Xây dựng hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, cân đối, bền vững
Tại hội nghị khoa học kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2025) do Sở Y tế Hà Nội tổ chức ngày 22-2, các đại biểu cho rằng, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn Thủ đô có nhiều đổi mới, chất lượng không ngừng được nâng cao nhưng vẫn còn khoảng cách giữa tuyến trên với tuyến dưới. Do đó, định hướng trong thời gian tới cần xây dựng hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, cân đối, bền vững, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe toàn diện của người dân.
Tới dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, lãnh đạo Sở Y tế cùng đại diện gần 100 bệnh viện và khoảng 500 cán bộ y tế.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cùng các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thu Trang
Còn khoảng cách y tế tuyến trên với tuyến dưới
Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn Thủ đô có nhiều đổi mới, chất lượng không ngừng được nâng cao. Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) đánh giá, thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội phát triển được nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu, hiện đại. Hiện, hệ thống y tế Thủ đô đã cung ứng khoảng 90% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế. Thêm vào đó, chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân của Hà Nội là 37,4 giường bệnh/vạn dân; cao hơn trung bình cả nước 34 giường bệnh/vạn dân.
Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong y tế. Hiện, 100% các bệnh viện đã triển khai phần mềm HIS, kết nối dữ liệu khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội; 88% bệnh viện đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS); 10 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử; 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử…

Bên lề hội nghị, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng giới thiệu tới Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà những kỹ thuật cao mà ngành Y tế Thủ đô triển khai thời gian qua. Ảnh: Thu Trang
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương, việc phát triển các kỹ thuật mới, chuyên sâu chủ yếu ở bệnh viện hạng 1. Hơn nữa, nguồn nhân lực y tế cũng chủ yếu tập trung ở các bệnh viện hạng 1 và các bệnh viện trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn thành phố. Còn lại, tại bệnh viện hạng 2 và hệ thống y tế cơ sở còn thiếu nhân lực, đặc biệt là bác sĩ.
Điều đó cũng lý giải vì sao, số lượng bệnh nhân gia tăng hằng năm chủ yếu ở bệnh viện hạng 1, bệnh viện chuyên sâu nhưng lại giảm ở tuyến dưới, tuyến y tế cơ sở là các trung tâm y tế huyện, trạm y tế… Thêm vào đó, Hà Nội là địa bàn tập trung nhiều bệnh viện tuyến trung ương. Vì vậy, hiện vẫn có tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến lên các bệnh viện trung ương, gây quá tải ở các bệnh viện chuyên sâu.
Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, hội nghị khoa học nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam lần này nhằm chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về chiến lược và chính sách phát triển y tế Thủ đô, các giải pháp nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh thông qua chuyển đổi số, ứng dụng chí tuệ nhân tạo… Đây cũng là dịp để các y, bác sĩ lĩnh hội các kiến thức, kinh nghiệm từ các báo cáo viên, từ lãnh đạo các bệnh viện đầu ngành để áp dụng trong công tác khám bệnh, chữa bệnh cho đơn vị của mình trong thời gian tới.
Tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm
Đề cập đến mục tiêu phát triển y tế Thủ đô trong thời gian tới, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương cho rằng, cần xây dựng hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, cân đối, bền vững, bảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục ngay tại cộng đồng. Cùng với đó, xây dựng Hà Nội thành Trung tâm y tế chuyên sâu, chất lượng cao thu hút bệnh nhân từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và từ nước ngoài đến khám, chữa bệnh. Đồng thời, nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng mô hình bác sĩ gia đình. Đặc biệt, có chính sách đặc thù đào tạo, đãi ngộ, thu hút nhân tài; đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong y tế…

Bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh. Ảnh: P.V
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh, ngành Y tế Thủ đô cần tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và mạng lưới quản lý chất lượng các bệnh viện, cơ sở y tế; xây dựng kế hoạch, chương trình cải tiến và nâng cao chất lượng bệnh viện. Cùng với việc phát triển các bệnh viện đa khoa hạng I và bệnh viện chuyên khoa đáp ứng khám chữa bệnh cấp chuyên sâu cần tập trung phát triển mạng lưới y tế cơ sở, đồng thời phát triển nguồn nhân lực y tế đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, năng lực chuyên môn và y đức.
Đồng chí Vũ Thu Hà cũng đề cập đến 4 nhiệm vụ trọng tâm, gợi mở những định hướng mà ngành Y tế Thủ đô cần hướng đến. Một là bám sát Luật Thủ đô năm 2024, tiếp tục nghiên cứu các chính sách và định hướng phát triển y tế Thủ đô trong những năm tiếp theo. Hai là đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong y tế, nâng cao công tác đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chẩn đoán chính xác, điều trị toàn diện nâng tầm kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện đầu ngành của thành phố. Ba là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh viện, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh. Bốn là phát triển các mô hình y tế thông minh, mũi nhọn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân Thủ đô và các vùng lân cận.