Xây dựng Hòa Bình lên kế hoạch phát hành tối đa 274 triệu cổ phiếu riêng lẻ

CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC - sàn HoSE) thông qua kế hoạch huy động vốn, đồng thời cổ phiếu HBC cũng bị đưa vào diện cảnh báo do lỗ kỷ lục trong năm 2022.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa quyết định đưa cổ phiếu HBC vào diện cảnh báo từ ngày 13/7 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2022 trên Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2022 là số âm, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo.

Ngoài ra, ngày 27/7, Xây dựng Hòa Bình sẽ chốt danh sách cổ đông tham gia Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023, Đại hội dự kiến tổ chức từ ngày 25/8 đến 30/8. Trong đó, Công ty dự kiến trình cổ đông thông qua Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, phương án chi tiết về phát hành cổ phiếu riêng lẻ và các nội dung khác (nếu có).

Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023, Xây dựng Hòa Bình thông qua việc phát hành tối đa 274 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn 12.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến triển khai trong năm 2023. Trong đó, mục đích sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với đối tác (nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà sản xuất), thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án.

Xây dựng Hòa Bình tăng lỗ thêm 1.428,64 tỷ đồng sau kiểm toán năm 2022

Sau kiểm toán năm 2022, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lỗ 2.566,81 tỷ đồng so với trước kiểm toán lỗ 1.138,17 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 1.428,64 tỷ đồng.

Trong đó, biến động chủ yếu do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 1.306,35 tỷ đồng, lên 2.246,24 tỷ đồng; lợi nhuận gộp tăng 212,42 tỷ đồng, lên 470,35 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 134,54 tỷ đồng, về 24 tỷ đồng…

Lũy kế trong năm 2022, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lỗ tăng thêm 2.669,77 tỷ đồng so với năm 2021, lên 2.566,81 tỷ đồng.

Với việc lỗ trong năm 2022, tính tới 31/3/2022, Công ty ghi nhận lỗ lũy kế 2.100,7 tỷ đồng, bằng 76,6% vốn điều lệ.

Bên cạnh việc tăng lỗ, Báo cáo tài chính kiểm toán 2022 của Xây dựng Hòa Bình cũng ghi nhận những vấn đề cần nhấn mạnh của đơn vị kiểm toán. Cụ thể, đơn vị kiểm toán lưu ý người đọc khoản lỗ thuần 2.570,5 tỷ đồng đã khiến Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2022 gần 2,100,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2022 âm hơn 883,1 tỷ đồng.

Mặt khác, tại thời điểm lập báo cáo, Xây dựng Hòa Bình có các khoản nợ đã quá hạn, trong đó một số khoản vay đã được ngân hàng đồng ý gia hạn, số còn lại Xây dựng Hòa Bình đang trong quá trình thương thảo xin gia hạn.

Năm 2022 và 2023 là thời điểm khó khăn nhất của Xây dựng Hòa Bình

Một diễn biến đáng chú ý khác, trước đó, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa công bố thông tin nhận trách nhiệm về khoản lỗ của Xây dựng Hòa Bình trong năm 2022, đồng thời hé lộ về tình hình tài chính của Công ty.

Đầu tiên, ông Lê Viết Hải nhận định năm 2022 và 2023 là thời kỳ khó khăn nhất của Xây dựng Hòa Bình trong suốt hành trình qua hơn 3,5 thập kỷ. Riêng 5 năm gần đây là thời gian có nhiều biến cố vô cùng bất lợi cho ngành xây dựng, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng nhà ở đô thị và du lịch, hai lĩnh vực xây dựng chủ yếu của Xây dựng Hòa Bình.

Từ năm 2017, đã có rất ít dự án nhà ở đô thị được cấp giấy phép xây dựng, trong khi đó nguồn nhân lực trong ngành vẫn tăng liên tục nhưng nguồn việc thì không tăng mà ngược lại giảm mạnh. Từ thực trạng thiếu việc làm tạo nên mất cân đối cung cầu đã gây bất lợi lớn cho các nhà thầu; thị trường xây dựng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết.

Trong hai năm 2020 và 2021, cuộc chiến với đại dịch Covid-19 kéo dài đã giáng đòn nặng nề lên toàn bộ nền kinh tế với nhiều hệ lụy cho ngành xây dựng, riêng Hòa Bình là sự sụt giảm doanh thu lên đến 40%. Đến cuối năm 2021, hệ quả của đại dịch Covid-19 còn gây ra sự biến động giá cả vật tư và nhân công, lần nữa tạo thêm cơn sóng dữ cuốn đi phần lợi nhuận cực kỳ nhỏ nhoi còn lại của các nhà thầu.

Trong khi đó, chính sách Zero Covid của Trung Quốc càng làm khó khăn hơn cho ngành du lịch Việt Nam và tác động xấu đến các doanh nghiệp bất động sản du lịch, những khách hàng của Xây dựng Hòa Bình. Đầu năm 2022, xung đột vũ trang Nga - Ukraine khiến những hy vọng khôi phục kinh tế sau đại dịch vụt tắt, toàn bộ nền kinh tế thế giới đều bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng. Chủ đầu tư các dự án bất động sản du lịch không thể bán hoặc đưa vào khai thác hiệu quả các công trình vì không có nguồn khách quốc tế.

Những biến động tiêu cực của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng suốt những năm qua khiến các doanh nghiệp xây dựng đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, đặc biệt đối với Hòa Bình. Năm 2022, với doanh thu 14.154 tỷ đồng, lần đầu tiên Xây dựng Hòa Bình báo lỗ và lỗ đến 2.572 tỷ đồng. Riêng phần trích lập dự phòng cho các khoản nợ phải thu ngắn hạn khó đòi lên đến trên 2.059 tỷ đồng.

Với vai trò là người đứng đầu Xây dựng Hòa Bình, ông Hải xin nhận trách nhiệm khi chưa làm tròn nghĩa vụ đưa Xây dựng Hòa Bình phát triển như kỳ vọng, theo đúng tầm nhìn chiến lược đã xác định, chưa xứng đáng với niềm tin và lòng mong mỏi của cổ đông. Ông cũng xin nhận trách nhiệm của người giữ vị trí cao nhất trong Tập đoàn khi để xảy ra một số sự việc đáng tiếc ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Ban lãnh đạo và thương hiệu Xây dựng Hòa Bình lâu nay.

Tuy vậy, ông Hải khẳng định những quyết định của ông trong bất cứ tình thế nào đều được đưa ra trên nguyên tắc bảo vệ cho quyền lợi cao nhất của cổ đông.

Về định hướng sắp tới, Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình cho biết Công ty sẽ lùi lại một bước để làm mới bản thân bằng chiến lược tái cấu trúc toàn diện. Kế hoạch tái cấu trúc toàn diện đã được HĐQT và Ban Điều hành Công ty bắt tay vào triển khai và sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp quan trọng do tân Tổng Giám đốc Lê Văn Nam đề xuất bao gồm: Tái cấu trúc tài chính; tái cấu trúc nguồn nhân lực; tái cấu trúc sản phẩm và thị trường; tái cấu trúc hệ thống quản lý; tái cấu trúc hệ thống các công ty thành viên và công ty liên kết.

Duy Bắc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/xay-dung-hoa-binh-len-ke-hoach-phat-hanh-toi-da-274-trieu-co-phieu-rieng-le-d193518.html