Xây dựng hình ảnh người Thanh Hóa trong thời kỳ hội nhập và phát triển
Trong lịch sử chống ngoại xâm, người dân Thanh Hóa luôn kiên cường, bất khuất và mưu trí. Vì thế, vùng đất xứ Thanh 'nhân kiệt' không chỉ là lực lượng tiên phong trong các cuộc khởi nghĩa; mà còn là nơi phát tích, dựng cờ khởi nghĩa. Từ thời Bà Triệu với cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Ngô; đến Dương Đình Nghệ kéo quân từ xứ Thanh ra Đại La giành lại La Thành, cai quản đất nước dưới danh nghĩa Tiết Độ Sứ. Sau Dương Đình Nghệ còn có Lê Hoàn, Lê Lợi... đã lập nên những chiến công lẫy lừng... Người Thanh Hóa không chỉ giỏi 'Lên ngựa cầm gươm, xuống ngựa cầm bút', mà còn là những người giàu khả năng sáng tạo. Cha con Hồ Quý Ly xây Thành Nhà Hồ, chế súng thần công, đúc tiền đồng; Lê Văn Hưu viết nên 'Đại Việt sử ký toàn thư',...
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao bằng khen, cúp tại lễ tôn vinh doanh nhân và sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa năm 2020.
Trong thời đại Hồ Chí Minh cùng với Nhân dân cả nước, những người con xứ Thanh lại viết tiếp thiên sử thi hào hùng dựng nước và giữ nước của ông cha qua những trận chiến vang dội, những chiến công hiển hách, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những thanh niên xung phong, tự vệ chiến đấu dũng cảm và chịu đựng gian khổ như Ngô Thị Tuyển, Nguyễn Thị Hằng; anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo; anh hùng Lê Mã Lương với câu nói nổi tiếng “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”..., mỗi người một vẻ nhưng đều chung một chí hướng làm rạng danh cho Tổ quốc Việt Nam, cho quê hương Thanh Hóa anh hùng.
Nghi thức rước kiệu trong Lễ hội Lam Kinh. Ảnh: P.S
Sau ngày “Non sông ca khúc khải hoàn” và cho đến hôm nay, cùng với cả nước, những người con xứ Thanh luôn ra sức thi đua học tập, lao động, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Từ những con số như, 12 huy chương Olympic quốc tế (7 HCV, 4 HCB, 1 HCĐ), 4 huy chương Olympic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ) mà học sinh Thanh Hóa đạt được trong 5 năm qua; trên 60 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa THPT cấp quốc gia mỗi năm; tỷ lệ đậu đại học và đỗ thủ khoa các trường đại học hằng năm luôn đứng tốp đầu cả nước... đang minh chứng cho tinh thần hiếu học, chí tiến thủ của người Thanh Hóa. Cùng với đó, sự hình thành và phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực - “Tứ Sơn”, gồm: trung tâm động lực TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn; trung tâm động lực phía Nam Khu Kinh tế Nghi Sơn; trung tâm động lực phía Bắc Thạch Thành - Bỉm Sơn và trung tâm động lực phía Tây Lam Sơn - Sao Vàng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà không ngừng phát triển. Đồng thời, góp phần khẳng định sự năng động, sáng tạo của người Thanh Hóa hôm nay... Tuy nhiên, cùng với những mặt mạnh nổi trội, những ưu thế vốn có, người Thanh Hóa cũng bộc lộ những hạn chế cả về tư duy và hành động. Bên cạnh những người luôn có ý chí tiến thủ, vươn lên, hòa nhập với đất nước và quốc tế; vẫn còn không ít người Thanh Hóa tự mãn với truyền thống, coi Thanh Hóa là nhất, tự hào và bằng lòng với cái mình đã có; thiếu tính liên kết, hợp tác để tạo ra sức mạnh... Những hạn chế này ít nhiều ảnh hưởng đến sự năng động, sáng tạo và hội nhập quốc tế.
Trong giai đoạn hiện nay, khi sự phát triển gắn liền với các yếu tố tri thức và khoa học công nghệ, mỗi người Thanh Hóa cần tiếp thu những giá trị văn hóa tiên tiến của đất nước và nhân loại. Đồng thời, phải biết giữ gìn và phát huy vẻ đẹp, sức mạnh, trí tuệ, tinh thần cần cù lao động sáng tạo, anh dũng, kiên cường đã được hun đúc qua nhiều thế hệ. Qua đó, xây dựng hình ảnh người Thanh Hóa có phẩm chất, trí tuệ và năng lực, có tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, có đạo đức, lối sống và nhân cách, tôn trọng pháp luật; có thế giới quan khoa học, hướng tới chân, thiện, mỹ; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình, xã hội và kiên quyết khắc phục, xóa bỏ những mặt hạn chế, yếu kém. Từ đó, tiếp tục khẳng định vị thế của người Thanh Hóa trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.