Xây dựng Hòa Bình muốn chuyển nhượng vốn góp tại hai công ty liên kết

Xây dựng Hòa Bình muốn chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt và Kỹ thuật Jesco Hòa Bình.

HĐQT CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) vừa thông qua một loạt nghị quyết.

Theo đó, HĐQT Hòa Bình chấp thuận chuyển nhượng 100% phần vốn góp của Hòa Bình tại CTCP Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt cho nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính với giá trị chuyển nhượng tốt nhất.

Công ty này hoạt động trong lĩnh vực trang trí nội thất; sản xuất vật liệu xây dựng (cửa nhôm); san lấp mặt bằng và mua bán vật tư xây dựng. Trụ sở công ty tại quận 12, TP HCM. Tính đến cuối tháng 3, Hòa Bình nắm 32,31% vốn tại Cơ khí và Nhôm kính Anh Việt, giá trị đầu tư gần 20 tỷ đồng.

Nguồn: Thuyết minh BCTC.

Nguồn: Thuyết minh BCTC.

Bên cạnh đó, HĐQT công ty cũng chấp thuận chuyển nhượng 100% phần vốn góp của Hòa Bình tại CTCP Kỹ thuật Jesco Hòa Bình cho nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính với giá trị chuyển nhượng tốt nhất.

Kỹ thuật Jesco Hòa Bình hoạt động trong lĩnh vực thi công lắp đặt trang thiết bị công trình xây dựng, hệ thống điện nước, phòng cháy chữa cháy, hệ thống làm lạnh. Trụ sở công ty tại quận 3, TP HCM. Tính đến cuối tháng 3, Hòa Bình nắm 47,82% vốn tại công ty này, giá trị đầu tư gần 35 tỷ đồng.

Một nội dung khác là HĐQT thông qua việc cử ông Vũ Ngọc Kiên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quy hoạch và Kiến trúc Hòa Bình (HPA) là người đại diện phần vốn góp của Xây dựng Hòa Bình tại Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế Hòa Bình (HBA).

Phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ

Ngoài ra, HĐQT Hòa Bình thông qua hồ sơ phát hành hơn 73 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ của công ty. Giá phát hành là 10.000 đồng/cp, cao hơn 29% so với thị giá cổ phiếu HBC chốt phiên 19/6 (7.750 đồng/cp).

Thời gian phát hành dự kiến được thực hiện trước đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, dự kiến trong quý II đến quý IV năm nay, sau khi được UBCKNN chấp thuận.

Theo công bố, danh sách nhà đầu tư tham gia đợt chào bán này gồm 99 doanh nghiệp - tất cả đều không nắm giữ cổ phần nào tại Xây dựng Hòa Bình và đều là nhà đầu tư trong nước.

Đơn vị được phân phối lượng cổ phiếu lớn nhất trong danh sách này là CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) với số dư nợ gốc tại ngày 31/12/2023 là gần 105 tỷ. Do đó, số lượng cổ phiếu dự kiến được phân phối cho SMC để hoán đổi nợ là gần 10,49 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 3% sau đợt chào bán.

Công ty được phân phối nhiều thứ hai trong danh sách là Công ty TNHH MTV Máy Xây dựng Matec với số dư nợ cuối năm ngoái là gần 89 tỷ, tương ứng số cổ phiếu dự kiến được phân phối là gần 8,9 triệu cổ phiếu HBC. Sau phát hành, tỷ lệ sở hữu của Matec tại Xây dựng Hòa Bình là 2,55%.

Matec là công ty con do Xây dựng Hòa Bình nắm 100% vốn. Cuối tháng 3, HĐQT đã khởi động lại phương án việc thoái toàn bộ vốn tại đơn vị này. Matec được thành lập vào năm 2010, là công ty con của Hòa Bình để thực hiện quản lý và khai thác toàn bộ số máy móc, thiết bị cho tập đoàn.

Doanh nghiệp được phân phối lượng cổ phiếu cao thứ ba trong danh sách là CTCP Đầu tư Thương mại và Kỹ thuật Hòa Bình (tên mới là CTCP Đầu tư Phát triển Daiwa) có dư nợ gần 91 tỷ cuối năm ngoái. Giá trị khoản nợ phải trả được hoán đổi là 36 tỷ, tương ứng với số cổ phần dự kiến được phân phối là 3,6 triệu đơn vị. Sau phát hành, Daiwa có thể tăng tỷ lệ nắm giữ tại ông lớn ngành xây dựng này lên hơn 1%.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/xay-dung-hoa-binh-muon-chuyen-nhuong-von-gop-tai-hai-cong-ty-lien-ket.html