Xây dựng Hòa Bình thoát lỗ quý I/2024 nhờ lãi bán các khoản đầu tư
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC - sàn HoSE) ghi nhận lãi trở lại 57,75 tỷ đồng trong quý I/2024, giảm lỗ lũy kế về 3.182,46 tỷ đồng, bằng 116,1% vốn chủ sở hữu.
Lãi trở lại trong quý I/2024
Trong quý I/2024, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 1.650,9 tỷ đồng, tăng 38,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 57,75 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 443,8 tỷ đồng. Trong đó, Công ty không còn kinh doanh dưới giá vốn, biên lợi nhuận gộp chuyển từ âm 17%, lên dương 1,3%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp của Xây dựng Hòa Bình ghi nhận dương 21,34 so với cùng kỳ âm 202,6 tỷ đồng, tức tăng thêm 223,94 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu tài chính tăng 44,48 lần so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 111,2 tỷ đồng, lên 113,7 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 27,3%, tương ứng giảm 37,5 tỷ đồng, về 99,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 14%, tương ứng giảm 1,08 tỷ đồng, về 6,63 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận âm 21,11 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 99,69 tỷ đồng, tức giảm 120,8 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng – chi phí quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2024, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận lỗ 63,98 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 447,3 tỷ đồng.
Như vậy, Xây dựng Hòa Bình thoát lỗ trong quý đầu năm 2024 nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến.
Xây dựng Hòa Bình thuyết minh thêm doanh thu tài chính tăng nhờ lãi bán các khoản đầu tư ghi nhận 109 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận.
Được biết, trong năm 2024, Xây dựng Hòa Bình đặt kế hoạch tổng doanh thu 10.800 tỷ đồng, tăng 43,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế dự kiến lãi 433 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 1.110,7 tỷ đồng.
Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2024 với lãi 57,75 tỷ đồng, Xây dựng Hòa Bình chỉ hoàn thành 13,3% so với kế hoạch năm.
Mặc dù lãi trở lại sau hai năm thua lỗ nhưng tại thời điểm 31/3/2023, Xây dựng Hòa Bình vẫn còn lỗ lũy kế 3.182,46 tỷ đồng, bằng 116,1% vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu chỉ 2.741,33 tỷ đồng).
Tính tới cuối quý I/2024, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình giảm 2,3% so với đầu năm, tương ứng giảm 357,7 tỷ đồng, về 14.892,2 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 10.239,5 tỷ đồng, chiếm 68,8% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.653,1 tỷ đồng, chiếm 11,1% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong đó, Xây dựng Hòa Bình thuyết minh phải thu ngắn hạn là 10.239,5 tỷ đồng, Công ty đã dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 2.387,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, về phần nguồn vốn, tại thời điểm cuối quý I/2024, tổng nợ vay lên tới 4.490 tỷ đồng, bằng hơn 30 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 3.731,6 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 758,4 tỷ đồng.
Xây dựng Hòa Bình thay đổi phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ và hoán đổi nợ
Điểm đáng lưu ý, tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024 vào chiều ngày 25/4, Xây dựng Hòa Bình đã thông qua dừng phương án tăng vốn thông qua ngày 18/10/2023, đồng thời sẽ thực hiện phương án tăng vốn mới.
Trong đó, Xây dựng Hòa Bình dự kiến phát hành tối đa 274 triệu cổ phiếu (74 triệu cổ phiếu hoán đổi nợ và 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ), dự kiến triển khai trong năm 2024 đến năm 2025.
Đối với kế hoạch hoán đổi nợ, Công ty phát hành tối đa 74 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị hoán đổi là 740 tỷ đồng, thời gian hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Trong đó, Công ty sẽ hoán đổi nợ hiện hữu của Công ty với các chủ nợ như nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất.
Đối với phương án chào bán riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu, giá phát hành dự kiến 12.000 đồng/cổ phiếu, huy động 2.400 tỷ đồng, thời gian hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ khi phát hành. Trong đó, số tiền huy động được dùng để thanh toán các khoản nợ vay của Công ty tại Ngân hàng.
Được biết, ngày 18/10/2023, Xây dựng Hòa Bình thông qua kế hoạch phát hành 252.484.528 cổ phiếu. Trong đó, 220 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ và 32.484.528 cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ.
Đối với kế hoạch chào bán riêng lẻ 220 triệu cổ phiếu, giá chào bán tối thiểu 12.000 đồng/cổ phiếu và giá chào bán cao nhất là 14.500 đồng/cổ phiếu, số tiền huy động dự kiến từ 2.640 - 3.190 tỷ đồng và cổ phiếu chào bán bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày phát hành. Thời gian chào bán dự kiến trong quý IV/2023 đến quý I/2024 và sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua.
Số tiền huy động từ đợt chào bán riêng lẻ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ vay. Trong đó, 1.754 tỷ đồng trả gốc và lãi tại Ngân hàng BIDV, thời gian từ quý IV/2023 đến quý III/2024; 997,8 tỷ đồng trả gốc và lãi tại Ngân hàng VietinBank, thời gian từ quý IV/2023 đến quý IV/2024; 158,3 tỷ đồng trả gốc, lãi tại Ngân hàng Hàng Hải, thời gian từ quý I/2024 đến quý IV/2024; 135,96 tỷ đồng trả gốc, lãi tại Ngân hàng Quốc Dân, thời gian dự kiến từ quý I/2024 đến quý II/2024; 95,3 tỷ đồng trả gốc, lãi tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, thời gian dự kiến từ quý II/2024 đến quý III/2024; và 48,6 tỷ đồng trả gốc, lãi tại Ngân hàng Đông Nam Á, thời gian quý I/2024.
Công ty cho biết hai cổ đông dự kiến tham gia là Primetech VN Development And Investment Joint Stock Company dự kiến mua 120 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 0%, lên 22,79% vốn điều lệ; và Tumaz And Tumaz Enterpries Ltd dự kiến mua 100 triệu cổ phiếu, nâng sở hữu từ 0%, lên 18,99% vốn điều lệ.
Đối với phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ, thời gian dự kiến trong quý IV/2023 đến quý I/2024.
Như vậy, trong kế hoạch gọi vốn sắp tới, khối lượng phát hành riêng lẻ giảm từ 220 triệu xuống còn 200 triệu cổ phiếu, giá phát hành còn 12.000 đồng/cổ phiếu và kéo dài thời gian thực hiện thay vì hoàn thành trong quý I/2024; đối với phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ, tăng lượng phát hành thêm hơn 41,5 triệu cổ phiếu, đồng thời kéo dài thời gian phát hành thay vì kết thúc quý I/2024.