Xây dựng hình ảnh 'Công dân kiểu mẫu' TP HCM (*): Biết làm chủ công nghệ thông minh
Thời đại công nghệ, mọi thứ đều sử dụng công nghệ thông minh, công dân kiểu mẫu cũng cần thông minh để làm chủ
Cách đây chục năm, cha tôi hoàn toàn xa lạ với công nghệ. Muốn gửi bài in báo, ông thường viết ra tờ giấy học trò, xong rồi đi xe đến tận tòa soạn đưa cho người biên tập. Nhưng cũng đến lúc không ai muốn nhận bài theo cách thủ công ấy nữa, họ yêu cầu cha tôi phải gửi email. Ông cụ tuổi gần bát thập phải thích ứng với thời đại, nhờ con gái lập cho một tài khoản email. Mỗi lần hỏi địa chỉ email của ai, ông thường bảo "Anh cho tôi cái số meo". Thế mà bây giờ chỉ sau vài năm, ông đã sử dụng máy tính thành thạo, mạng xã hội thì một mình sở hữu đến… 3 tài khoản Facebook. Mỗi lần con gái đăng bài, ông lấy cả 3 tài khoản nhấn nút share cho 3 lượt, nhân lên thành 9.
"Chính phủ điện tử" cần có công dân thích ứng
Cách đây 20 năm, ai có chiếc điện thoại di động thì thiên hạ ngắm lác cả mắt. Người sở hữu điện thoại cũng biết thế, để nhạc chuông to hết cỡ lên để ai cũng biết mình có điện thoại. Riết rồi đến bà bán cá cũng xài điện thoại để điều hàng, các cháu tiểu học dùng iPhone cho phụ huynh tiện liên lạc. Ngay chính tôi, trước đây nhìn thấy cái thẻ tín dụng và e-banking thì rất ái ngại, cứ như thể tiền bạc của mình biến đâu mất tiêu. Tiền là cứ phải bằng giấy, sờ được, thấy được, cất kỹ vào ví mới yên tâm. Sau dùng thẻ thành quen. Đi siêu thị, nhà hàng, rạp chiếu phim, taxi, bệnh viện, đóng học phí cho con… đều có thể quẹt thẻ, thành ra thường xuyên quên bỏ tiền vô ví. Có lần, mua mấy mớ rau của một anh bán xe đẩy xong mới phát hiện trong ví không còn đồng nào, tôi hỏi xem anh ta có số tài khoản không, chẳng ngờ cũng có. Giờ đến anh bán rau còn có e-banking và 30.000 đồng tiền rau cũng có thể chuyển khoản thì nhất cử lưỡng tiện.
Ấy thế mà cũng chưa bằng người Trung Quốc dùng Wechat, tích hợp đến nỗi mấy ông ăn xin ngoài phố cứ để mã QR Wechat của mình cạnh cái mũ. Người hảo tâm đi qua chỉ cần giơ điện thoại quẹt mã một cái thì vài đồng nhân dân tệ đã được chuyển sang tài khoản của người ăn xin, khỏi cần móc ví lấy tiền lẻ.
"Chính phủ điện tử" cần có "công dân điện tử". Khi mà toàn dân sử dụng công nghệ thì nhà nước cũng được lợi. Lâu rồi không còn thấy bà thu tiền điện, ông thu phí điện thoại xuất hiện trước cửa nhà với tập hóa đơn trên tay. Có nộp tiền gì cũng chỉ bấm điện thoại có 1 phút. Chính phủ giảm tải được nhân lực, tiết kiệm chi phí in ấn. Các nước tiên tiến đã quản lý hành chính, quản lý tội phạm, điều hành chính phủ bằng công nghệ số từ lâu. Mình mới làm nhưng đã thu được vô vàn tiện ích. Muốn xin cấp giấy tờ, dân cứ lên mạng kê khai, làm thủ tục, tiết kiệm được bao thời gian. Từ đó, chiếc điện thoại thông minh bỗng trở thành vật bất ly thân không thể thiếu.
Nó không chỉ là điện thoại để liên lạc mà còn là máy tính, máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm, tivi, radio, máy nghe nhạc; là ngân hàng, siêu thị, nhà hàng, thư viện, sạp báo, shop thời trang, tổng đài taxi, đại lý du lịch; là chốn trò chuyện hay hẹn hò tìm người yêu…
Biết "gạn đục khơi trong"
Con người sống ở thế giới công nghệ thông minh cũng phải thông minh và văn minh, bởi thứ gì đem lại nhiều lợi ích cũng kèm theo một "combo" rất tệ khác.
Thứ nhất là tin tức thời nay nhiều đến mức thừa thãi, cũng chính vì thế nó khiến chúng ta trở nên hoang mang. Đâu là đúng - sai, khó thể phân biệt được vì nguồn tin nào cũng thấy có lý. Nhiều người chết oan vì uống thuốc trên mạng. Nhiều người nghe thông tin là đổ xô mua chứng khoán, bất động sản rồi sạt nghiệp. Internet bây giờ có vô vàn thông tin; sáng ra tình cờ lọt vào hàng loạt tin tức showbiz, dăm chuyện giật gân bên lề, mấy cuộc tranh cãi trên Facebook là ngót vài giờ. Những tin tức ấy bắt mắt mà độc hại. Cứ mỗi công dân mất 1-2 giờ lướt mạng vô bổ mỗi ngày là quốc gia tổn thất vô số giờ công lao động và các cá nhân thì thiệt hại không kém về thời gian học tập, vui chơi lành mạnh và kết nối tình cảm với bạn bè, người thân.
Điện thoại thông minh và công nghệ số thời nay khiến bất cứ cư dân mạng nào cũng đều có khả năng đưa tin. Nhờ vậy, nhiều tội ác, vô khối chuyện bất công được lôi ra ánh sáng nhưng cũng để lại vô vàn hệ lụy khi không phải người đưa tin nào cũng có kiến thức nghề nghiệp và lương tâm. Không ít nạn nhân đã phải tự tử vì nhiều chuyện riêng tư bị bêu lên mạng, bị chia sẻ với tốc độ "chóng mặt" và lãnh đủ "gạch đá" từ những bình luận ác ý.
Kỹ thuật số cũng sinh ra một loại hình lừa đảo mới - lừa đảo bằng công nghệ hoặc thông qua công nghệ. Các ngân hàng hốt hoảng ngày đêm tìm cách để bảo vệ khách hàng. Cơ quan công quyền, báo chí luôn nhắc nhở người dân, độc giả rằng chớ mắc bẫy những kẻ lừa đảo qua mạng với đủ các câu chuyện đẫm nước mắt - từ lừa tiền, lừa tình đến cờ bạc, buôn bán người...
Công dân thông minh là biết độc lập suy nghĩ, không hùa theo đám đông khi chưa biết rõ phải quấy và càng không để người khác lợi dụng mình.
Sống giữa thời đại công nghệ số, vui thì có vui, tiện thì quả nhất cử lưỡng tiện nhưng người thông minh phải biết làm chủ công nghệ một cách thông minh, không để cho đồ vật chi phối mình. Nếu không, biết đâu khi công nghệ AI phát triển đến cực đỉnh, các loại robot thông minh ra đời thay thế con người, chúng sẽ thống trị chúng ta không chừng.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra 25-4
Kỳ tới: Nơi nuôi dưỡng giá trị nhân văn
Nhiều cuộc điều tra xã hội học cho hay con người thế kỷ XXI không hạnh phúc bằng các thế hệ trước chính bởi công nghệ và mạng xã hội.
Mạng xã hội cũng khiến nhiều người khó kiềm chế hơn, trở nên đố kỵ hơn, áp lực hơn, phô diễn nhiều hơn, cạnh tranh nhiều hơn và cũng tức mình nhiều hơn.
Đặc biệt là thế hệ mới lớn, không ít người hễ cứ vào mạng là thấy ai cũng hơn mình rồi sinh ra tự ti, nghĩ mình xấu xí, vô dụng hoặc là cạnh tranh, đố kỵ. Mạng xã hội cũng khiến người ta tức tối nhiều hơn khi liên tục phải nghe những quan điểm trái ngược với mình rồi lời qua tiếng lại thành những cuộc chiến, tới mức cuộc sống chẳng những không vui hơn mà còn trở nên nặng nề. Tỉ lệ những người trầm cảm có lẽ đã tăng vọt kể từ khi mạng xã hội xuất hiện; tình hình an ninh, trật tự xã hội cũng trở nên phức tạp hơn từ đó.