Xây dựng Hệ thống thông tin đất đai tập trung sau sáp nhập

Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của các đơn vị lĩnh vực đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đã diễn ra chiều 27/12, tại Hà Nội.

Xây dựng Hệ thống thông tin đất đai tập trung sau sáp nhập. Ảnh minh họa: TTXVN

Xây dựng Hệ thống thông tin đất đai tập trung sau sáp nhập. Ảnh minh họa: TTXVN

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đề nghị, năm 2025, các đơn vị lĩnh vực đất đai cần tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu như: Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đến năm 2030 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2026 - 2030 cấp quốc gia; xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương; xây dựng, đưa vào vận hành Hệ thống thông tin đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu.

Đồng thời, các đơn vị cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai 2024 và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật; tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các địa phương, các cơ quan, đơn vị trong việc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Đất đai 2024 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật…

Theo Vụ trưởng Vụ Đất đai Đoàn Thị Thanh Mỹ, năm 2024, các đơn vị lĩnh vực đất đai đã tập trung toàn bộ nhân lực và vật lực để giải quyết khối lượng công việc rất lớn, đặc biệt là công tác xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024 dưới áp lực về tiến độ ban hành văn bản mà Quốc hội, Chính phủ đã giao (Luật và các văn bản quy định chi tiết Luật có hiệu lực đồng bộ từ ngày 1/8/2024).

Ngay sau khi Luật Đất đai 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 ngày 18/1/2024, các đơn vị lĩnh vực đất đai đã hoàn thành việc xây dựng, trình Bộ trưởng để trình Chính phủ ban hành 5/9 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2024; ban hành 4 Thông tư được giao quy định chi tiết trong Luật; trình Lãnh đạo Bộ thường xuyên có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật và tổ chức thi hành Luật tại địa phương.

Các đơn vị cũng tổ chức nhiều buổi làm việc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai 2024 tại địa phương; tổ chức kiểm tra công tác đấu giá đất tại Hà Nội, đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Bình Phước, An Giang, Phú Yên và Đắk Lắk theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, các đơn vị đã xây dựng, đưa vào quản lý, vận hành và khai thác sử dụng 4 khối dữ liệu đất đai do Trung ương quản lý (gồm cơ sở dữ liệu về thống kê, kiểm kê đất đai; cơ sở dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu về giá đất; cơ sở dữ liệu về điều tra, đánh giá đất đai). Đáng chú ý, các đơn vị đã hoàn thành tái cấu trúc quy trình, thực hiện kết nối, tích hợp, công bố, cung cấp dịch vụ công trực tuyến “Đăng ký biến động đối với trường hợp đổi tên hoặc thay đổi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; thay đổi hạn chế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc có thay đổi quyền đối với thửa đất liền kề; giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên…” trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Ngoài những kết quả đã đạt được trong năm 2024, các đơn vị vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong công tác phân công, giao nhiệm vụ còn chồng chéo dẫn đến một số nhiệm vụ còn bị chậm; kinh phí cung cấp cho các nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra theo dõi thi hành Luật, quản lý sử dụng đất tại địa phương còn thiếu; công tác giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng còn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan...

Nhằm tháo gỡ khó khăn đối với công tác quản lý đất đai thời gian tới, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ đề xuất, năm 2025, các đơn vị lĩnh vực đất đai cần tiếp tục xây dựng kế hoạch chi tiết và phân công người chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Bộ giao và các văn bản thuộc Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài ra, các đơn vị tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, thường xuyên công tác quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường làm việc theo hình thức trực tuyến với các Sở Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với đó, các đơn vị cần đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thực hiện có hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong quản lý nhà nước về đất đai.

Diệu Thúy/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xay-dung-he-thong-thong-tin-dat-dai-tap-trung-sau-sap-nhap/358254.html