cả về số vụ, số người chết và bị thương.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT được triển khai với nhiều hình thức phong phú, thu hút sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể và cơ quan báo chí. Lĩnh vực kết cấu hạ tầng GTVT được ưu tiên bằng nhiều nguồn vốn, tập trung xây mới theo quy hoạch cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình, xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hoạt động vận tải và đi lại của nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và hoạt động vận tải đường bộ ngày càng chặt chẽ, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến TTATGT. Các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần từng bước nâng cao văn hóa và ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước liên quan đến lĩnh vực bảo đảm TTATGT ngày càng được nâng cao…
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật nêu trên, qua 15 năm thực hiện CS, PL về bảo đảm TTATGT vẫn còn những tồn tại, khó khăn, hạn chế. Trên cơ sở đó, Sở GTVT và các sở, ngành đã có các kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân làm trung tâm. Bên cạnh đó cần sớm hoàn thiện dự thảo và thông qua Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ và các quy định khác có liên quan, các văn bản hướng dẫn thi hành luật phù hợp với thực tiễn.
Tại buổi giám sát, các thành viên đoàn giám sát đã trao đổi với các sở, ban, ngành nhằm làm rõ thêm những nội dung liên quan, đặc biệt là những bất cập trong công tác phối hợp, phân cấp, phân quyền giữa các ngành chức năng; công tác đăng kiểm, đào tạo, sát hạch; kiểm soát “xe dù”, hoạt động lưu thông của xe điện, hoạt động của các nhà hàng nổi; kiến nghị, đề xuất mở rộng các công trình giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh; đầu tư hệ thống camera an ninh; công tác tuyên truyền bảo đảm TTATGT đường sắt…
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Minh Tâm đề nghị Sở GTVT tiếp thu các ý kiến, bổ sung, cung cấp số liệu, các nội dung kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện báo cáo. Thay mặt đoàn giám sát, đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận đầy đủ các ý kiến và sẽ tổng hợp, xem xét để kiến nghị lên các cơ quan liên quan, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiếp tục nâng cao hiệu quả việc thực hiện CS, PL về bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.