Xây dựng Hòa Bình tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bàn việc phát hành cổ phiếu
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào cuối tháng 8 tới.
Theo nghị quyết HĐQT HBC ngày 6/7, thời gian tổ chức đại hội dự kiến trong khoảng thời gian từ 25/8-30/8. Ngày đăng ký cuối cùng là 27/7. Nội dung họp dự kiến là thông qua báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022; phương án chi tiết về phát hành cổ phiếu riêng lẻ; các vấn đề khác thuộc thẩm quyền ĐHĐCĐ.
Cũng trong ngày 6/7, HĐQT HBC thông qua nghị quyết cơ cấu lại các tiểu ban thuộc HĐQT. Trong đó, Tiểu ban Chiến lược và đầu tư do bà Nguyễn Thị Lượt làm Trưởng ban, ông Lê Viết Hiếu và ông Nguyễn Tường Bảo là thành viên. Tiểu ban lương thưởng do ông Lê Văn Nam làm trưởng ban, ông Lê Viết Hiếu và bà Vũ Thị Hòa là thành viên.
Tiểu ban phát triển thị trường nước ngoài do ông Lê Viết Hiếu làm trưởng ban, ông Lê Văn Nam, ông Nguyễn Tường Bảo và bà Nguyễn Thị Lượt là thành viên. Tiểu ban quản trị rủi ro cũng do bà Nguyễn Thị Lượt đảm nhiệm vai trò trưởng ban, ông Nguyễn Tường Bảo, ông Lê Viết Hiếu và bà Vũ Thị Hòa là thành viên.
Xây dựng Hòa Bình vừa tiến hành “thay máu” HĐQT khi miễn nhiệm 5/8 thành viên trong HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2024. HĐQT của HBC hiện tại gồm 6 người, 3 người cũ là ông Lê Viết Hải, ông Lê Viết Hiếu và ông Nguyễn Tường Bảo; 3 người mới là ông Lê Văn Nam – được bổ nhiệm Tổng giám đốc HBC từ đầu tháng 6/2023, bà Nguyễn Thị Lượt - Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Queen Hotel, bà Vũ Thị Hòa - Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH ALB & Partners.
Bà Nguyễn Thị Lượt được bầu làm Phó Chủ tịch HBC từ ngày 1/7/2023.
Liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 27/6 vừa qua, cổ đông HBC đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược và nhà nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm huy động nguồn vốn để bổ sung vốn lưu động cũng như xử lý các khoản nợ (hoán đổi nợ với đối tác, thanh toán nợ vay từ phát triển dự án).
Giá phát hành sẽ do HĐQT quyết định nhưng không thấp hơn 12.000 đồng/cp. Nếu đợt chào bán diễn ra thành công, HBC có thể thu về ít nhất 3.288 tỷ đồng.
Liên quan đến báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, HBC cũng mới có giải trình liên quan đến chênh lệch phần lợi nhuận sau thuế năm 2022 trước kiểm toán và sau kiểm toán tại báo cáo tài chính hợp nhất.
Theo HBC, kiểm toán điều chỉnh chi phí trích lập dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng khoản trả trước người bán và dự phòng phải thu cho vay trong chi phí quản lý doanh nghiệp khiến lợi nhuận điều chỉnh giảm 1.306 tỷ đồng.
Kiểm toán cũng điều chỉnh tăng thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại từ việc trích lập thêm chi phí dự phòng đầu tư dài hạn làm cho lợi nhuận giảm 198 tỷ đồng. Đồng thời, kiểm toán điều chỉnh giảm doanh thu tài chính từ khoản trích lãi chậm thanh toán của khách hàng, làm lợi nhuận điều chỉnh của doanh nghiệp này giảm hơn 134 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán cũng điều chỉnh giảm lãi đầu tư vào công ty liên doanh liên kết, do lợi nhuận của CTCP Kỹ thuật Jesco HBC điều chỉnh giảm so với trước kiểm toán, làm lợi nhuận giảm 2 tỷ đồng.
Cuối cùng, kiểm toán điều chỉnh tăng lợi nhuận gộp, đến từ việc điều chỉnh giảm giá vốn tại công ty mẹ HBC và điều chỉnh giảm chi phí bán hàng, chi phí tài chính làm lợi nhuận tăng 211 tỷ đồng.
Trong báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2022, HBC ghi nhận lỗ 2.570 tỷ đồng, so với trước kiểm toán lỗ 1.140 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 1.429 tỷ đồng, đánh dấu số lỗ lớn nhất của doanh nghiệp này kể từ khi niêm yết.