Xây dựng, hoàn thiện thể chế: Còn nhiều vấn đề cần làm để khơi thông nguồn lực
Hôm qua (26/12), chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế còn nhiều vấn đề cần làm để khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển nhanh, bền vững.
9 phiên họp cho ý kiến, thông qua 40 dự án
Đây là phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật thứ 9 - cũng là phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật cuối cùng trong năm 2022. Tại 9 phiên họp này, Chính phủ cho ý kiến, thông qua 40 dự án, đề nghị xây dựng Luật. Chính phủ đã trình Quốc hội 20 dự án Luật, 13 dự án Luật đã được Quốc hội thông qua và 7 dự án Luật đang được Quốc hội cho ý kiến.
Đến tháng 11/2022, Chính phủ đã ban hành 8 Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, chính sách. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản như Công văn 301/TTg-PL ngày 6/4/2022, Công điện 805/CĐ-TTg ngày 11/9/2022..., trong đó có nội dung chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật.
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành theo thẩm quyền. Đến thời điểm này của năm 2022, Chính phủ đã ban hành 101 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 28 Quyết định quy phạm pháp luật. Riêng trong lĩnh vực chuyển đổi số, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành 16 văn bản trong năm 2022 (gồm 4 Nghị định, 1 Nghị quyết của Chính phủ và 10 Quyết định, 1 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ).
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế là một trong ba đột phá chiến lược, là trọng tâm ưu tiên được Chính phủ tập trung đầu tư, quyết liệt tổ chức thực hiện. Thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã có bước chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp, ngày càng chuyên nghiệp, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Tuy nhiên, công tác này còn nhiều vấn đề cần làm để hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực phục vụ phát triển nhanh, bền vững, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Việc xây dựng các Luật nhằm tháo gỡ nút thắt mà thực tiễn đặt ra; những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định điều chỉnh; vấn đề thực tiễn đặt ra, có quy định song không còn phù hợp.
“Việc xây dựng pháp luật phải tiếp tục thể chế hóa, đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, Thủ tướng nhấn mạnh. Một lần nữa lưu ý những hạn chế của công tác này, nhất là về đầu tư cho nguồn nhân lực, cơ sở vật chất cho xây dựng pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm quốc tế và tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút ra bài học để công tác này được thực hiện hiệu quả hơn.
5 trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng pháp luật
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế. Theo đó, tổ chức rà soát tổng thể, đánh giá những mặt được, chưa được, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; bổ sung những vấn đề, nội dung còn thiếu hoặc chỉnh sửa những nội dung không còn phù hợp với thực tiễn.
Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ căn cứ các nghị quyết, kết luận, chương trình công tác của Bộ Chính trị, Quốc hội, thực hiện rà soát chương trình xây dựng pháp luật, phân công cho các bộ, ngành triển khai xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế; đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác quan trọng này. Các bộ, ngành trong quá trình xây dựng pháp luật nếu có vấn đề vướng mắc, các Bộ trưởng trực tiếp trao đổi để thống nhất; nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ thẩm định kỹ lưỡng, đầy đủ, trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm để việc xây dựng pháp luật đảm bảo kịp thời, chất lượng cao.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện 5 trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng pháp luật, gồm: tăng cường vai trò người đứng đầu; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; tập trung đầu tư nguồn lực; thu hút, nâng cao chất lượng nhân lực. Thủ tướng nhấn mạnh phải đánh giá cả 2 mảng công tác: xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật. Đặc biệt phải chú trọng truyền thông chính sách trong cả quá trình xây dựng pháp luật và sau khi luật được ban hành đưa vào thực thi.
Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành tích cực thực hiện chương trình công tác về xây dựng pháp luật còn lại của năm 2022; khẩn trương xây dựng, trình các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2023. Trong đó, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính nghiên cứu xây dựng Nghị quyết - văn bản riêng về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ cho năm 2023 và thời gian tới; tránh việc phải ra nhiều văn bản, công điện, chỉ thị chỉ đạo việc tổ chức thực hiện.
Người đứng đầu Chính phủ biểu dương Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện tốt vai trò cơ quan thẩm định, thẩm tra, đồng thời có những ý kiến tham mưu độc lập, chất lượng; đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với tinh thần xây dựng cao của các thành viên Chính phủ và các đại biểu.
Tại phiên họp tháng 12/2022, Chính phủ xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và đề nghị xây dựng các Luật: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Chính phủ đã nghe Tờ trình tóm tắt dự thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; nghe báo cáo thẩm tra các Luật, đề nghị xây dựng Luật; đồng thời dành thời gian thảo luận, đóng góp ý kiến, làm rõ các nội hàm, chỉnh sửa, bổ sung nội dung vào các dự thảo Luật, đề nghị xây dựng Luật.